Multimedia Đọc Báo in

NHÂN 68 NĂM NGÀY CHIẾN THẮNG CHỦ NGHĨA PHÁT XÍT (9-5-1945 – 9-5-2013)

Sự thật về cái chết con trai cả của Xtalin

16:42, 27/05/2013

Để cứu nhân loại khỏi thảm họa phát xít, nhân dân Liên Xô đã chịu nhiều tổn thất vô cùng to lớn. Hơn 20 triệu người đã hy sinh, trong đó có con trai cả của Tổng tư lệnh tối cao Hồng quân Liên Xô - Đại nguyên soái I.V.Xtalin. Đã có nhiều lời đồn đại về số phận của anh, thượng úy pháo binh của Hồng quân Liên Xô Iakov Dzugashvili.

Liệu Xtalin có thể cứu được con trai ra khỏi trại tù binh của Đức?

70 năm trước đây, vào ngày 14-4-1943, con trai cả của I.V.Xtalin là Iakov Dzugashvili (họ thật của Xtalin) đã hy sinh trong trại tập trung của phát xít Đức. Như mọi người đã biết, trước đó không lâu lãnh tụ Xô Viết đã từ chối không đổi Thống chế Paolus bị Hồng quân bắt làm tù binh để lấy lại “giọt máu” của mình.

Iakov Dzugashvili
Iakov Dzugashvili

Câu nói đã đi vào huyền thoại của ông: “Tôi không đổi một nguyên soái lấy một người lính” đã lan truyền khắp thế giới khi đó và làm tất cả kinh ngạc vì sự thông thái chính trị nhưng đồng thời cũng là một sự tàn nhẫn nếu nhìn từ ở góc độ của một người cha.

Tuy nhiên, sau chiến tranh trên các báo chí phương Tây rộ lên tin đồn là cuối cùng Xtalin cũng đã đổi hàng trăm tù binh sĩ quan Đức để cứu Iakov ra khỏi trại tù binh, đưa sang Mỹ sống dưới một cái tên giả. Sự thật thì như thế nào?   

 Tù binh VIP

Chàng sĩ quan trẻ Iakov Dzugashvili bị bắt làm tù binh ngay những ngày đầu chiến tranh, ngày 16-7-1941, khi các đơn vị Hồng quân đang buộc phải rút lui ở khu vực ngoại ô Vitebsk. Trước đó, Iakov là một thượng úy trẻ mới tốt nghiệp Học viện pháo binh và khi đến chào cha anh chưa từng trải qua thử thách chiến trường và đã nhận được lời  dặn dò: “Hãy ra mặt trận và chiến đấu”.

Đồng đội tại trung đoàn pháo 14 của sư đoàn tăng số 14, nơi Iakov chỉ huy một khẩu đội, đã không thấy anh này trở về sau khi đơn vị rơi vào vòng vây của quân Đức trong một trận đánh gần khu vực biên giới. Khác với một số đồng đội cùng trung đoàn, Iakov đã không trở về đơn vị và được coi là đã mất tích.        

Sau đó mấy ngày, phản gián Đức đã thả vào lãnh thổ Liên Xô các tờ truyền đơn, trên đó có ảnh con trai Xtalin chụp chung cùng các sĩ quan phát Xít Đức. Trên các tờ truyền đơn ghi rõ rằng Iakov Dzugashvili “đã đầu hàng cùng hàng nghìn sĩ quan và binh lính khác” và vì thế vẫn “sống, khỏe mạnh, và cảm thấy rất thoải mái”. Đồng thời, quân Đức cũng khuyên tất cả hãy “noi gương” của Iakov là đầu hàng.

Người ta cũng thường nhắc đến một câu nói nổi tiếng khác của Xtalin “Tôi không có một đứa con trai như vậy” - sau khi đã đọc tờ truyền đơn nói trên. Xtalin muốn nói gì? Người trong bức ảnh trên truyền đơn không phải là Iakov? Hay là Xtalin không muốn thừa nhận đứa con trai phản bội? Không ai có thể biết được.       

