Multimedia Đọc Báo in

Phụ nữ chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn

09:03, 29/08/2016

Thực hiện tiêu chí “sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ” trong cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” với nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, Hội LHPN thị xã Buôn Hồ đã góp phần quan trọng trong công tác tuyên truyền vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ và nhân dân trên địa bàn tham gia bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp.

Hơn 2 năm nay, chị Phan Thị Quỳnh (phường Bình Tân) luôn dùng giỏ nhựa khi đi chợ, mua bán hàng hóa như một thói quen. Đối với các loại thức ăn tươi sống cần để riêng như cá, thịt chị mới sử dụng túi nilon, các loại hàng khô thì gói bằng giấy, còn rau, củ, quả sẽ bỏ thẳng vào giỏ. Chị Quỳnh chia sẻ: “Trước đây, mỗi lần đi chợ, tôi lại mang về hàng chục túi nilon đựng thực phẩm. Thậm chí, khi mua đồ tươi, sống tôi còn còn xin thêm túi để bảo đảm vệ sinh. Những chiếc túi này sau khi đựng đồ xong thường đem bỏ chứ không thể tái sử dụng được, vừa lãng phí lại gây ô nhiễm môi trường”. Sau khi Hội LHPN phường thành lập mô hình “Phụ nữ hạn chế sử dụng túi nilon”, không chỉ riêng chị Trang mà thói quen của nhiều gia đình đã dần thay đổi. Ban đầu, nhiều người cảm thấy bất tiện nên chưa mặn mà với việc mang theo túi, giỏ nhựa mỗi lần đi chợ. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, nhận thấy những ưu điểm của vật dụng này như hạn chế túi nilon, gọn gàng, tránh rơi hoặc quên đồ, các chị em đã nhiệt tình hưởng ứng. Đến nay, trong mỗi buổi chợ, hình ảnh những chiếc giỏ nhựa, túi thân thiện với môi trường đã dần trở nên quen thuộc với người dân nơi đây.

Từ khi Hội Phụ nữ xã Ea Siên triển khai Mô hình “Phụ nữ tiết kiệm từ phế liệu” thì việc làm quen thuộc hàng ngày của chị Nguyễn Thị Hương (Chi hội phụ nữ thôn 6A) là thu gom rác thải tại gia đình, sau đó phân ra từng loại. Các loại rác thải hữu cơ như: lá cây, rau quả, vỏ trái cây, thức ăn thừa sẽ được gom vào một góc vườn ủ để trồng rau sạch; các loại rác không tái chế được sẽ cho vào túi nilon để xe thu gom rác mang đi. Riêng các loại phế liệu là bìa carton, vỏ lon bia, chai nhựa… sẽ được chị gom riêng để mỗi tháng 1 lần các thành viên trong Mô hình đến tận nhà thu gom, sau đó đem bán. Số tiền thu được dùng làm nguồn quỹ để thăm hỏi, hỗ trợ hội viên, phụ nữ trong Hội khi ốm đau hoặc gặp hoàn cảnh khó khăn. Chị Lê Thị Huệ, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã đồng thời là chủ nhiệm mô hình cho biết: “Xuất phát từ thực tế, hộ gia đình nào cũng có phế liệu như túi nilon, vỏ nhựa, chai lọ… nhưng sau khi sử dụng, chúng lại bị vứt bừa bãi vừa lãng phí, vừa gây ô nhiễm môi trường nên Hội Phụ nữ xã quyết định thành lập Mô hình “Phụ nữ tiết kiệm phế liệu” và triển khai đến tất các các chi hội. Mô hình này không những giúp chị em ý thức được giá trị của những thứ phế phẩm từ sinh hoạt gia đình mà còn góp phần nâng cao ý thức cho người dân về tác hại của rác thải đối với môi trường sống”.

Hội viên phụ nữ tham quan mô hình
Hội viên phụ nữ tham quan mô hình "Buôn tôi xanh - sạch - đẹp" tại Buôn Trắp.

Phát huy vai trò phụ nữ trong công tác bảo vệ môi trường, năm 2015, Hội LHPN xã Ea Đrông đã xây dựng mô hình điểm “Buôn tôi xanh-sạch-đẹp” tại Buôn Trắp, với việc trồng 100 cây sao đen dọc 2 bên đường liên xã. Hội đã làm việc với UBND xã Ea Đrông để huy động kinh phí và vận động cán bộ, hội viên, nhân dân tham gia trồng cây theo đúng quy cách để nêu cao tinh thần trách nhiệm của người dân trong việc trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh. Đầu năm 2016, Hội LHPN xã tiếp tục nhân rộng mô hình với việc trồng 100 cây Bơ Booth dọc tuyến đường này vừa tạo bóng mát vừa mang lại hiệu quả kinh tế.

Để thiết thực bảo vệ môi trường, hưởng ứng cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, các cấp Hội phụ nữ trong toàn thị xã đã chủ động thành lập 22 tổ thu gom rác thải do phụ nữ đảm nhận ở các thôn, buôn, thu rác vào ngày chủ nhật trong tuần. Bên cạnh đó, nhận thấy một số nhà sinh hoạt cộng đồng và hơn 800 gia đình hội viên chưa có công trình vệ sinh, Hội LHPN thị xã đã triển khai mô hình 10+1 và 20+1 (10 hoặc 20 hộ giúp 1 hộ có nhà vệ sinh), qua đó đã xây được 66 công trình vệ sinh; 63 nhà vệ sinh cho phụ nữ nghèo.

Những hoạt động thiết thực của phụ nữ thị xã Buôn Hồ không chỉ góp phần xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp mà còn nâng cao nhận thức cho người dân, từng bước đưa công tác bảo vệ môi trường trở thành trách nhiệm của cả cộng đồng.

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.