Multimedia Đọc Báo in

9 năm sau vụ khủng bố 11-9: Còn đó những nỗi lo

16:27, 11/09/2010

Hôm nay 11-9, nước Mỹ kỷ niệm 9 năm ngày xảy ra vụ khủng bố đau thương nhất trong lịch sử thế giới. Chín năm đã qua đi, nhưng chính quyền ông Bush trước đây và chính quyền Tổng thống Obama hiện tại vẫn chưa thể xoa dịu được vết thương trong lòng nước Mỹ cũng như làm người dân vững tin hơn vào cuộc chiến chống khủng bố đầy tốn kém và đang gây nhiều tranh cãi.

Dang dở những công trình...

Đáng quan tâm nhất là công trình Tòa tháp Thương mại tự do số 1 (gọi tắt OWTC), được xây dựng trên nền đất đổ nát của Trung tâm Thương mại tự do (WTC), cao 1.776 feet (tương đương 550m) đã xây đến tầng thứ 36. Và vẫn còn đến 70 tầng nữa công trình mới hoàn thành. Dự kiến, công trình sẽ hoàn thiện vào năm 2013, muộn hơn 2 năm so với kế hoạch sẽ hoàn thành vào đúng 10 năm kỷ niệm vụ tấn công khủng bố 11-9 (năm 2011).

 

Mô hình Tòa tháp Thương mại tự do số 1
Mô hình Tòa tháp Thương mại tự do số 1

Độ cao của tòa nhà tính theo đơn vị feet cũng mang tính biểu tượng cao. Qua con số 1.776 gợi nhớ năm 1.776, năm nước Mỹ tuyên bố độc lập. Vật liệu xây dựng tòa cao ốc chủ yếu là thép và thủy tinh. Hình dáng tòa tháp gợi nhớ đến hình tượng Nữ thần Tự do giương cao ngọn đuốc. Thiết kế nổi bật nhất của Tháp Tự do là một ống lõi có chiều thẳng đứng chạy xuyên suốt trung tâm tòa nhà. Bên trong kết cấu đặc biệt, được bảo vệ bởi các bức tường dày 1m là những hệ thống an toàn của công trình như cáp thông tin, ống thông gió, ống nước, cầu thang bộ và thang máy. Riêng hệ thống cầu thang bộ chuyên dụng cũng được thiết kế đặc biệt (điều áp) để khói không thể thâm nhập và đủ rộng cho lính cứu hỏa đưa các thiết bị lên xuống dễ dàng. Hệ thống thang máy cũng thiết kế có khả năng chống nước để tránh bị hỏng khi hệ thống phun nước chống cháy tự động vận hành. Một khu tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng đang được gấp rút hoàn thành và dự kiến sẽ chính thức mở cửa vào năm 2011.

Lý do dẫn đến sự chậm trễ của những hạng mục này là do mãi đến năm 2006, chính quyền Mỹ mới thống nhất việc nên xây gì và xây thế nào trên nền đổ nát của WTC cũ. Ngay cả việc đặt tên tòa tháp cũng gây nhiều tranh cãi vì sau khi chính quyền Tổng thống Obama chia tay với thuật ngữ cửa miệng “Cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu” của chính quyền ông Bush, Cục Cảng vụ New York (PA), cơ quan sở hữu “Khu vực số 0”, cũng ngấm ngầm đổi tên ban đầu, từ “Tháp Tự do” thành “Tòa tháp Thương mại thế giới 1”, tức các nhà quản lý quay lại với tên cũ.

Theo PA, họ đổi tên vì muốn có một cái tên khiêm tốn hơn và dễ tiếp thị hơn. Một tòa nhà mang cái tên “Tháp Tự do” có lẽ sẽ khó cho thuê hơn, nhất là đối với các doanh nghiệp hay tập đoàn đến từ các nước Hồi giáo.

Bồi thường chậm chạp

Việc bồi thường cho các nạn nhân có người thân thiệt mạng trong vụ khủng bố 11-9 đang tiến hành một cách chậm chạp vì ngay từ ban đầu, khi kế hoạch bồi thường được công bố đã không nhận được sự đồng tình của đông đảo người dân. Ngày 12-3-2010, 6 năm sau khi các nạn nhân yêu cầu bồi thường, chính quyền thành phố New York mới chấp nhận chi trả số tiền bồi thường 657 triệu USD cho các nhân viên tham gia cứu hộ nạn nhân trong vụ khủng bố tại WTC ngày 11-9-2001. Khoản tiền bồi thường trên được rút ra từ một quỹ bảo hiểm do chính phủ liên bang tài trợ. Quỹ này thuộc sở hữu của Công ty Bảo hiểm WTC Captive, được lập ra vào năm 2004 với số tiền 1 tỷ USD từ Cơ quan Quản lý tình trạng khẩn cấp liên bang (FEMA).

