Multimedia Đọc Báo in

Tổ chức bí mật chống phát xít ngay trong bộ máy cầm quyền của Đức quốc xã

11:17, 07/10/2011

Lúc 9 giờ sáng ngày 2-9-1945, trên chiến hạm Mỹ mang tên Mitxuri đậu ở vịnh Tokyo, nước Nhật phát xít đã ký văn bản đầu hàng vô điều kiện với phe Đồng minh, kết thúc cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai. Cuộc chiến tranh đã trả một cái giá quá đắt:  50 triệu người chết, trong đó, riêng Hồng quân và nhân dân Liên Xô đã chết trên 20 triệu người. Cũng theo thống kê, tổng số chi phí chiến tranh trực tiếp của tất cả các nước tham chiến lên tới 1154 tỉ đô la Mỹ. Đây quả là một thảm họa.

Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc là thắng lợi vĩ đại của lực lượng yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới, là thắng lợi của phe Đồng minh, trong đó Chủ nghĩa  anh hùng của Hồng quân và nhân dân Xô Viết giữ vai trò quyết định. Tuy nhiên, cho đến ngày nay, có nhiều người đã hy sinh cho thắng lợi này nhưng ít ai biết tới, đó không phải là đảng viên cộng sản hay tình báo của Matxcơva, mà chính là những cộng sự tin cẩn của Hít-le, những người nằm ngay trong bộ máy cầm quyền của Đức quốc xã. Họ là những chiến sĩ chống Phát xít hoạt động trong lòng tổ chức cảnh sát mật của nước Đức phát xít Gextapô và cơ quan tình báo quân sự và phản giám Apve. Giữa bối cảnh nghiệt ngã ấy, cuộc chiến đấu vừa bất khuất kiên cường, vừa bi thảm của họ, là không tránh khỏi.

Tổ chức bí mật của các chiến sĩ chống phát xít tại Beclin trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai có 118 người, đứng đầu là sĩ quan Cục tình báo Bộ Tư lệnh Không quân Haro Sunxe Boizen và Cố vấn Bộ Kinh tế Acvit Hacnăc.

Haro Sunxe Boizen sinh ngày 2-9-1909 tại Lin. Bố anh có họ gần với Đô đốc Tiếcspix, mẹ anh xuất thân từ dòng họ có nhiều luật sư nổi tiếng và thường có mặt tại các phòng khách quí tộc hạng nhất. Tuy được giáo dục trong chế độ quân chủ nhưng Haro không hấp thu truyền thống đó. Hơn thế nữa, quan điểm chính trị của anh ngày càng khác với những kẻ đại diện cho tầng lớp quí tộc. Năm 1930 Haro đến Beclin và sống tại khu thợ thuyền Oetđing. Mối quan hệ chặt chẽ với những người vô sản đã đẩy nhận thức chính trị của Haro sang cánh tả. Năm 1932, anh trở thành Chủ bút tạp chí “Gegner” (Đối thủ), bày tỏ quan điểm của tất cả những người Đức không bằng lòng với chế độ hiện hành. Haro chưa gần các đảng viên cộng sản, nhưng anh đã bắt đầu hiểu một cách sâu sắc rằng sự nghiệp cứu châu Âu  khỏi họa Phát xít sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào Liên Xô. Đến năm 1933, bọn quốc xã đóng cửa tạp chí và bắt Haro vào trại tập trung. Mẹ anh chạy vạy để cứu con. Bà ghi tên anh gia nhập Đảng Quốc xã. Haro trở về nhà không bao lâu thì vào ngày 14-5-1933, anh nhận được thư bảo đảm của bọn cầm đầu S.S và chùm chìa khóa tòa soạn. Nhưng Haro không cần chùm chìa khóa nữa, bây giờ anh biết phải làm gì để đấu tranh và chiến thắng: phải hòa mình với những kẻ xung quanh, buộc chúng mau quên quá khứ của anh, rồi phải lọt vào giới thượng lưu. Anh xin gia nhập không quân và chẳng bao lâu, nhờ khả năng xuất chúng và biết thành thạo 7 thứ tiếng, anh đã bắt đầu được giao những nhiệm vụ đặc biệt, rồi nhanh chóng trở thành sĩ quan xuất sắc. Chính nhờ giao du rộng trong giới thượng lưu, năm 1935 anh đã làm quen với Libectax Haax Hâyx, cháu ngoại một trong những cận thần được sủng ái nhất của Vin hem II. Cô cũng là một đảng viên tích cực của Đảng Quốc xã. Mẹ của Libectax là Bá tước phu nhân Tora, có quan hệ mật thiết với Thống chế Gơring. Tháng 7-1936, Haro cưới Libectax, đích thân Gơring làm chủ hôn. Và sau đấy Gơring đã rộng cửa cho Haro bước vào Bộ Không quân. Anh được đích thân Gơring giao việc ở “Ban Xô Viết” thuộc “Viện nghiên cứu Hecman Gơring”, chuyên trách công tác phản gián trong lực lượng không quân. Đối với Haro, thời cơ hành động đã đến. Từ năm 1938, Haro thường nhận nhiệm vụ riêng do Gơring giao, chuyên làm báo cáo phân tích và đánh giá về trang bị và hỏa lực của Hồng quân. Anh hoàn toàn hòa mình trong lực lượng không quân và bắt đầu cuộc chiến đấu thầm lặng. Trước hết, anh móc liên lạc với các bạn cũ để xúc tiến việc thành lập tổ chức kháng chiến. Nhờ cương vị thượng úy, Haro nắm được những tài liệu chính trị và ngoại giao tối mật, anh càng hiểu rõ hậu quả nguy hiểm mà nước Đức sẽ phải gánh chịu do chính sách phiêu lưu, ngông cuồng của Hít-le. Từ một người lãng mạn, duy tâm, anh chuyển thành nhà chiến lược tỉnh táo. Mối quan tâm chính của anh bây giờ là chuẩn bị kịp cho cuộc chiến đấu khi chiến tranh xảy ra, bởi anh tin chắc là chỉ có thất bại hoàn toàn của nền đế chế mới loại trừ tận gốc Hít le và bè lũ.

