Multimedia Đọc Báo in

Lễ cúng ăn lúa mới của người Bru Vân Kiều

07:00, 30/01/2019

Người Bru Vân Kiều di cư đến tỉnh Đắk Lắk, chủ yếu ở xã Ea Hiu (huyện Krông Pắc) trước ngày đất nước thống nhất. Trong hành trang đến vùng quê mới, người Bru Vân Kiều mang theo nhiều phong tục, tập quán, trong đó có lễ ăn cơm mới.

 Thầy giáo Ca Na An - một trí thức tiêu biểu của người Bru Vân Kiều ở xã Ea Hiu cho biết, trong đời sống văn hóa tinh thần, người Bru Vân Kiều luôn đặt trên niềm tin vạn vật hữu linh. Họ thờ thần sông suối, thần núi rừng, thần lúa…, trong đó thần lúa là vị thần quan trọng vì đem lại ấm no. Chính vì vậy, trong quá trình canh tác họ thực hành nhiều nghi lễ cúng liên quan đến thần lúa như: lễ phát rừng, đốn cây làm nương rẫy, lễ trỉa lúa hay lễ tuốt lúa…

Trước khi mùa màng đến và chuẩn bị thu hoạch, người Bru Vân Kiều tổ chức lễ cúng lúa mới với mục đích cầu xin thần lúa phù hộ bình an trong suốt vụ mùa gặt. (Nếu chưa làm lễ cúng mà gặt hay tuốt lúa coi như phạm lỗi với thần lúa). Mâm lễ cúng gồm có nếp, xôi gà, rượu và các loại bánh được làm từ nếp. Sau khi thu hoạch lúa xong, người Bru Vân Kiều tiến hành một nghi lễ tiếp nhận lúa mới để đổ lúa vào bồ, đồng thời tiến hành nghi lễ cúng ăn cơm mới “tiếng Bru Vân Kiều gọi  là cha saréh”.

 Thầy giáo  Ca Na An (trái) tìm hiểu về  các nghi thức cúng  mùa vụ  của cộng đồng  Bru Vân Kiều (ở xã Ea Hiu, huyện  Krông Pắc).
Thầy giáo Ca Na An (trái) tìm hiểu về các nghi thức cúng mùa vụ của cộng đồng Bru Vân Kiều (ở xã Ea Hiu, huyện Krông Pắc).

Theo già Pá Vinh cũng là một thầy cúng (thầy mo), ở buôn Tà Cỡng, (xã Ea Hiu) vào khoảng tháng bảy âm lịch, người Bru Vân Kiều tiến hành lễ cúng ăn cơm mới. Lễ cúng ăn cơm mới tổ chức với quy mô nhỏ chỉ trong gia đình hay trong dòng họ.

Thầy mo mặc trang phục truyền thống cầu khấn thần linh, thần núi rừng, thần sông, suối, ông bà tổ tiên, các thành viên trong gia đình hay dòng tộc có thể mặc trang phục truyền thống cùng tham dự. Một điểm đặc biệt, trong lễ cúng ăn cơm mới không được đánh chiêng. Trong lễ cúng ăn cơm mới, họ thường lấy bốn chùm lúa hơ trên lửa khoảng ba lần sau đó lấy một chùm đặt vào nồi cơm, một chùm đặt vào mâm lễ cúng và hai chùm còn lại đặt lên bàn thờ “prông”. Lễ cúng ăn cơm mới bắt buộc phải có cơm mới bằng cách tuốt một ít lúa ngoài rẫy (ruộng) đem giã lấy gạo nấu. Khi cơm chín, xới ra một chén cơm kèm theo gà và rượu (một con gà để gia đình ăn, còn một con đem góp ở nhà già làng hay tộc trưởng, tù trưởng để cùng ăn). Thầy mo cúng khấn thần linh, tạ ơn thần linh đã giúp bà con mùa màng bội thu.

Trong lễ cúng ăn cơm mới, thầy mo dùng “asĩauq” (tiếng Việt nghĩa là keo hay quẻ) đến khi nào “asĩauq” sấp - ngửa, điều đó chứng tỏ thần linh đã nhận lời cầu khấn. Khi tiến hành lễ cúng ăn cơm mới, người Bru Vân Kiều tiến hành cúng tất cả dụng cụ lao động sản xuất như: liềm, rựa, cuốc, dao…, với mục đích tránh gặp nạn trong lúc lao động.  Họ dùng một chiếc nia bỏ một ít cám vào đó rồi đặt liềm, rựa, dao vào  đó và để trước cửa ra vào (cửa chính của nhà sàn). Thầy mo vừa cúng khấn ăn lúa mới, vừa lấy một ít gạo rãi về phía mâm đựng dụng cụ lao động sản xuất.