Số tiền bồi thường được chia cho các nhân viên cảnh sát, cứu hỏa, dịch vụ công cộng và những công nhân từng tham gia vào công tác dọn dẹp hiện trường vụ nổ tại New York. Họ bị ảnh hưởng sức khỏe do hít phải khí bụi từ tòa tháp đôi WTC.

Theo thống kê công bố cuối năm ngoái của Mỹ, từ đó đến nay đã có khoảng 817 người chết, trong đó 1/3 chết do các chứng bệnh ung thư (dạ dày, ruột, cơ quan tiêu hóa, phổi, họng, ung thư máu) vì hít phải khí bụi của WTC. Hơn 30 người tự tử khi bế tắc về tình trạng sức khỏe và tài chính. Hơn 10.000 người cứu hộ khác đang gặp trục trặc về sức khỏe. Cứ 8 người từng tham gia cứu hộ tại WTC thì có 1 người bị chấn thương tâm lý. Những nạn nhân sống sót phản đối vụ bồi thường này vì cho rằng, 6 năm đeo đuổi một vụ kiện và kết quả có được ngày hôm nay là quá muộn màng cho các nạn nhân, nhất là những người đã chết vì không thể chờ được khoản tiền bồi thường đến tận tay mình.

Sau ngày 11-9, cộng đồng người Hồi giáo tại Mỹ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống hơn trước vì những cái nhìn thiếu thiện cảm trong xã hội. Bởi lẽ, những kẻ tham gia tấn công khủng bố chính là những phần tử Hồi giáo cực đoan. Vấn đề này dưới thời chính quyền Bush đã khá căng thẳng, nay dưới thời chính quyền Obama, vị tổng thống chủ trương xây dựng mối quan hệ hòa giải với thế giới Hồi giáo lại trở nên căng thẳng.

Cách đây không lâu, Tổng thống Obama đã đưa ra một quyết định bất ngờ: xây dựng một trung tâm cộng đồng và một đền Hồi giáo gần Khu vực số 0 (Ground Zero), nơi xảy ra cuộc tấn công khủng bố. Quyết định này đã thổi bùng ngọn lửa tranh cãi trong nội bộ chính trường Mỹ và trong dư luận. Những người phản đối cho rằng, việc xây dựng một trung tâm cộng đồng và một ngôi đền Hồi giáo tại nơi mà 3.000 người Mỹ đã thiệt mạng chẳng khác nào xát muối vào những vết thương của họ. Theo thăm dò, có đến 2/3 người Mỹ phản đối việc xây dựng đền thờ Hồi giáo tại khu vực này. Quyết định của ông Obama được cho là bước đi táo bạo vì điều này chưa từng có tiền lệ trong lịch sử nước Mỹ, nhưng quyết định này đã không nhận được sự ủng hộ của người dân, những cuộc biểu tình liên tiếp nổ ra yêu cầu chính quyền Obama rút lại kế hoạch.
Ông Obama hiện đang đứng trước tình thế khó khăn khi tỷ lệ ủng hộ ông đang ngày càng sụt giảm trong thời điểm bầu cử quốc hội giữa kỳ đang đến gần. Có thể nhận thấy, việc tìm một tiếng nói chung giữa nước Mỹ và thế giới Hồi giáo, sự liên kết giữa người dân Mỹ và cộng đồng người Hồi giáo tại Mỹ là điều không dễ dàng. 

Chiến trường ngổn ngang

Sau cú sốc vào ngày 11-9, nhiều người Mỹ cho rằng vụ tấn công khủng bố “đã vĩnh viễn làm thay đổi thế giới”, đẩy nước Mỹ vào nguy cơ bị tấn công khủng bố mà trước đây nước này chưa từng gặp. Tổng thống Bush đã nhân cơ hội này mở các mặt trận chống khủng bố tại Trung Đông và Nam Á. Một tháng sau khi xảy ra vụ tấn công khủng bố 11-9, ngày 7-10-2001, liên quân do Mỹ cầm đầu đã phát động cuộc chiến chống khủng bố tại Afghanistan, sau khi chính quyền Taliban tại đây từ chối giao nộp trùm khủng bố Osama bin Laden của mạng lưới khủng bố Al-Qaeda. Hơn 40 nước trên thế giới bị cuốn vào cuộc chiến chống khủng bố do chính quyền Bush phát động. Với sức mạnh quân sự áp đảo cùng với khẩu hiệu “chống khủng bố” được nhiều nước trên thế giới ủng hộ, Tổng thống Bush không mấy khó khăn lật đổ chính quyền Taliban hà khắc tại đất nước Afghanistan.

