Multimedia Đọc Báo in

Người dân Ea Sar chờ điện lưới đến bao giờ?

10:56, 08/03/2019

Xã Ea Sar (huyện Ea Kar) hiện có gần 2.200 hộ với trên 9.200 khẩu sinh sống ở 13 thôn, buôn, trong đó có 9 thôn, buôn đặc biệt khó khăn.

Nhiều thôn, buôn đã được thành lập cách đây 20 – 25 năm nhưng đến nay người dân vẫn chưa được sử dụng điện lưới quốc gia mà chủ yếu là tự kéo điện về dùng, gây nhiều trở ngại trong sinh hoạt, sản xuất.

Đơn cử như thôn 9 hiện có hơn 190 hộ nhưng mới chỉ hơn 80 hộ được sử dụng điện lưới do Nhà nước đầu tư, số còn lại phải “tự thân vận động”. Không chỉ tự đóng góp tiền để kéo điện, hầu hết các hộ dân đều phải trả giá cao gấp 2-3 lần so với giá bán của ngành Điện. Chị Dương Thị Hoa, một người dân ở thôn 9 than thở: “Vào những lúc cao điểm, các thiết bị điện đều chập chờn, nồi cơm điện đang nấu cũng tự ngắt do không đủ điện áp, cơm bữa chín bữa sống. Chúng tôi làm nông, phụ thuộc cả vào mùa màng mà mỗi tháng phải trả từ 500 – 600.000 đồng tiền điện, thực sự rất khó khăn”.

Đường điện tạm bợ  của gia đình ông Đường Văn Đình  ở thôn 9,  xã Ea Sar.
Đường điện tạm bợ của gia đình ông Đường Văn Đình ở thôn 9, xã Ea Sar.

Là hộ ở cuối đường dây, nhiều năm qua, gia đình ông Nguyễn Văn Hồi (thôn 9) luôn khốn khổ vì thiếu điện. Gia đình ông có 2 ha đất trồng tiêu, cà phê, điều. Vì chưa có điện lưới ổn định nên vào mùa khô, ông phải thuê máy công nông tưới nước với chi phí 150.000 đồng/giờ. Theo ông Hồi, mỗi lần tưới hết khoảng 60 giờ đồng hồ, thu nhập không đủ chi phí đầu tư. Nhiều đồ dùng gia đình thiết yếu như nồi cơm điện, tủ lạnh, ti vi... chỉ sử dụng được vào giờ thấp điểm nếu không dễ bị hư hỏng. Cơm phải nấu từ 14 giờ chiều, hôm nào quên thì đành nấu bằng củi. Mùa cao điểm người dân sử dụng điện phục vụ sản xuất nhiều thì ban đêm bóng điện, ti vi không lên nổi, quạt cũng không quay được. 

 

“Nhiều năm qua, chính quyền địa phương đã có tờ trình, kiến nghị với UBND huyện, các cơ quan chức năng và ngành Điện quan tâm khảo sát, kéo điện lưới cho người dân các thôn, buôn, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt, sản xuất nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết”.

 
 
Phó Chủ tịch UBND xã Ea Sar Văn Đình Thìn

Ông Vũ Văn Tạo, Trưởng thôn 9 cho biết, thôn được thành lập từ năm 1994, đến năm 2004 vẫn chưa được đầu tư lưới điện nên hơn 100 hộ tự đóng góp mỗi hộ từ 1,5 - 3 triệu đồng để kéo điện về sử dụng. Mỗi đường dây tự kéo có chiều dài từ 750 m đến 1,5 km, qua nhiều năm đã xuống cấp, hao hụt điện năng lớn. Vào mùa mưa bão, một số đường dây bị đứt gây nguy hiểm, nhưng để có điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất, các hộ lại đóng góp tiền, tự đấu nối, sửa chữa. Người dân trong thôn đã nhiều lần kiến nghị lên UBND xã, huyện, nêu ý kiến phản ánh tại các cuộc tiếp xúc cử tri nhưng đều bị khất lần với lý do chưa có kinh phí đầu tư. “Tại cuộc họp tiếp xúc cử tri với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh vào tháng 7-2018 tại UBND xã Ea Sar, lãnh đạo Công ty Điện lực Đắk Lắk có hứa với bà con sẽ kéo điện trong quý II-2019, nhưng đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì”, ông Tạo bức xúc.

Không chỉ ở thôn 9 mà hiện Ea Sar có khoảng khoảng 35% dân số đang sống trong cảnh mỏi mòn chờ điện lưới. Muốn có điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất, người dân các thôn, buôn phải tự đóng góp tiền kéo điện khiến hao hụt điện năng lớn, giá điện cao, các thiết bị thường xuyên hư hỏng, việc tưới tiêu cho cây trồng gặp nhiều khó khăn.

Đường điện tự kéo của người dân thôn 9, xã Ea Sar rất tạm bợ, gây hao tổn điện năng lớn.
Đường điện tự kéo của người dân thôn 9, xã Ea Sar rất tạm bợ, gây hao tổn điện năng lớn.

Theo ông Văn Đình Thìn, Phó Chủ tịch UBND xã, Ea Sar là xã vùng II, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 51%, hộ nghèo, cận nghèo còn hơn 40%, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Nhiều thôn, buôn chưa có điện lưới hoặc chưa có bình, đường dây hạ thế. Người dân phải tự kéo gây nguy hiểm và tốn kém chi phí lớn. Việc chưa được phủ lưới điện lưới quốc gia đã gây khó khăn trong thực hiện tiêu chí số 4 về điện nông thôn trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới của xã.

Nguyễn Xuân – Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.