Khi cúng xong, thầy mo vãi một ít gạo về hướng mặt trời mọc với mục đích là cầu xin thần linh phụ hộ giúp đỡ bà con, anh em họ hàng, dòng tộc làm ăn phát tài, phát lộc. Đồng thời cũng vãi một ít gạo về hướng mặt trời lặn nhằm thoát khỏi nợ nần, vì trong cuộc sống thường ngày không tránh khỏi những nợ nần hay cãi vã với người ngoài. Khi vãi ít gạo về hướng mặt trời lặn là để những nợ nần hay cãi vã với người ngoài nhưng không làm gì được và những lời họ nói ra to nhỏ cũng lặn xuống như mặt trời lặn. Tuy nhiên, nếu họ phạm lỗi với thần lúa như: lúa chưa thu hoạch, nhưng lúa bị cháy, hay thu hoạch rồi nhưng rơm bị cháy thì họ tiến hành để chịu tội với thần lúa. Lễ vật cúng gồm dê, bò hay trâu (những con vật có sừng). Với lễ cúng này thì được phép đánh chiêng.

Thế hệ trẻ Bru Vân Kiều (xã Ea Hiu, huyện Krông Pắc) tìm hiểu về nghi thức cúng lúa mới của cộng đồng mình.
Thế hệ trẻ Bru Vân Kiều (xã Ea Hiu, huyện Krông Pắc) tìm hiểu về nghi thức cúng lúa mới của cộng đồng mình.

Theo truyền thống của người Bru Vân Kiều, lễ lớn nhất trong năm và được tổ chức long trọng nhất là “Pớh sũ”(có nghĩa là lễ ăn cuối năm hay giáp năm). Sau khi thu hoạch mùa màng xong, lúa được cất vào bồ, trước khi lấy lúa ra phải tiến hành cúng với mục đích tạ ơn thần lúa. Lễ “Pớh sũ” chỉ do một gia đình hay dòng họ tổ chức, nhưng hình thức, quy mô lớn hơn so với lễ ăn cơm mới. Lễ này được xem là ngày Tết truyền thống của người Bru Vân Kiều và chỉ tổ chức trong một ngày của tháng 11 âm lịch tùy theo mỗi gia đình, dòng họ hay mỗi làng. Lễ vật cúng gồm gà, rượu… Thần lúa luôn được nhắc đến trong lễ cúng “Pớh sũ”, ngoài ra họ còn khấn thêm ông bà tổ tiên nhằm cảm ơn đã giúp đỡ, bảo vệ bà con trong mùa vụ luôn được mạnh khỏe, bình an, tránh những tai ương bệnh tật.

Người Bru Vân Kiều rất coi trọng các lễ cúng mùa vụ, tín ngưỡng của họ còn mang dấu vết của tô tem giáo. Họ tin vào các thần linh huyền bí, họ coi vạn vật hữu linh, thờ thần lúa. Thần lúa được coi là vị thần quan trọng nhất. Bởi vậy người Bru Vân Kiều luôn bảo lưu các lễ hội liên quan đến thần lúa như lễ trỉa hạt, lễ mừng cơm mới. Các lễ cúng liên quan khá sâu sắc đến hoạt động sản xuất như khâu phát đốt cốt, trỉa, tuốt lúa và cất giữ lúa... Tuy nhiên, hiện nay một phần do cơ cấu mùa vụ canh tác đã thay đổi (hiện nay người Bru Vân Kiều ở xã Ea Hiu làm ruộng mỗi năm hai vụ), có sự giao thoa về văn hóa, ảnh hưởng của tôn giáo, một số thanh niên Bru Vân Kiều có ảnh hưởng văn hóa và lối sống hiện đại, không còn tin vào các thần linh, vạn vật hữu linh nữa và cũng dần không chú trọng vấn đề thực hành nghi lễ cúng mùa vụ như trước nữa. “Đó cũng là một phần làm biến đổi và cản trở sự gìn giữ và bảo tồn văn hóa tâm linh truyền thống BruVân Kiều tại địa phương” – thầy giáo Ca Na An trăn trở.

Lễ cúng ăn lúa mới là dịp để con cháu trong gia đình, dòng tộc chia sẻ với nhau qua một năm làm việc cực nhọc, từ đó trình báo lên các thần linh, ông bà tổ tiên và cầu xin tiếp tục phù hộ cho con cháu luôn có sức khỏe tốt, làm ăn ngày càng khấm khá hơn.

Bôn Ca Na An - Nguyên  Hoa


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.