Cho đến hiện nay vẫn còn lưu giữ được bản gốc các biên bản hỏi cung Iakov Dzugashvili trong các trại tập trung. Từ các biên bản gốc này thấy rõ một điều là Iakov đã xử sự hoàn toàn đường hoàng, không khai báo với người Đức bất kỳ một bí mật quân sự nào và từ chối hợp tác với quân Đức.

Sau này nhà sử học X. Kudriashov đã viết: “Iakov nói chung là không có gì nhiều để kể với quân Đức, ngoài những cảm nhận cá nhân... Quân Đức đã hỏi Iakov về chiến tranh, nhưng với một thượng úy thì có gì nhiều để kể? Anh không biết những gì quá đặc biệt.

Chỉ biết một điều chắc chắn rằng Ikov bị giam giữ 2 năm trong các trại tập trung với một chế độ tù binh VIP - đầu tiên ở Hammelburg, sau đó tại Lubeck, và sau cùng là Shchsenhausen. Và Iakov cũng được canh giữ cẩn thận để làm con bài mặc cả trong một trò chơi chính trị và phương tiện để gây sức ép đặc biệt lên Xtalin.

Người Đức đã thử sử dụng con bài này vào mùa đông năm 1942-1943, sau thất bại tại Xtalingrad. Hitle đã nhờ bá tước Bernadot là người đại diện của Hội “Chữ thập đỏ” Thụy Sĩ đề nghị Xtalin đổi Iakov lấy thống chế Paolus. Đề nghị này đã bị bác bỏ.

Con gái của Xtalin là Xvetlana Allillueva, nhiều năm sau đã viết trong quyển sách của mình là “20 bức thư gửi bạn” như sau: “Mùa đông năm 42-43 bố tôi (Xtalin) đã bất ngờ nói với tôi trong một cuộc gặp hiếm hoi giữa hai bố con: “Người Đức đề nghị cha đổi Iasha (tên gọi thân mật của Iakov) lấy một người nào đó của chúng. Lẽ nào cha lại mặc cả với chúng! Chiến tranh là chiến tranh!”. Vài tháng sau buổi nói chuyện đó Iakov hy sinh.    

 Cuộc sống riêng trắc trở của người con trai cả

Xtalin không trực tiếp tự mình dạy dỗ con trai cả. Iakov sinh năm 1907 và khi mới 6 tháng tuổi đã mồ côi mẹ. Mẹ của anh, người vợ đầu của Xtalin là Kato Svanhidze qua đời bị bệnh thương hàn và Iakov được bà đem về nuôi dưỡng .

Cậu bé hầu như không biết gì về người cha - một người cách mạng hoạt động bí mật và mãi đến năm 1921, khi Xtalin đã là một nhân vật quan trọng ở Liên Xô lúc bấy giờ, anh mới được đưa về sống tại Matxcơva. Lúc này, Xtalin đã có người vợ thứ hai và đã có 2 con - Xvetlana và Vasili.

Cậu bé Iakov 14 tuổi, lớn lên ở vùng sâu vùng xa, nói tiếng Nga rất kém, tỏ ra không sẵn sàng cho cuộc sống ở Matxcova trong gia đình mới của cha. Người ta nói rằng Xtalin luôn không hài lòng với việc học hành của Iakov - đầu tiên ở trường phổ thông, sau đó ở Trường đại học công nghệ, và cuối cùng là ở Học viện quân sự.

Ông cũng không hài lòng với cuộc sống riêng trắc trở của Iakov. Khi chàng trai mới 18 tuổi, người cha đã cấm không cho cưới một cô gái mới 16 tuổi với một câu ngắn gọn “quá sớm”.

Năm 1936, con trai cả của Xtalin chính thức đăng ký kết hôn với một nữ diễn viên múa của thành phố Odessa là Iulia Melser, vợ cũ của một nhân viên NKVD (Bộ Nội vụ). Sau khi đôi vợ chồng trẻ sinh một cô con gái là Galia, Xtalin mới nguôi giận và cấp cho họ một căn hộ khá tiện nghi tại phố Grannoski (Matxcova).

