Multimedia Đọc Báo in

Làng Chăm Châu Giang đón Tết

10:24, 20/01/2020

Chúng tôi tìm về làng Chăm (thuộc xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang) trong những ngày cuối năm se sắt gió.

Cùng với người Kinh, người Chăm đang háo hức chuẩn bị trang phục, thực phẩm, sửa sang trang hoàng nhà cửa đón Tết. Tết Nguyên đán không phải là tết cổ truyền của dân tộc Chăm nhưng cùng với cộng đồng người Kinh, Hoa, Khơ me, người Chăm cũng rộn ràng, háo hức đón Tết.

Đến làng Chăm vào một buổi sáng trong trẻo, tôi nhận ra sắc màu Chăm qua hình ảnh những cô gái, những người phụ nữ mặc váy chấm mắt cá chân, đầu trùm khăn kín mít để lộ khuôn mặt trắng ngần với nụ cười xinh xinh. Các cô gái Chăm, các chị, các mẹ đang nô nức chuẩn bị vải vóc, khăn đội đầu, váy đầm mới đón Tết. Cách đội khăn của phụ nữ Chăm cũng có nhiều kiểu: phủ lên mái tóc, quấn trên đầu, quấn chữ nhân, khăn to hơn phủ từ đầu xuống rồi quàng qua vai… Những bộ trang phục mặc trong dịp Tết tươi sáng hơn trang phục thường ngày, họa tiết trang trí tỉ mỉ, khéo léo, chứng tỏ cảm thức thẩm mỹ luôn hiện hữu trong đời sống của người Chăm.

Các cô gái Chăm.
Các cô gái Chăm.

Người Chăm có hai ngày lễ lớn trong năm, gọi là “Păng Ka tê” để tế các vua Chăm thuở xa xưa có công xây dựng vương quốc Chăm hùng mạnh và “Păng Cha pư” để cúng hoàng hậu, công chúa Chăm thuộc dòng họ mẹ, tượng trưng cho khí âm. Còn ngày Tết đầu năm (trùng với Tết của người Kinh) được gọi là Rija Nưgar diễn ra trong hai ngày. Làng Chăm thường tổ chức lễ chung, sau đó thì mỗi nhà có thể tổ chức riêng tương tự như Tết Nguyên đán của người Kinh. Tết đến, đồng bào Chăm cũng xôn xao chuẩn bị những món ăn truyền thống. Một số món ăn người Chăm thường làm trong dịp Tết là “Ga Pội” (giống như cà ri) với thành phần chính là thịt bò, dầu dừa, dừa, dầu lạc và ớt chín; món “Pài Pa Gênh” (còn gọi là canh thính) với thành phần chính là thính, cà ri, cà pháo, đu đủ sống, củ cải, cà rốt, trái bứa và ít mắm bò hóc (prahoc) cho đậm đà hương vị. Ngoài ra còn có món dê nước xiên, mắm cá lòng tong, cơm nị - cà púa… nghe tên có vẻ lạ lẫm nhưng khi thưởng thức mới thấy được cái hồn ẩm thực Chăm pa.

Một gia đình người Chăm ở làng Chăm Châu Giang.
Một gia đình người Chăm ở làng Chăm Châu Giang.

Người Chăm có thói quen đi xin lỗi nhau mỗi khi Tết đến. Họ xin lỗi, nhận sai với nhau, người này xin lỗi người kia thứ lỗi rồi cùng ăn bánh uống trà, chúc tụng nhau. Để thể hiện tình đoàn kết dân tộc, người Kinh thường gói bánh tét và biếu người Chăm mỗi khi Tết đến, chia sẻ niềm vui cùng lời chúc năm mới an lành thịnh vượng. Người Chăm theo đạo Hồi kiêng cữ thịt heo, vì thế mà đồng bào Kinh nơi đây không bao giờ biếu bánh tét nhân thịt mỡ cho người Chăm. Sự thấu hiểu văn hóa, tín ngưỡng, phong tục tập quán lẫn nhau càng thắt chặt thêm tình đoàn kết của cộng đồng các dân tộc Kinh, Hoa, Khơ me, Chăm. Những lớp học song ngữ Chăm - Việt được tổ chức, nhiều người con dân tộc Chăm sống trên đất An Giang đã thành tài, theo học tiếp cấp bậc đại học hoặc du học sang nước khác.

Hoàng Khánh Duy


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.