Multimedia Đọc Báo in

Xử lý nước thải Khu công nghiệp Hòa Phú: Bài toán đã có lời giải

10:12, 05/09/2017

Nhà máy xử lý nước thải công nghiệp khu công nghiệp (KCN) Hòa Phú được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 2014 có công suất xử lý 2.900 m3/ngày đêm với tổng kinh phí hơn 29 tỷ đồng.

Gồm các trang thiết bị hiện đại, đồng bộ và áp dụng theo công nghệ xử lý sinh học bằng phương pháp cơ lý, hóa kết hợp nhằm tiếp nhận, thu gom toàn bộ nước thải của các doanh nghiệp thứ phát trong KCN. Đồng thời, xử lý nước thải sản xuất, nước thải sinh hoạt theo yêu cầu của TCVN 5945-2005 đạt cấp độ B trước khi thải ra môi trường tự nhiên.

Hệ thống xử  lý  nước thải công nghiệp KCN Hòa Phú.
Hệ thống xử lý nước thải công nghiệp KCN Hòa Phú.
 
Công ty Cổ phần Đầu tư  phát triển An Thái chính thức đi vào hoạt động trong KCN Hòa Phú từ năm 2007 và đã đầu tư hơn 1,5 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý nước thải để bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất. Tuy chi phí đầu tư xử lý rất tốn kém nhưng vẫn không thể bảo đảm tiêu chuẩn, hàm lượng cho phép trước khi thải ra sông, suối. Do đó, khi nhà máy xử lý nước thải KCN đi vào hoạt động, Công ty liền ký kết hợp đồng đấu nối với mức phí xử lý từ 20 - 30 nghìn đồng/m 3. Theo tính toán của ông Nguyễn Xuân Lợi, Giám đốc Công ty, hiện Công ty xả lượng nước thải trong sản xuất trung bình 3 - 5 m 3/ngày, tính ra chi phí xử lý mỗi tháng tăng thêm vài triệu đồng so với trước. Nhưng cái lợi lớn hơn  là lượng nước thải này được xử lý theo đúng quy trình, bảo đảm tiêu chuẩn cho phép rồi mới thải ra môi trường.
“Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý mở rộng KCN Hòa Phú với diện tích tăng thêm là 150 ha, nâng tổng diện tích lên 331,73 ha. Cùng với đó, việc KCN đã có nhà máy xử lý nước thải sẽ là lợi thế để thu hút các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài nước vào đầu tư sản xuất, kinh doanh”, ông Đa Văn Minh, Giám đốc Công ty Phát triển hạ tầng KCN Hòa Phú.

Cũng như Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển An Thái, khi chưa có nhà máy xử lý nước thải, các doanh nghiệp trong KCN Hòa Phú phải tự tìm cách xử lý nước thải sản xuất. Chính vì thế, hầu hết nước thải của các công ty trong KCN khi thải ra môi trường vẫn chưa đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định. 

Hiện nay KCN Hòa Phú có 41 dự án, đầu tư với tổng vốn khoảng 2.181 tỷ đồng; trong đó có 24 dự án đang hoạt động, 14 dự án đang triển khai xây dựng, 3 dự án ngừng hoạt động. Tất cả các doanh nghiệp trên đều thực hiện ký kết hợp đồng thu gom và xử lý nước thải, tuy nhiên tổng lượng nước thải sản xuất còn rất ít so với công suất thiết kế của nhà máy. Ngoài ra, nhà máy cũng ký hợp đồng xử lý nước thải cho các công ty, doanh nghiệp hoạt động ngoài KCN. Với năng lực thực tế, nhà máy có thể đáp ứng việc xử lý nước thải sản xuất trong xu hướng phát triển KCN, gia tăng số doanh nghiệp đầu tư, hoạt động.
 
Thúy Hồng
 

Ý kiến bạn đọc


(Infographic) Kết quả kinh tế - xã hội quý I/2024 của tỉnh Đắk Lắk
Ngay từ đầu năm 2024, bám sát các nội dung chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh Đắk Lắk đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong quý I/2024 tiếp tục phát triển ổn định; một số chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch đề ra.