Multimedia Đọc Báo in

Xã Ea Na (Krông Ana) mong sớm có một cây cầu dân sinh

20:32, 22/08/2014
Không có đất sản xuất tại chỗ, phải vượt sông Sêrêpôk qua huyện Krông Nô (tỉnh Dak Nông) canh tác, không có cầu để đi lại và vận chuyển hàng hóa, nông sản… là thực trạng đã và đang diễn ra tại xã Ea Na, huyện Krông Ana nhiều năm nay.

Những năm gần đây, khi đất sản xuất của người dân xã Ea Na bị thu hồi để xây dựng thủy điện Buôn Kuôp, thì mỗi hộ chỉ còn 5.000m2 đất tái định canh. Diện tích canh tác ít, số nhân khẩu trong mỗi hộ lại đông, để bảo đảm cuộc sống, nhiều hộ phải vượt sông Sêrêpôk qua huyện Krông Nô trồng trọt. Việc người dân vượt sông canh tác đang có chiều hướng gia tăng, trong đó nhiều nhất là buôn Drai, với hơn 100 hộ, diện tích canh tác bên kia sông lên đến 294 ha. Chị H' An người dân trong buôn Drai cho biết, gia đình chị khai hoang 2.000m2 tại xã Buôn Choah (huyện Krông Nô) để trồng hoa màu, hằng ngày phải qua sông canh tác bằng thuyền gỗ tự đóng, ai không có thuyền thì mượn của người khác sang sông. Do thuyền gỗ không bảo đảm chất lượng, lại chở đông người, nên những năm qua đã có nhiều trường hợp người dân bị chết đuối do lật thuyền. Không chỉ người dân buôn Drai, mà còn có hàng trăm hộ dân tại các thôn, buôn khác như: Quỳnh Ngọc 2 (15 hộ), Tơ Lơ (62 hộ), Cuãh (120 hộ), Quỳnh Ngọc 1 (20 hộ), Ea Tung (35 hộ) vẫn ngày ngày vượt sông canh tác với 52 chiếc thuyền gỗ tự chế đơn sơ, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn đường thủy cao.

Xuồng máy  chở người  và  nông sản qua sông Sêrêpôk về thôn Quỳnh Ngọc 1.
Xuồng máy chở người và nông sản qua sông Sêrêpôk về thôn Quỳnh Ngọc 1.

Không có thuyền qua sông, gia đình anh Văn Tiến (thôn Quỳnh Ngọc 1) phải trả tiền để đi xuồng máy của người dân tự mở, với phí rất cao từ 8.000 đến 10.000đồng/người/lượt, gửi xe 5.000đồng/ ngày, trung bình 1 tháng phải chi từ 500.000-800.000đồng cho việc này. Chủ một xuồng máy tại thôn Quỳnh Ngọc 1 cho hay, trung bình 1 ngày có trên 150 phương tiện gửi tại bến, hơn 350 người đi xuồng máy qua sông; có những ngày đông khách, các chủ xuồng phải đưa khách qua lại hàng chục chuyến. Do việc đi lại khó khăn, nên sản phẩm mỗi khi thu hoạch xong chuyên chở về nhà tốn khá nhiều chi phí (1 tấn nông sản vận chuyển qua sông giá 200.000-500.000đồng) nên nông dân đành bán lại cho thương lái huyện Krông Nô, nhất là bắp, có vụ chỉ bán bằng 2/3 giá thị trường. Ông Nguyễn Đức Chơn, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Na cho biết, chính quyền và người dân nơi đây ai cũng mong muốn có một cây cầu để việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, thông thương mua bán của người dân được an toàn, thuận tiện hơn.

Được biết, thời gian tới UBND xã Ea Na sẽ đề xuất tỉnh hỗ trợ địa phương xây dựng 2 chiếc cầu dân sinh, mỗi cầu có tải trọng 5 tấn qua sông Krông Ana tại 2 điểm buôn Drai và thôn Quỳnh Ngọc 1, nhằm bảo đảm an toàn cho việc đi lại và giao thương của người dân nơi đây. Rất mong nguyện vọng đó của chính quyền và người dân xã Ea Na sớm trở thành hiện thực.

Hồng Chuyên


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.