Người thực sự hiểu rõ là Xtalin rất yêu con trai đến mức nào chính là Nguyên soái Zukov (lúc đó là Phó Tổng tư lệnh tối cao và thường xuyên làm việc với Xtalin). Trong hồi ký của mình ông đã kể lại một buổi nói chuyện không chính thức với Tổng Tư lệnh tối cao (Xtalin) như sau:

“Thưa đồng chí Xtalin, từ lâu tôi đã muốn biết về số phận của con trai đồng chí. Có tin tức gì về Iakov không?” - Zukov hỏi Xtalin.  Sau một khoảng thời gian im lặng rất lâu Xtalin trả lời với giọng nghẹn lại: “Iakov không trốn thoát được khỏi trại tù binh. Bọn phát xít đã bắn chết nó. Theo các tin tức thu thập được, quân Đức đã giam cách ly Iakov với các tù binh khác và tuyên truyền để nó phản bội Tổ quốc”. Theo lời Zukov thì ông cảm thấy Xtalin rất đau buồn trước cái chết của con trai.        

Bí mật của Ibarruri

Có nhiều bằng chứng cho thấy là trên  thực tế Xtalin đã không hề phó mặc con trai mình cho số phận và đã nhiều lần tìm cách cứu Iakov ra khỏi trại tù binh. Đã có nhiều nhóm biệt kích được thả xuống lãnh thổ Đức để tìm cách giải cứu tù binh Iakov Dzugashvili .

Một nhân chứng đã trực tiếp tham gia vào một trong các chiến dịch như vậy và hiện còn sống tại Anapa là Ivan Kotenhev đã  kể lại cho báo “Độc lập” về chiến dịch đó như sau: Nhóm biệt kích được máy bay bay đêm đưa vào lãnh thổ Đức. Nhóm này đã nhảy dù thành công vào sâu trong hậu phương quân Đức. Sau đó họ giấu dù, xóa sạch các dấu vết, đến tảng sáng thì đã nối được liên lạc với nhau. Quãng đường đến trại tập trung còn khoảng chừng 20 km… Bắt đầu công việc trinh sát cực kỳ khó khăn.  

Cũng theo lời kể của Kotenhev thì khi đến nơi họ mới biết rằng Iakov đã được chuyển đến trại tập trung khác ngay trước đó. Cả nhóm được lệnh quay về. “Việc quay về khó khăn hơn nhiều - và rất tiếc, nhóm cũng phải chịu tổn thất…”.

Chiến dịch thứ hai cũng thất bại, và chiến dịch này đã được một nữ đảng viên cộng sản nổi tiếng người Tây Ban Nha Dololes Ibarruri kể lại trong hồi ký của mình. Theo Ibarruri, tham gia chiến dịch có một người Tây Ban Nha mang giấy tờ tùy thân tên một sĩ quan của “Sư đoàn xanh” của Franko. Nhóm này được tung vào hậu phương của Đức năm 1942 để cứu Iakov từ trại tập trung Zaksenhauzen. Tất cả những người tham gia cuộc giải cứu đều hy sinh.

Vĩ thanh

Ngày 14-4-1943, tù binh Iakov Dzugasgvili chạy ra khỏi phòng giam chung với một số tù binh quan trọng khác, lao vào hàng rào dây thép gai và hét lên “Hãy bắn tao đi!”. Lính canh đã bắn vào đầu Iakov.

Mãi nhiều năm sau, khi có điều kiện tiếp cận với các hồ sơ cần thiết của phát xít Đức, người ta mới biết sự thật về cái chết của anh. Có lẽ chính vì vậy mà ngay sau chiến tranh mới có tin đồn là con trai Xtalin dù sao cũng đã được cứu sống.

I.Xtalin chăm sóc con dâu Iulia và cháu nội Galia chu đáo cho đến tận khi ông mất. Theo lời kể của Galina Dzgashvili thì ông nội đối xử rất dịu dàng với cô và lúc nào cũng nói với cô về người cha đã hy sinh: “Cháu giống bố quá, giống bố quá…”.      

                       (Theo Đất Việt


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.