Đại diện Nhật Bản ký giấy đầu hàng Đồng Minh trước mặt Tướng Mỹ Mc Arthur. Ảnh: T.L
Đại diện Nhật Bản ký giấy đầu hàng Đồng Minh trước mặt Tướng Mỹ Mc Arthur. (Ảnh: T.L)
Nhóm Haro Sunxe Boizen không phải là nhóm bí mật chống Phát xít duy nhất ra đời tại Beclin. Gần như đồng thời với họ còn có hai tổ chức yêu nước nữa cùng hoạt động. Một nhóm đặt dưới quyền chỉ huy của một quan chức Bộ Kinh tế, Acvit – Hacnăc và một nhóm nữa do Ađam Cuchốp lãnh đạo. Vào năm 1939, ngay trước khi chiến tranh nổ ra, ba nhóm bí mật đã hợp nhất lại dưới sự lãnh đạo của Thượng úy không quân Haro.

Acvit Hacnắc là tiến sĩ triết học, luật học, là đại diện điển hình của giai cấp tư sản. Anh nghiên cứu rất kỹ các tác phẩm kinh điển của Mác-Ăng ghen – Lênin, để rồi toàn bộ thế giới quan chính trị của anh đảo lộn hoàn toàn, anh thành nhà mácxít kiên định, một chiến sĩ đấu tranh cho chủ nghĩa xã hội. Xung quanh anh dần dần hình thành những hạt nhân của các chiến sĩ chống phát xít. Hacnăc hiểu rằng trong đấu tranh, chỉ có lòng tin không thôi thì chưa đủ, cần phải có một cương vị trong bộ máy đế chế, vì vậy anh nhanh chóng gia nhập Đảng Quốc xã của Hít le. Đến năm 1935, anh được giao nắm chức vụ Cục trưởng trong Bộ kinh tế.

Còn Ađam Cuchốp là con trai của một viên chủ xưởng giàu có ở Đức. Gia đình muốn Ađam thành nhà kinh doanh. Anh lại hướng ước mơ đến khoa học nhân văn, muốn thành nhà văn. Và anh đã bỏ nhà ra đi, suy nghĩ rất nhiều về ý nghĩa cuộc sống. Cuộc sống dẫn anh đến với những người cộng sản. Rồi năm 1932, anh trở thành một thành viên trong tổ chức của họ với tư cách một chiến sĩ chống Phát xít, một nhà văn.
Nhóm chống phát xít bí mật ở Béc lin thấy cần thiết phải liên hệ với Hồng quân Liên Xô, bởi họ tin chắc chỉ có sức mạnh của Hồng quân mới quyết định sự diệt vong của Đức quốc xã và phương tiện liên lạc có hiệu quả nhất là dùng điện đài vô tuyến. Haro đã tìm được người sử dụng điện đài thu phát thành thạo là anh thợ nguội HanxCôppi, một đảng viên cộng sản.

