Multimedia Đọc Báo in

Quan hệ đồng minh Mỹ - Pakistan rạn nứt

14:38, 15/05/2011

Cuộc đột kích trên đất Pakistan đi ngược lại những quy tắc trong quan hệ giữa hai nước có chủ quyền, gây phương hại cho quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Pakisstan được tạo lập từ hơn 10 năm qua

Một tuần sau khi Mỹ tiêu diệt trùm khủng bố Osama Bin Laden ẩn náu tại Pakistan, những mối nghi ngờ từ phía Mỹ và phản ứng từ phía Pakistan về tính pháp lý của chiến dịch đang đẩy quan hệ đồng minh Mỹ - Pakistan đến chỗ rạn nứt và đẩy chính quyền của quốc gia Nam Á này vào tình thế éo le. Nhưng hai bên vẫn cần đến nhau trong cuộc chiến chống khủng bố tại khu vực. 

Việc Bin Laden đã ẩn náu ở một khu vực chỉ cách học viện quân sự hàng đầu của Pakistan chưa đầy một dặm, trong thành phố Abbottabad đầy rẫy các đơn vị quân đội và cách thủ đô Islamabad 56km khiến cho quan hệ đồng minh Mỹ - Pakistan rạn nứt vì những nghi kị. Sau không khí hân hoan ăn mừng chiến thắng, cả Mỹ và Pakistan đều lên giọng trách cứ lẫn nhau.

Trả lời phỏng vấn chương trình “60 phút” ngày 8-5 của Đài CBS, Tổng thống Mỹ Barack Obama hối thúc Pakistan điều tra xem tại sao trùm khủng bố Osama Bin Laden lại có thể sống từng đấy năm “ngay trước mắt” lực lượng quân sự nước này, đồng thời kết luận rằng, Bin Laden hẳn phải có một mạng lưới ủng hộ nào đó. Ông Barack Obama còn yêu cầu chính phủ Pakistan không chỉ điều tra mạng lưới ủng hộ trùm khủng bố Osama Bin Laden tại nước này, mà còn phải làm rõ liệu có nhân vật nào trong chính phủ Pakistan liên quan đến mạng lưới này hay không. Ông Barack Obama cũng nói thêm rằng, chính phủ Pakistan đã thể hiện sự “quan tâm sâu sắc” tới việc tìm ra mạng lưới ủng hộ này.

Nơi ẩn náu cuối cùng của Bin Laden ở Abbottabad, Pakistan. (Nguồn: Internet)
Nơi ẩn náu cuối cùng của Bin Laden ở Abbottabad, Pakistan. (Nguồn: Internet)

Tuyên bố này, phần nào giải toả mối nghi ngờ trước đó của giới chức Mỹ về khả năng Islamabad đã hỗ trợ cho trùm khủng bố Bin Laden để tên này trú ngụ an toàn tại Paksitan trong nhiều năm qua, nhưng cũng không đủ để làm dịu sự bất bình của Islamabad. Pakistan tức giận bởi việc Mỹ giấu nhẹm không thông báo cho Islamabad về vụ đột kích của lực lượng đặc nhiệm Mỹ tiêu diệt Bin Laden cho thấy, Washington cũng chẳng mấy tin tưởng ở chính quyền Islamabad, nếu không muốn nói là nghi ngờ đồng minh của mình chơi trò “hai mặt” trong cuộc chiến chống khủng bố.

Song, điều làm Islamabad tổn thương hơn cả chính là cuộc đột kích trên đất Pakistan đi ngược lại những quy tắc trong quan hệ giữa hai nước có chủ quyền và gây phương hại cho mối quan hệ hợp tác, quan hệ đồng minh được tạo lập từ hơn 10 năm qua giữa hai nước. Quan trọng hơn, việc xâm nhập bất hợp pháp lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền để tiêu diệt đối thủ của mình là sự vi phạm luật pháp quốc tế, đồng thời cũng là mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế. Và chính điều này đang dấy lên làn sóng phản đối mạnh mẽ từ trong nước, khiến chính quyền của Tổng thống Pakistan Asif Ali Zardari ở vào thế kẹt. Một bên là những nhượng bộ trong nước trước làn sóng chống Mỹ đang dâng cao, một bên là thực hiện các cam kết với đồng minh Mỹ khi mà quốc hội Mỹ đang tăng cường sức ép đòi Washington cắt viện trợ quân sự và dân sự cho Islamabad, nếu quốc gia này không tích cực hơn, hiệu quả hơn trong cuộc chiến chống khủng bố.

Quan hệ Mỹ - Pakistan đang rạn nứt nghiêm trọng vì những nghi kị chưa được giải đáp. Tuy nhiên, hai nước vẫn đang rất cần đến nhau bởi như Ngoại trưởng Mỹ thừa nhận “mối quan hệ này có ích đối với cả hai nước” và cần phải “tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa chính phủ, quân đội và cơ quan thực thi pháp luật của hai nước”. Mỹ cần sự hỗ trợ của Pakistan trong cuộc chiến chống khủng bố, chấm dứt cuộc chiến ở Afghanistan và đưa binh sĩ Mỹ về nước, bởi Pakistan vẫn là địa bàn chiến lược của Mỹ trong khu vực, có vai trò quan trọng trong việc tìm kiếm một giải pháp chính trị và trong việc hoà giải lực lượng Taliban với chính phủ của Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai. Trong khi đó, chính quyền Pakistan cũng chẳng thể đứng vững trước phe đối lập Hồi giáo nếu mất đi sự hỗ trợ của Mỹ. Chính vì vậy, cả Mỹ và Pakistan không muốn quan hệ xấu hơn, nhưng việc củng cố niềm tin thì cũng chẳng thể trong một sớm, một chiều.

Theo VOVNews


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.