Độc đáo tục "ngủ thăm" của người Thái
Với số lượng người dân tộc Thái chiếm đến hơn 90%, buôn Thái (xã Ea Kuêh, huyện Cư M’gar) vẫn còn lưu lại nhiều phong tục văn hóa đặc sắc, trong đó có tục “ngủ thăm”.
Đến ngủ để thăm hỏi nhau
Nhắc đến tục “ngủ thăm”, chúng ta thường mường tượng đến cảnh trai gái ngủ cùng nhau, tuy nhiên trên thực tế lại không chỉ có vậy. Người Thái ở Ea Kuêh còn ngủ thăm để hỏi han chuyện trò, tâm sự cùng nhau và để chúc nhau nhanh khỏi bệnh mỗi khi ốm đau. Theo ông Ngô Văn Dậu, Trưởng buôn Thái, trong cuộc sống mưu sinh bộn bề lo toan, có đôi khi con người ta thường quên đi hoặc không có nhiều thời gian để cùng nhau tâm sự, gắn kết tình cảm giữa những người thân, họ hàng với nhau. Vào những buổi tối rảnh rỗi, anh em họ hàng người đồng bào Thái trong buôn thường đến nhà nhau ngủ thăm để chia sẻ buồn vui, giải tỏa những khúc mắc trong lòng. Người Thái nổi tiếng là mến khách nên việc tiếp đón người đến ngủ thăm cũng vô cùng chu đáo. Những ngày có gió lạnh, từ khi khách còn đang nói chuyện, gia chủ đã cho người nhà chuẩn bị giường chiếu, chăn màn đầy đủ, thậm chí còn nằm trên giường ngủ trước để làm ấm chăn màn trước khi khách vào ngủ.
Vợ chồng ông Tâm, bà An ngồi kể cho lớp trẻ nghe về tục ngủ thăm của người Thái. |
“Người Thái được xem là dân tộc còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc nhất, ngoài những lễ hội như “Mừng lúa mới”, tục “ngủ thăm” hiện đang được gìn giữ thì các điệu múa xòe, múa sạp…, luôn đạt được những giải thưởng cao trong các đợt liên hoan văn nghệ quần chúng trên địa bàn huyện
Ông
Ngân Hoài Lu,
Phó Chủ tịch UBND xã Ea Kuêh.
|
Ông Lương Hồng Tâm, một người già có uy tín trong buôn Thái cho biết: Không chỉ ngủ thăm để chuyện trò gần gũi nhau mà người Thái còn ngủ thăm để cầu chúc cho người bị bệnh mau khỏe mạnh. Mỗi khi trong buôn, dòng họ có người ốm nặng thì người Thái sẽ chọn ra một người khỏe mạnh, rắn rỏi đến ngủ thăm nhà người bị ốm. Ngoài hỏi thăm sức khỏe, động viên tinh thần người ốm thì người được chọn đến ngủ thăm phải có nhiệm vụ buộc sợi dây được kết bằng chỉ đen vào tay người ốm. Để lễ buộc dây mang lại kết quả, anh em, con cháu trong nhà sẽ làm thịt gà, heo để cúng. Tất cả những việc làm này nhằm cầu mong cho người ốm mau khỏe mạnh trở lại.
Ngủ thăm trước khi cưới
Một trong những nét thú vị của tục “ngủ thăm” được nhiều người biết đến là những đôi trai gái đồng ý yêu nhau, sau khi “cưới nhỏ” (đám hỏi) có thể đến ngủ thăm nhà nhau trước khi làm lễ cưới (cưới lớn). Trong thời gian ngủ thăm, chàng trai và cô gái chỉ được trò chuyện chứ không được ngủ chung với nhau. Do đó, nhà gái sẽ sắp xếp một chỗ thích hợp để chàng trai nghỉ ngơi trong những đêm ngủ thăm tại nhà cô gái. Tương tự, cô gái sẽ sang nhà chàng trai ngủ thăm vài đêm để tìm hiểu nền nếp của gia đình nhà chồng tương lai. Sau những đêm “ngủ thăm”, nếu cảm thấy hài lòng thì người con gái sẽ quyết định cho chàng trai "ngủ thật” và thưa với hai bên gia đình định ngày làm lễ “cưới lớn”. Những gia đình có hoàn cảnh khó khăn có thể không cần “cưới lớn” nữa mà định ngày để đôi trẻ đưa nhau về cùng một nhà. Còn nếu đôi trẻ có trục trặc, hoặc bố mẹ hai bên không vừa lòng, ông mai bà mối sẽ khuyên bảo, làm hòa cho để đôi trai gái có thể thành đôi. Trường hợp xấu nhất hai bên cương quyết bỏ nhau thì họ lại bắt đầu tìm hiểu người mới.
Ông Tâm cho hay, người Thái có câu: “10 ngày bên gái, 20 ngày bên trai”, tức sau khi cưới xong trong một năm đầu tiên cô gái sẽ qua nhà chồng giúp việc 10 ngày, sau đó chàng trai lại qua nhà cô gái giúp việc 20 ngày, liên tục cho đến hết năm. Bà Lương Thị An, vợ ông Tâm kể: “Sau khi cưới về, bà còn ngủ thăm cùng các cô họ hàng bên nhà chồng một thời gian trước khi ngủ cùng chồng để tâm sự và hiểu hơn về nhà chồng. Nhờ tục “ngủ thăm” mà ông bà đã sống với nhau được đến khi đầu bạc. Tuy nhiên, theo bà An ngày nay do bị ảnh hưởng nhiều từ văn hóa phương Tây nên lớp trẻ dần quên đi những tục lệ truyền thống. Nhiều cặp vợ chồng trẻ tổ chức đám cưới và sinh con mà không hề trải qua giai đoạn ngủ thăm hoặc các đôi đi làm xa nhà, yêu nhau rồi tự ý “ngủ thăm” cùng nhau mà không thông qua sự cho phép của gia đình họ hàng.
Khả Lê
Ý kiến bạn đọc