Multimedia Đọc Báo in

Tìm hiểu quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm (Kỳ 3)

09:02, 24/04/2020

Câu 13. Việc vệ sinh an toàn thực phẩm được quy định như thế nào?

Điều 16 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, như sau:

(1) Tổ chức, cá nhân trồng trọt, chăn nuôi, thu hái, đánh bắt, sơ chế, chế biến, bao gói, bảo quản, vận chuyển, buôn bán thực phẩm có trách nhiệm bảo đảm cho thực phẩm không bị nhiễm tác nhân gây bệnh truyền nhiễm và thực hiện các quy định khác của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm.

(2) Người tiêu dùng có quyền được cung cấp thông tin về vệ sinh an toàn thực phẩm; có trách nhiệm thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện đầy đủ các hướng dẫn về vệ sinh an toàn thực phẩm, khai báo ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua đường thực phẩm.

(3) Cơ quan nhà nước có thẩm quyền về vệ sinh an toàn thực phẩm có trách nhiệm hướng dẫn tổ chức, cá nhân thực hiện các biện pháp bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm để phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Luật quy định. Ảnh minh họa
Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm quy định, người tiêu dùng có quyền được cung cấp thông tin về vệ sinh an toàn thực phẩm. (Ảnh minh họa)

Câu 14. Việc vệ sinh trong xây dựng được quy định như thế nào?

Điều 17 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định về vệ sinh trong xây dựng như sau:

(1) Công trình khi xây dựng phải tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về vệ sinh trong xây dựng theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

(2) Dự án đầu tư xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư tập trung, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh truyền nhiễm chỉ được xây dựng sau khi có thẩm định của cơ quan y tế có thẩm quyền về báo cáo đánh giá tác động sức khỏe.

(3) Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh truyền nhiễm, các cơ sở có nguy cơ làm lây truyền tác nhân gây bệnh truyền nhiễm phải có khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư, khu bảo tồn thiên nhiên theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

(4) Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc bảo đảm vệ sinh trong xây dựng.

Câu 15. Việc vệ sinh trong việc quàn, ướp, mai táng, di chuyển thi thể, hài cốt được quy định như thế nào?

Điều 18 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định về vệ sinh trong việc quàn, ướp, mai táng, di chuyển thi thể, hài cốt, như sau:

(1) Người tử vong phải được tổ chức mai táng chậm nhất là 48 giờ sau khi chết, trừ trường hợp thi thể được bảo quản theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế; đối với người mắc bệnh truyền nhiễm hoặc bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A tử vong thì thi thể phải được diệt khuẩn và tổ chức mai táng trong thời hạn 24 giờ.

(2) Việc bảo quản, quàn, ướp, mai táng, di chuyển thi thể, hài cốt thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế (hiện nay được quy định tai Thông tư số 02/2009/TT-BYT ngày 26-5-2009 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn vệ sinh trong hoạt động mai táng và hỏa táng.

Câu 16. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm gì trong vệ sinh phòng bệnh truyền nhiễm?

Điều 19 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng bệnh truyền nhiễm, như sau:

(1) Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thực hiện biện pháp bảo đảm về vệ sinh nơi ở, nơi công cộng, nơi sản xuất, kinh doanh, phương tiện giao thông, xử lý chất thải công nghiệp, sinh hoạt và các biện pháp bảo đảm khác về vệ sinh theo quy định của pháp luật có liên quan để không làm phát sinh, lây lan bệnh truyền nhiễm.

(2) Mọi người có trách nhiệm thực hiện vệ sinh cá nhân để phòng bệnh truyền nhiễm.

Câu 17. Pháp luật quy định như thế nào về hoạt động giám sát bệnh truyền nhiễm?

Điều 20 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định các hoạt động giám sát bệnh truyền nhiễm, gồm:

(1) Giám sát các trường hợp mắc bệnh, bị nghi ngờ mắc bệnh và mang mầm bệnh truyền nhiễm.

(2) Giám sát tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.

(3) Giám sát trung gian truyền bệnh.

Câu 18. Pháp luật quy định như thế nào về nội dung giám sát bệnh truyền nhiễm?

Điều 21 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định các nội dung giám sát bệnh truyền nhiễm, gồm:

(1) Giám sát các trường hợp mắc bệnh, bị nghi ngờ mắc bệnh và mang mầm bệnh truyền nhiễm bao gồm thông tin về địa điểm, thời gian, các trường hợp mắc bệnh, tử vong; tình trạng bệnh; tình trạng miễn dịch; đặc điểm chủ yếu về dân số và các thông tin cần thiết khác.

Trong trường hợp cần thiết, cơ quan y tế có thẩm quyền được lấy mẫu xét nghiệm ở người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm để giám sát.

(2) Giám sát tác nhân gây bệnh truyền nhiễm bao gồm các thông tin liên quan về chủng loại, đặc tính sinh học và phương thức lây truyền từ nguồn truyền nhiễm.

(3) Giám sát trung gian truyền bệnh bao gồm các thông tin liên quan đến số lượng, mật độ, thành phần và mức độ nhiễm tác nhân gây bệnh truyền nhiễm của trung gian truyền bệnh.

Câu 19. Cơ quan, tổ chức nào có trách nhiệm giám sát bệnh truyền nhiễm?

Điều 23 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định về trách nhiệm giám sát bệnh truyền nhiễm như sau:

(1) UBND các cấp chỉ đạo, tổ chức thực hiện giám sát bệnh truyền nhiễm tại địa phương.

(2) Cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế có trách nhiệm giúp UBND cùng cấp trong việc chỉ đạo các cơ sở y tế giám sát bệnh truyền nhiễm.

(3) Cơ sở y tế có trách nhiệm thực hiện hoạt động giám sát bệnh truyền nhiễm. Khi phát hiện môi trường có tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, người mang mầm bệnh truyền nhiễm thuộc Nhóm A, cơ sở y tế phải thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế, triển khai vệ sinh, khử trùng, tẩy uế và các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm khác.

(4) Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi phát hiện bệnh hoặc dấu hiệu bệnh truyền nhiễm có trách nhiệm thông báo cho UBND, cơ quan chuyên môn y tế hoặc cơ sở y tế nơi gần nhất.

(5) Trong quá trình thực hiện giám sát bệnh truyền nhiễm, cơ sở xét nghiệm có trách nhiệm thực hiện việc xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan y tế có thẩm quyền.

(6) Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành quy định chuyên môn kỹ thuật trong giám sát bệnh truyền nhiễm.

(7) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, cơ quan ngang bộ khác khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình, nếu phát hiện tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thì có trách nhiệm phối hợp với Bộ Y tế trong hoạt động giám sát.

(Còn nữa)

Nguyễn Tuấn Quang (Sở Tư pháp)

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nỗ lực ngăn chặn “tín dụng đen” xâm nhập học đường
Mặc dù các lực lượng chức năng của tỉnh Đắk Lắk liên tục có các biện pháp trấn áp, truy quét, nhưng các ổ nhóm "tín dụng đen" vẫn có dấu hiệu hoạt động trái pháp luật. Hiện nay, học sinh là nạn nhân mà các đối tượng này hướng đến.