Multimedia Đọc Báo in

Nỗi ám ảnh khói bụi từ các cơ sở sản xuất gạch

07:21, 31/03/2017

Hàng chục năm qua, người dân trên địa bàn xã Ea Bông và thị trấn Buôn Trấp (huyện Krông Ana) luôn phải sống chung với khói bụi từ các cơ sở sản xuất gạch. Đáng nói, hầu hết các cơ sở sản xuất này đều không được cấp phép nhưng vẫn hoạt động liên tục trong một thời gian dài.

Ông Vũ Đình Tới (buôn Mlớt, xã Ea Bông) cho biết: “Sống ở khu vực có nhiều lò gạch, gia đình tôi hứng khói, bụi suốt hơn 20 năm nay. Hằng ngày, rất nhiều xe tải chở đất sét cho các cơ sở sản xuất gạch khiến một lượng lớn đất rơi xuống đường, khi có gió, bụi từ ngoài đường “tấn công” vào nhà dân. Bên cạnh đó, khói, bụi từ các lò gạch theo hướng gió bay vào dẫn đến nhà cửa, đồ dùng trong nhà liên tục trắng xóa vì bụi”.

Hàng loạt cơ sở sản xuất gạch không phép tại xã Ea Bông.
Hàng loạt cơ sở sản xuất gạch không phép tại xã Ea Bông.

Để hạn chế “bão bụi”, nhiều gia đình trên địa bàn xã Ea Bông đóng cửa kín mít cả ngày, dù thường xuyên lau chùi nhưng bụi vẫn… hoàn bụi. Bà Hồ Lan Hương (chủ tiệm bún phở trên đường Tỉnh lộ 2, xã Ea Bông) ái ngại: “Để phục vụ việc buôn bán, tôi phải mở cửa thường xuyên nên mỗi ngày phải hứng chịu một lượng bụi lớn từ các cơ sở sản xuất gạch và xe chở đất. Hơn hai tháng nay, xe chở nước đi tưới 2-3 lần/ngày trên đường nhưng chỉ được một lúc, bụi lại bay tung tóe. Do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có điều kiện chuyển đi nơi khác nên tôi và nhiều người dân ở đây đành phải chấp nhận sống chung với bụi”.

Theo phản ánh của người dân tại xã Ea Bông, khói bụi từ các cơ sở sản xuất gạch khiến cho nhiều mái nhà làm bằng tôn bị rỉ sét, hư hỏng. Không ít người, đặc biệt là trẻ em và người già thường xuyên bị các bệnh về đường hô hấp nên nhiều gia đình phải gửi con nhỏ đi nơi khác. Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra ở khu vực dân cư xung quanh các cơ sở sản xuất gạch tại thị trấn Buôn Trấp. Người dân đã nhiều lần phản ánh trong các cuộc họp ở địa phương, đề nghị các cấp chính quyền có biện pháp đối với vấn đề này nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.  

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Đình Chiến, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Krông Ana cho biết: “Nghề sản xuất gạch hình thành rất lâu tại địa phương, ban đầu hoạt động dưới hình thức thủ công để phục vụ nhu cầu xây dựng của bà con, sau trở thành nghề mưu sinh của nhiều người dân trên địa bàn và ngày càng được nhân rộng. Năm 2005, huyện đã chỉ đạo các cơ sở thay đổi hình thức đốt gạch bằng củi sang đốt bằng than đá. Trên địa bàn, hiện có hơn 60 cơ sở sản xuất gạch nằm ở xã Ea Bông, thị trấn Buôn Trấp, xã Bình Hòa. Trong đó, xã Ea Bông có khoảng 43 cơ sở, thị trấn Buôn Trấp 24 cơ sở và xã Bình Hòa có 2 cơ sở. Tuy nhiên, chỉ có 2 đơn vị là Công ty Việt Tân và Hợp tác xã Tân Việt được cấp phép”.

Bụi bay mù mỗi khi các phương tiện chở đất sét di chuyển.
Bụi bay mù mỗi khi các phương tiện chở đất sét di chuyển.

Ông Chiến cho hay, trong quá trình sản xuất của các cơ sở nói trên, người dân liên tục phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là bụi từ các lò gạch. Do vậy, huyện đã có văn bản chỉ đạo các xã đóng xe tưới nước trên đường, đồng thời, yêu cầu các cơ sở sản xuất gạch phải thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường, hạn chế sản xuất giờ cao điểm, liên tục tưới nước trong khu vực sản xuất. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng khuyến khích các cơ sở chuyển từ sản xuất gạch nung sang gạch không nung. Dự kiến, đến năm 2020, huyện Krông Ana sẽ thay thế toàn bộ việc sản xuất gạch nung bằng gạch không nung. “Việc chuyển đổi gạch nung sang gạch không nung là cả một bài toán nan giải đối với các cơ sở sản xuất, bởi so với giá gạch nung thì gạch không nung đắt hơn gấp 3 lần. Hơn nữa, chi phí để xây dựng lò gạch không nung cũng rất tốn kém nên đến nay trên địa bàn huyện chỉ mới có 1 cơ sở sản xuất gạch không nung. Bên cạnh đó, vấn đề đặt ra đối với việc chuyển đổi này là làm sao phải quy hoạch được nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất” – ông Chiến lý giải.

Cũng theo ông Chiến, vấn đề xử lý các cơ sở không phép cũng gặp không ít khó khăn đối với chính quyền địa phương. Nếu áp dụng đúng quy trình thì các cơ sở này phải đóng cửa. Trên thực tế, các cơ sở này giải quyết được số lượng lớn lao động nhàn rỗi tại địa phương. Do vậy, huyện đang nghiên cứu chuyển đổi ngành nghề cho các cơ sở này sang chăn nuôi, trồng trọt, đồng thời tham khảo, học hỏi cách quản lý, khai thác đất sét sản xuất gạch ở các địa phương khác để tìm cách tháo gỡ khó khăn.  

Hồng Nguyên


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.