Multimedia Đọc Báo in

Nâng cao nhận thức bảo vệ tài nguyên nước

08:47, 22/03/2018

Trước thực trạng nguồn nước đang ngày càng bị ô nhiễm và cạn kiệt, việc nâng cao nhận thức của người dân trong sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước là vấn đề cấp bách hiện nay.

Quan niệm nước là “của trời cho” hiện nay vẫn tồn tại trong suy nghĩ của nhiều người, điều này đã dẫn đến tình trạng sử dụng nước không hợp lý, thiếu ý thức tiết kiệm, bảo vệ, bảo tồn nguồn nước. Thực trạng này diễn ra không chỉ ở khu vực nông thôn mà ngay cả ở đô thị. Hệ lụy là những năm gần đây, tình trạng thiếu nước diễn ra ngày càng trầm trọng cả trong sinh hoạt lẫn sản xuất.

Ở vùng nông thôn, tình trạng người dân khoan, đào giếng tùy tiện để phục vụ sinh hoạt và tưới tiêu trong nông nghiệp là một trong những nguyên nhân gây sụt giảm trữ lượng nước ngầm. Nếu như trước đây chỉ cần đào khoảng 5 – 7 mét thì có thể tìm thấy nguồn nước nhưng hiện nay ở nhiều vùng người dân phải đào hàng chục mét, thậm chí phải dùng máy khoan thăm dò nhiều lần mới tìm được khu vực có nước. Đơn cử như ở xã Ea Sô (huyện Ea Kar) nhiều nơi người dân phải khoan giếng với độ sâu hơn 100 mét mới có nguồn nước, nhưng đến mùa khô thì lại không đủ để phục vụ sinh hoạt chứ chưa nói đến việc tưới tiêu cho cây trồng. Ông Nguyễn Xuân Hữu, Chủ tịch UBND xã cho biết, Ea Sô là địa bàn khan hiếm nước, đến nay chỉ mới có khoảng 80% hộ dân dùng nước giếng, còn lại phải dùng nước suối. Có nguồn nước giếng hợp vệ sinh với người dân đã là khó nên việc mong chờ nguồn nước sạch với họ càng xa vời.

Nguồn nước sinh hoạt  của người dân thôn  Quỳnh Ngọc, xã Ea Na (huyện  Krông Ana)  bị nhiễm  xăng dầu.
Nguồn nước sinh hoạt của người dân thôn Quỳnh Ngọc, xã Ea Na (huyện Krông Ana) bị nhiễm xăng dầu.

Đối với khu vực đô thị, những năm gần đây, cứ vào khoảng tháng 3 hằng năm, tình trạng thiếu nước sạch phục vụ sinh hoạt lại diễn ra và trở thành nỗi lo của phần lớn các hộ dân trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. Không chỉ cúp nước luân phiên ngày có ngày không, mà có thời điểm ở nhiều khu vực việc cúp nước diễn ra từ hai đến ba ngày mới có một ngày, gây nhiều xáo trộn trong đời sống  của người dân. Hơn thế nữa, vào những ngày có nước, người dân vẫn không thể bơm được lên bồn chứa nên phải đầu tư mua hệ thống bơm trợ lực mới có nước dự trữ cho những ngày bị cúp.

Với những khu vực được đầu tư hệ thống cấp nước sạch đã thế, trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột hiện vẫn còn nhiều nơi chưa có nước sạch nên người dân phải sử dụng nguồn nước giếng khoan, đào không hợp vệ sinh để phục vụ sinh hoạt. Đó là chưa kể đến việc vào mùa khô, nguồn nước lại không đủ để dùng. Được biết, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 1.500 hộ dân chưa có nguồn nước sạch, tập trung ở các phường Tự An, Tân Tiến, Tân Lập, Tân Hòa…

Cùng với việc sử dụng nguồn nước không hợp lý thì vấn đề ô nhiễm nguồn nước do ý thức của một bộ phận người dân, tổ chức khi xả chất thải ra môi trường nước cũng đang là thách thức hiện nay. Từ thực trạng trên thấy rằng, nếu quản lý, khai thác và sử dụng hợp lý không chỉ đem lại lợi ích cho mỗi gia đình, mà quan trọng hơn là góp phần làm chậm quá trình suy kiệt trữ lượng và chất lượng nguồn tài nguyên quý giá này.

Bến nước của đồng bào dân tộc thiểu số ở Buôn Tring, phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ.
Bến nước của đồng bào dân tộc thiểu số ở Buôn Tring, phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ.

“Ngoài những cố gắng, nỗ lực của chính quyền các cấp trong việc cung cấp nước sạch cho người dân thì mỗi người cần phải nâng cao nhận thức bảo vệ tài nguyên nước như: sử dụng tiết kiệm, hợp lý nguồn nước; không vứt chất thải, xác động vật chết xuống sông, suối làm ô nhiễm nguồn nước; trong mỗi gia đình, khi dùng nước xong nên khóa chặt vòi nước để tránh thất thoát, lãng phí không cần thiết...”, ông Y Khuôn Êban, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường tỉnh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, trong hoạt động sản xuất công nghiệp, nhất là những nhà máy sử dụng lượng nước lớn nên áp dụng các biện pháp sản xuất sạch hơn để vừa tiết kiệm được lượng nước sạch cung cấp đầu vào vừa giảm thiểu được lượng nước thải ra gây ô nhiễm. Trong nông nghiệp, cần áp dụng các phương pháp tưới phun, tưới dạng màn sương vừa tiết kiệm nước, vừa tăng hiệu quả cho cây trồng.  Đặc biệt, hạn chế tối đa việc dùng phân tươi, nước thải ô nhiễm, hóa chất bón cho cây trồng…

Quả thực, việc nâng cao nhận thức của người dân về khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước không phải một sớm một chiều mà cần cả quá trình lâu dài. Tuy nhiên, chỉ cần mỗi người có một hành động nhỏ để bảo vệ thì tình trạng khan hiếm nước sẽ được cải thiện đáng kể.

Tam Giang


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.