ATK vang mãi tên Người
Trong những ngày tháng 5 lịch sử, chúng tôi đã đến thăm ATK Định Hóa - Thái Nguyên. Nơi đây từng được Bác Hồ và Bộ Chính trị chọn làm lập Thủ đô kháng chiến. Đến nơi đây, thăm những di tích lịch sử, chúng tôi thấy hình ảnh Bác Hồ kính yêu như vẫn còn đâu đây…
Định Hóa xưa kia được chọn làm nơi xây dựng an toàn khu (ATK), là trung tâm lãnh đạo cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược. Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, các cơ quan của Trung ương Đảng và Chính phủ đã từng làm việc ở đây từ năm 1947 đến năm 1954. Khi lựa chọn nơi đây làm ATK, Bác Hồ cho rằng: “Có nhân dân tốt, có cơ sở chính trị tốt là ở nơi đó “tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ” (tiến có thể đánh, lui có thể giữ).
Suốt 9 năm kháng chiến, tại ATK Định Hóa, Hồ Chủ tịch và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ đã “vạch đường đi từng bước từng giờ” cho cách mạng Việt Nam đến ngày chiến thắng. Với vị trí đặc biệt trong lịch sử, ATK Định Hóa mãi là niềm tự hào về truyền thống của quê hương cách mạng.
Nhà làm việc của Bác Hồ trên đồi Tỉn Keo. |
Theo sử sách ghi chép lại và những câu chuyện kể của người già nơi đây, trong những ngày tháng Bác Hồ và Bộ Chính trị về Định Hóa, người dân nơi đây một lòng theo Đảng, theo Bác, tuyệt đối giữ bí mật đến từng tấc đất, ngọn cỏ. Đến nay, người dân Định Hóa vẫn nhớ và gìn giữ khẩu hiệu của những năm tháng ấy: “Không biết, không nói, không làm”, tất cả vì vận mệnh quan trọng của đất nước. Những ngày đầu đầy khó khăn và gian khổ, dưới sự truy lùng của kẻ thù, Bác Hồ và các đồng chí trong Bộ Chính trị phải hoạt động hết sức bí mật, phải dựa vào dân và sống trong lòng dân.
Những ngày đầu Bác Hồ về ATK Định Hóa, người dân nơi đây lúc đầu chỉ biết Bác là một người rất quan trọng, một ông cụ đến ở nhờ nhà dân, suốt ngày ngồi ở góc nhà viết lách rồi ăn cơm cùng dân, vận động nhân dân và lao động cùng dân. Sự đồng cam cộng khổ giữa Đảng và dân thấm đượm nghĩa tình. Nhiều người cao tuổi nơi đây còn nhớ như in những bữa ăn của Bác với người dân chỉ có măng đắng chấm muối vừng chan nước chè xanh.
Nhà trưng bày của Bảo tàng ATK Định Hóa có một gian trang trọng với tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh đang ngồi làm việc dưới bầu trời của Thủ đô kháng chiến. Chiêm ngưỡng những hình ảnh, hiện vật ở đây, chúng tôi cảm nhận được những hình ảnh đời thường của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người sống và làm việc tại ATK như Bác tập thể dục, tăng gia sản xuất, thăm hỏi chiến sĩ, đồng bào... Những bức ảnh ghi dấu những quan hệ quốc tế tại ATK như Chủ tịch Hồ Chí Minh đón rất nhiều các đoàn đại biểu quốc tế tới giúp đỡ Việt Nam và thăm hỏi sức khoẻ của Người. Đặc biệt là bức ảnh ghi dấu sự kiện lịch sử đặc biệt tại đồi Tỉn Keo: Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị để thông qua kế hoạch tác chiến chiến dịch Đông Xuân 1953 - 1954 hạ quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến 9 năm trường kỳ, gian khổ của dân tộc.
Dừng chân trên đỉnh đồi Khau Tý, nghe những bậc cao niên nơi đây kể chuyện Bác Hồ trong những ngày đầu lập Thủ đô kháng chiến. Đêm ngày 19, rạng sáng ngày 20-5-1947, Bác Hồ về Định Hóa và đặt chân đến xã Điềm Mặc. Nhân dân ở đây đã chuẩn bị sẵn mọi điều kiện để đón Bác, xã đã cắt cử 7 người dựng lán trên đồi Khau Tý để Bác ở và làm việc. Vì vậy, sau một đêm nghỉ tại nhà sàn của cụ Ma Đình Tương, nguyên Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính huyện Định Hóa, hôm sau Bác chuyển lên lán nhỏ trên đỉnh đồi Khau Tý. Ngôi lán nhỏ ở nơi có địa hình cao, cây cối um tùm, rậm rạp, xung quanh là cánh đồng lúa cùng con suối Đình chảy ào ào đêm ngày rất bí mật và thuận tiện công việc cách mạng. Căn lán nhỏ, đơn sơ nằm trên một khoảng đất bằng được thiết kế theo mô hình nhà sàn của đồng bào Tày. Tuy nhiên, ngôi lán được thiết kế một số chi tiết khác biệt để phù hợp với yêu cầu cách mạng: vị trí tiếp giáp với mặt đất rất ngắn và có cửa hậu phía sau nhà.
Theo đồng bào nơi đây, đó là cách bố trí để khi có sự biến, có thể nhảy xuống nhanh hoặc rút theo lối cửa sau. Ngay cạnh ngôi lán Bác Hồ từng ở, có hai cây cổ thụ đã nhiều năm tuổi vẫn tỏa bóng mát xuống mái tranh. Phía sườn đồi, vẫn còn đó đường hầm, đường hào được đồng bào bố trí đào ngay khi Bác về ở và làm việc. Đường hào tuy không sâu nhưng được thiết kế nhiều phương án trú ẩn. Chính nơi đây, trong những ngày tháng gian khổ của năm 1947, Bác đã tự tay soạn thảo những sắc lệnh và vạch ra những kế sách quan trọng liên quan đến cuộc kháng chiến chống Pháp. Bác đã viết cuốn “Sửa đổi lối làm việc” để xây dựng, chỉnh đốn Đảng và bồi dưỡng đạo đức, tác phong cho cán bộ đảng viên - còn nóng hổi tính thời sự đến bây giờ.
Cảnh sắc trên đỉnh đồi Khau Tý rất đỗi hữu tình, thơ mộng. Chẳng thế mà, trong những ngày tháng cam go của cuộc kháng chiến, Bác vẫn có cảm hứng làm thơ. Bài thơ “Cảnh khuya” đã được Bác sáng tác nơi núi rừng này: “Tiếng suối trong như tiếng hát xa/Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa/Cảnh khuya như vẽ, người chưa ngủ/Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”.
Sau một chuyến hành trình về ATK Định Hóa, trong lòng chúng tôi tràn ngập lòng tự hào về truyền thống hào hùng của quê hương, về một địa chỉ đỏ nơi thế hệ trẻ hướng về nuôi dưỡng ý chí và nghị lực. Bác kính yêu đã đi xa nhưng dường như ở miền quê cách mạng này, chúng tôi vẫn cảm nhận đâu đây giọng nói ấm áp, hình ảnh của Người…
Nguyễn Thế Lượng
Ý kiến bạn đọc