Multimedia Đọc Báo in

Đặc sắc lễ cúng thần buôn của người Gia Rai

08:21, 18/05/2019

Sau một năm bận rộn, vụ mùa đã được thu hoạch xong, đồng bào Gia Rai lại tất bật, rộn rã cùng nhau chuẩn bị những ghè rượu cần thơm ngon và các lễ vật như: bò, heo, gà… để chuẩn bị cho lễ cúng thần buôn. Với người Gia Rai, lễ cúng thần buôn là nghi lễ quan trọng được tổ chức hằng năm.

Để chuẩn bị cho nghi lễ, trước đó già làng đã phân công những thanh niên khéo tay vào rừng lấy cây lồ ô, tre, nứa thân to, dài về làm cây nêu. Theo già Y Phi Mjâu (ở buôn A, thị trấn Ea Súp, huyện Ea Súp), cây nêu là nhịp cầu tâm linh giúp con người tiếp cận gần hơn với các đấng thần linh. Trong các lễ hội lớn của buôn làng, để làm cây nêu mọi người phải tập trung và mất nhiều thời gian công sức; đặc biệt chỉ có nam giới, còn nữ giới không được tham gia vào bất cứ công đoạn nào.

Chuẩn bị các công đoạn làm cây nêu.
Chuẩn bị các công đoạn làm cây nêu.
 

“Lễ cúng thần buôn được người dân trong buôn tổ chức hằng năm, thể hiện lòng biết ơn đối với thần linh đã phù hộ che chở buôn làng trong suốt một năm và cầu mong được tiếp tục phù hộ mùa màng tốt tươi, cuộc sống ấm no, không đau bệnh…”.

 
 
Già Y Phi Mjâu, buôn A, thị trấn Ea Súp, huyện Ea Súp

Sau khi nguyên liệu làm cây nêu được tập kết đầy đủ, người già trong buôn tỉ mỉ kết nối từng bộ phận cho phù hợp. Công đoạn lắp ráp trang trí hoàn tất, cả buôn làng chung tay dựng nêu. Khi tiếng chiêng cất lên, mọi người tập trung về khu vực nhà văn hóa cộng đồng buôn. Lúc này những ché rượu cần được sắp thành từng hàng. Các vật hiến tế: bò, heo, gà… sẽ được mang đặt cạnh cây nêu. Người được chọn làm thầy cúng cho buôn đọc lời cầu khấn Yang (thần linh) để mong dân làng có cuộc sống no ấm, mùa màng bội thu, mọi người tránh được dịch bệnh thiên tai, cùng sống yêu thương và đoàn kết.

Sau khi cúng xong thần buôn, thầy cúng sẽ ra cúng cùng lúc hai thần là Yang T’ho (thần hộ vệ) và thần nước. Khi thầy cúng làm lễ cúng thần T’ho phải đi đến nơi đất mạch và nơi sình lầy – theo quan niệm của người Gia Rai, đây là những nơi linh thiêng nhất để cúng thần hộ vệ, cầu cho buôn làng không bị bệnh tật, luôn khỏe mạnh.

Bà con chuẩn bị lễ vật cúng thần buôn.
Bà con chuẩn bị lễ vật cúng thần buôn.

Người Gia Rai cho rằng, thần nước là vị thần cung cấp nguồn nước mát lành, bình an, do đó sẽ đến bến nước và làm lễ cúng để tạ ơn thần nước. Vào ngày diễn ra nghi lễ mọi người không được ra ngoài để đảm bảo sự linh thiêng. Khi kết thúc phần lễ cúng, tiếng chiêng vang lên rộn ràng, người người cùng nắm tay đến từng ché rượu của mỗi gia đình để thưởng thức. Những điệu xoang, tiếng hát, tiếng chiêng quyện vào nhau vút lên, bay bổng khắp buôn làng… Cứ như vậy, lễ hội kéo dài vài ba ngày tại nhà cộng đồng. Tất cả mọi người cùng ăn, ngủ và nhảy múa trong suốt lễ hội, thể hiện sự đoàn kết, gắn bó cộng đồng của bà con buôn làng.

Dạ Yến Thảo


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.