Nhóm Haro hoạt động khẩn trương trên hai phương diện: đẩy mạnh tối đa các hoạt động tuyên truyền và tăng cường thu thập các tin tức cơ mật để chuyển về Matxcơva. Hàng trăm bức điện có giá trị to lớn về các chiến dịch đang chuẩn bị của các quân đoàn Đức, về nguồn dự trữ vật chất, về tâm trạng binh lính, về tiềm năng kinh tế, về hệ thống kho dự trữ, về công nghiệp sản xuất vũ khí, sản xuất các loại nhiên liệu cho máy bay, xe tăng, các phát minh sản xuất chất nổ, chất độc… đã được gửi cho Matxcơva. Xin dẫn ra nội dung bức điện đã được Gextapô giải mã: “Hít-le ra lệnh phải chiếm Ôđexa không muộn hơn ngày 15-9-1942”, “Kế hoạch N02 đã bắt đầu được thực hiện từ ba tuần trước. Mục tiêu dự tính: tiến tới tuyến Ackhangenxcơ – Matxcơva – Axtrakhan trước cuối tháng 11”.

Tuy nhiên, vào lúc 3 giờ 58 phút đêm 26-6-1941, một nhân viên điện đài của trạm bắt sóng tại vùng ngoại ô đã bắt được một tín hiệu lạ. Sau chuỗi mật hiệu “KK-PTX.2606,03,303214” là bức điện đã được  mã hóa gồm 32 nhóm, mỗi nhóm có 5 chữ số. Các đài của lực lượng chống phát xít đã bị theo dõi, săn lùng ráo riết từ đây. Quốc trưởng Hít-le, kẻ cầm đầu Apve là Đô đốc Caranix và cầm đầu cảnh sát mật Gextapo là thống chế Himle mất ăn, mất ngủ khi biết ngay trong bộ máy Đức quốc xã lại có tổ chức chống phát xít bí mật hoạt động.

Cuộc săn lùng bắt đầu. Chúng gọi các đài phát sóng bí mật của tổ chức chống phát xít là “Dàn nhạc đỏ”. “Dàn nhạc đỏ” luôn thay đổi chế độ phát sóng nên suốt bốn tháng cuối năm 1941, bọn Apve và Gextapo được trang bị bằng xe ô tô có gắn máy vô tuyến định vị vẫn không tài nào phát hiện được. Apve nghĩ ra cách đặt cho hãng “Leve - Ốpta” sản xuất những máy vô tuyến định vị nhỏ xíu có thể giấu trong áo khoác. Từ ngày 30-8 đến 26-9-1942, trong lúc chiến sự diễn ra cực kỳ ác liệt ở mặt trận phía đông (mặt trận Xô - Đức), thì tại Beclin và các thành phố khác của nước Đức, Hít-le đã tung ra một lực lượng lớn để truy lùng “Dàn nhạc đỏ”. Đến cuối năm 1942 đã có 325 đài bị phát hiện. Có điều, các chuyên gia quốc xã không tài nào giải mã được các tín hiệu. Cuối cùng chúng phải nhờ nhà toán học Đức nổi tiếng Vinhem Phauc mới đọc được các bức điện. Trong một bức điện có ba địa chỉ của Thượng úy không quân Haro Sunxe Boizen, quan chức cao cấp ở Bộ kinh tế Acvit Hacnăc và nhà văn Ađam Cu chốp. Và sau đó, chúng đã lần ra đầu mối tất cả những thành viên…

Ngày 1-10-1942 cả ba lãnh đạo “Dàn nhạc đỏ” bị bắt, sau đó các thành viên khác và cả những người gián tiếp liên quan cũng bị bắt. Gơring ra lệnh cho Chánh chưởng lý Rêđe xử án trong bí mật tuyệt đối vào ngày 19-12. Đến 15 giờ sáng ngày 22-12-1942 bản án được thi hành. Haro, Hacnăc, Ađam bị treo cổ; 49 người, trong đó có vợ Haro, bị máy chém chặt đầu. Số còn lại, hoặc tù chung thân, hoặc bị đẩy vào trại tập trung.
Các anh hùng chống phát xít trong “Dàn nhạc đỏ” đã anh dũng, bất khuất hy sinh, góp phần rất quý giá trong sự nghiệp tiêu diệt chủ nghĩa phát xít, giải phóng nước Đức, giải phóng cả châu Âu và cứu nhân loại khỏi thảm họa phát xít. Tên tuổi và sự nghiệp cao cả của họ mãi mãi khắc sâu trong lòng những người yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới. (*)

Nguyễn Trúc

-----------------

(*) Xin xem “Từ những hồ sơ mật của cơ quan tình báo”, của V.Caxix và L.Côlôxốp. NXB tổng hợp Nghĩa Bình, năm 1988.


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.