Multimedia Đọc Báo in

Khó khăn trong giữ vững tiêu chí môi trường ở Ea Tul

10:38, 02/11/2018

Xã Ea Tul (huyện Cư M’gar) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) từ cuối năm 2016, nhưng một số tiêu chí vẫn còn đạt thấp, trong đó có tiêu chí số 17 về môi trường vẫn còn tồn tại những thách thức.

Bên cạnh những khó khăn trong công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, việc thu gom và xử lý rác tại hai bãi rác ở buôn Dao đang làm chính quyền địa phương "đau đầu". Bãi rác cũ có diện tích gần 500 m2 nằm cạnh con đường từ xã Ea Tul đi phường Thống Nhất (thị xã Buôn Hồ) và đầu nguồn con suối Ea Yao đã được sử dụng hơn 5 năm qua. Đầu năm 2017, UBND xã đã cắm bảng nghiêm cấm đổ rác tại bãi rác này, thế nhưng vẫn có nhiều người dân nơi khác đến vứt rác sinh hoạt, xác chết động vật... dẫn đến mùa nắng thì nhiều ruồi nhặng, còn mùa mưa thì bốc mùi hôi thối.

Lượng rác  thải nhiều nên chị H’Rin Ayun phải tốn thời gian phơi khô mới đốt được.
Lượng rác thải nhiều nên chị H’Rin Ayun phải tốn thời gian phơi khô mới đốt được.

Người dân ở đây cho biết, nước đầu nguồn con suối Ea Yao được dùng chủ yếu cho việc tưới tiêu nông nghiệp, nhưng cũng có vài hộ dân mỗi lần lên nương, lên rẫy vẫn lấy nước ở con suối này để sinh hoạt. Ông Y Phem Ktla, Trưởng buôn Dao nói: “Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền địa phương nên thành lập một tổ quản lý bãi rác để nhanh chóng xử lý những trường hợp mang rác thải, xác chết động vật đến bỏ, như vậy mới có thể giải quyết dứt điểm tình trạng trên. Nhưng đến nay, chính quyền địa phương vẫn chưa có phương án khả thi nào để khắc phục sự gia tăng ô nhiễm ở bãi rác đầu nguồn suối Ea Yao”. Ở hầu hết các buổi sinh hoạt cộng đồng, họp chi bộ, cấp ủy, Ban tự quản buôn Dao đều tuyên truyền, vận động người dân không xả rác bừa bãi, phải phân loại rác và tiêu hủy tại nhà, hoặc bỏ rác đúng nơi quy định để xe thu gom rác đến lấy.

Để việc thu gom và xử lý rác đúng cách, đầu năm 2017, UBND huyện Cư M’gar đã hỗ trợ 200 triệu đồng đầu tư xây dựng bãi rác mới nằm giữa buôn Dao và buôn Brah với diện tích 500 m2, từ đó tất cả rác thải của xã Ea Tul được tập kết về bãi rác mới để xử lý. Tháng 2-2018, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã thành lập tổ thu gom rác thải và được UBND xã cấp cho một chiếc xe công nông để thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn. Hội LHPN xã đã chọn gia đình chị H’Rin Ayun là hội viên có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, chưa có việc làm ổn định đảm nhiệm việc đi thu gom rác này. Lệ phí thu gom rác các hộ đóng hằng tháng sẽ được trích một phần để trả công cho gia đình chị H’Rin.

Bãi rác mới của xã Ea Tul (huyện Cư M’gar).
Bãi rác mới của xã Ea Tul (huyện Cư M’gar).
 
"Mỗi người dân trong xã cần nhận thức được mối nguy hại của việc vứt rác bừa bãi sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, đời sống của bản thân, gia đình mình, từ đó phải thay đổi thói quen, tập quán sinh hoạt để bảo vệ môi trường, có như vậy mới có thể giữ vững tiêu chí môi trường".
 
Ông Y Toàn Ayun, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Tul

Chị H’Rin cho biết, bãi rác mới có hàng rào bao bọc ngăn rác thải tràn ra bên ngoài, nhưng nhiều người dân không bỏ rác trong bãi mà "tiện" tay vứt ngay bên ngoài, nên ngày nào chị cũng phải mất nhiều thời gian dọn dẹp. Toàn xã hiện có 340 hộ đăng ký thu gom rác, với mức lệ phí từ 15.000 nghìn đồng/hộ dân và 20.000 nghìn đồng/hộ kinh doanh, thế nhưng có nhiều gia đình từ tháng 4 đến nay “quên” đóng lệ phí. "Trước đây, việc thu gom rác thải thực hiện 2 ngày/tuần (vào thứ 2 và thứ 5), còn nay ngày nào cũng phải đi gom vì lượng rác thải ngày một nhiều. Chi phí xăng dầu cho xe thu gom rác trung bình mỗi ngày là 100 nghìn đồng và một lít xăng để đốt rác, những ngày nắng thì còn dễ nhưng ngày mưa, rác rất khó đốt, do vậy có nhiều tháng tôi bị thâm tiền vì xe hư hỏng, hoặc xăng tăng giá”, chị H’Rin bức xúc.

Theo đại diện lãnh đạo UBND xã Ea Tul, từ khi đạt chuẩn nông thôn mới đến nay, việc giữ vững tiêu chí môi trường của xã rất khó khăn bởi nhiều nguyên nhân. Đó là nhận thức của người dân còn hạn chế, vẫn giữ tập quán làm chuồng, trại chăn nuôi cạnh nhà, đặc biệt chưa thấy rõ được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn vệ sinh, cảnh quan môi trường. “Nhận được phản ánh của người dân về tình trạng vi phạm ở bãi rác đầu nguồn suối Ea Yao, ngoài việc làm hàng rào xung quanh bãi rác, UBND cũng cử lực lượng vũ trang quần chúng theo dõi nhằm ngăn chặn các tình trạng mang xác động vật đến vứt nhưng khi không có ai thì người dân vẫn cứ tái phạm. Hiện nay, kinh phí của địa phương hạn hẹp, nên chưa thể hỗ trợ cho việc thu gom và xử lý rác nên chỉ có thể dựa vào việc đóng góp của bà con...” - ông Y Toàn Ayun, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Tul cho biết thêm. Tuy nhiên, để tránh “rớt chuẩn” tiêu chí môi trường, trước mắt UBND xã chỉ có thể phối hợp với các cơ quan, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân về bảo vệ môi trường xung quanh; ngày mùng 5 hằng tháng ra quân dọn dẹp môi trường trên toàn địa bàn xã với hy vọng thay đổi, tiến tới nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường của chính bà con trong xã.

Hoàng Ân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.