 

Hình ảnh một lính Mỹ mệt mỏi trên chiến trường Afghanistan
Hình ảnh một lính Mỹ mệt mỏi trên chiến trường Afghanistan

Ở giai đoạn đầu, Mỹ đã thành công trong việc xây dựng một mặt trận chống khủng bố tại Afghanistan, nhưng vào giai đoạn sau, Mỹ và lực lượng liên quân được đánh giá đã thất bại trong việc tiêu diệt lực lượng khủng bố tại quốc gia này. Mỹ và liên quân bị cuốn trong vòng luẩn quẩn: chính quyền Afghanistan do Mỹ hậu thuẫn quá yếu, trì trệ, trong khi lực lượng Taliban giờ đã tái sinh từ đống tro tàn.
Hội đồng Quốc tế về an ninh và phát triển, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại London (Anh), vừa công bố một bản đồ an ninh do họ thực hiện, cho thấy Taliban đang hiện diện thường xuyên tại ít nhất 97% lãnh thổ Afghanistan, tăng so với 72% hồi tháng 10-2008 và 54% vào tháng 10-2007. Taliban ngày càng hoạt động mạnh tại miền Bắc nước này, vốn là căn cứ địa của chính quyền Kabul hiện nay, Liên minh miền Bắc.
Mỹ và NATO buộc phải tính đến một kế hoạch chưa từng được dự trù trong chiến dịch chống khủng bố là tiến hành hòa đàm với lực lượng Taliban nhưng kế hoạch hiện đang bị Taliban bác bỏ.

Các nước Đức, Anh, Mỹ, Hàn Quốc… đều tính đến kế hoạch rút quân. Trong khi cuộc chiến tại Afghanistan bị sa lầy thì chi phí cho các hoạt động quân sự tại Afghanistan liên tục tăng cao. Càng ngày, thực tế càng cho thấy, những nỗ lực của Mỹ và NATO nhằm xây dựng một hệ thống chính trị ổn định và một nền kinh tế phát triển ở Afghanistan đang thất bại.

Không thể sa lầy trên cả hai mặt trận là điều chính quyền Obama đã tính đến khi bắt đầu cầm quyền. Với lập luận mới về cuộc chiến chống khủng bố, ông Obama đã quyết định tăng quân, tăng chi phí đổ vào Afghanistan khi xác định đây là mặt trận then chốt và tính đến kế hoạch nhanh chóng rút chân khỏi chiến trường Iraq trước khi quá muộn. Đến ngày 31-8, sư đoàn chiến đấu cuối cùng của Mỹ đã rút khỏi Iraq, kết thúc 7 năm sứ mệnh chiến đấu chống khủng bố tại quốc gia này.

Trong 7 năm chiếm Iraq, Mỹ để lại hàng trăm dự án chưa hoàn thành hoặc không được thực hiện, chưa kể nhiều dự án đã hoàn tất nhưng hoạt động không hiệu quả, nạn tham nhũng lan tràn trong chính phủ... 4.400 lính Mỹ thiệt mạng và cuộc chiến này cũng đã làm tiêu tốn 1.000 tỷ USD. Cuộc chiến tại Iraq để lại một kết quả mà chính phủ Mỹ không hề mong muốn.

Các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy, người Mỹ đều mệt mỏi sau gần một thập niên chiến tranh tại Afghanistan và Iraq. 9 năm trước, vụ tấn công khủng bố của Al Qaeda đã làm thay đổi cục diện chống khủng bố trên toàn thế giới. 9 năm sau, các chính sách chiến lược đối phó khủng bố bị đánh giá chưa đạt hiệu quả như kế hoạch đề ra ban đầu. Và điều không mong đợi, từ vị trí nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các quốc gia đồng minh trong cuộc chiến chống khủng bố, nước Mỹ đang ngày càng nhận được nhiều sự chỉ trích, quay lưng hơn là sự hậu thuẫn.

Theo SGGP

 


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) Kết quả kinh tế - xã hội quý I/2024 của tỉnh Đắk Lắk
Ngay từ đầu năm 2024, bám sát các nội dung chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh Đắk Lắk đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong quý I/2024 tiếp tục phát triển ổn định; một số chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch đề ra.