Multimedia Đọc Báo in

Mùi hương Tết xưa

18:39, 10/02/2021

Trong cuộc đời mỗi người, ai cũng đã từng có lúc “hạnh ngộ” những mùi hương. Có những mùi hương đến rồi đi nhẹ như cơn gió lúc chiều về.

Nhưng cũng có những mùi hương đến rồi ở lại, ở hoài, dai dẳng, vấn vương có khi dài suốt cả một đời người. Đó là mùi hương tết xưa. Một thứ mùi ngỡ như không ai còn nhớ, bởi cứ lặng im, ngủ vùi trong ký ức của bao người, để rồi đến lúc xa quê, mỗi năm cứ gần những ngày giáp tết lại vội vàng thức dậy.

Nói đến mùi hương tết xưa, tôi nhớ đủ thứ mùi nhưng cái mùi đầu tiên gợi nhớ da diết là mùi của củi. Cái bếp đầy bồ hóng đen kịt, mẹ chất lên giàn bếp những bó củi để dành cho tết. Cả năm, chị em tôi chỉ nấu nướng bằng vỏ trấu, bằng lá cây khô, đến tết mới dám chẻ củi nấu bánh chưng và nấu các món cúng ông bà. Cái bếp vì thế suốt ngày đỏ lửa, khói bay nghi ngút. Thoảng trong không gian một thứ mùi như mùi hăng hắc của vỏ cây, mùi của thời gian đọng lại. Xen trong mùi khói của củi là mùi nồi măng hầm chân giò. Mùi béo béo, ngậy ngậy của thịt heo hòa với mùi ngọt ngọt, nhẫn nhẫn của những sợi măng khô đã xé nhỏ, thêm một ít miến dong, nêm đủ thứ gia vị, rắc một chút hành ngò, hạt tiêu giã nhỏ đã kích thích cả thị giác, khứu giác và vị giác khiến mấy chị em tôi mong ước là mau được ăn cái món hấp dẫn, quyến rũ đó khi đã xong lễ cúng tất niên.

 Rồi mùi nhân bánh chưng, một thứ nhân không làm bằng thịt heo mà từ những hạt đậu xanh đãi vỏ nấu chín, giã mịn, nêm nếm gia vị xào khô với dầu đã phi hành. Tôi ngồi nhìn mẹ gói bánh, nhìn những chiếc lá chuối gói trọn những hạt nếp trắng ôm trong lòng mình những hạt đậu, chợt liên tưởng đến tình bà con, họ mạc, xóm giềng vui buồn, sướng khổ có nhau qua bao mùa mưa nắng nơi thôn trang. Tình người, tình quê hiện hữu trong chiếc bánh thơm mùi nhân đậu xào, thơm mùi lá chín cứ quấn quýt mãi trong ba ngày tết. Những chiếc bánh chưng ngon nhất, đẹp nhất, vuông vức nhất được mẹ đặt lên bàn thờ cúng ông bà. Cây nhang thắp lên thơm phảng phất khắp ngôi nhà tranh bé nhỏ. Mùi nhang cho tôi cảm giác thành kính, biết ơn người đã khuất, ấm áp tình mẹ, tình chị em gái, phút chốc khoảnh khắc hạnh phúc ùa về làm nước mắt cứ chực rơi trong giây phút đón giao thừa.

Minh họa: Trà My
Minh họa: Trà My

Đi qua đủ thứ mùi hương tết, mùi mứt gừng, mùi bánh thuẫn, mùi bánh ít nhân mặn..., lòng rộn rã nhớ mùi dưa chua. Một thứ dưa được làm từ những cọng cải ngồng. Quê tôi vào tháng Chạp, những bông cải ngồng cứ rủ nhau nở vàng cả một bãi bồi ven sông. Những bông cải mang một vẻ đẹp bình dị, mộc mạc như con gái làng cứ đến mùa đông về lại khoe sắc đầy nết na và đức hạnh. Những bông cải theo lá, theo cây về với người để rồi thành một thứ dưa ngon nhất trên đời qua tay mẹ. Dưa cải ngồng đượm màu vàng nằm bên mâm cúng đầu năm có dưa món, bánh chưng, măng hầm chân giò, miến xào lòng gà, chả ram, thịt heo nướng cuốn lá chanh hòa quyện đủ thứ mùi chua cay mặn ngọt nói hộ niềm mong ước của bao người dân quê về một năm mới đủ đầy, được mùa lúa mới. Sau những mùi hương tết, trong ký ức mình, tôi nhớ thứ mùi đặc biệt, đó là mùi thịt, mùi đậu, mùi lá, mùi khói, mùi gia vị, mùi khó nhọc, tảo tần trên hai bàn tay mẹ, hai bàn tay suốt đời chỉ biết làm lụng, nấu nướng dọn dẹp vất vả và lo toan.

Mùi hương tết xưa. Cái mùi không hiện hữu, không nắm được, tưởng đã chìm khuất trong hàng trăm thứ mùi của cuộc sống ồn ã, xô bồ thời hiện đại nhưng thật kỳ lạ, vẫn cứ sống mãi trong tâm khảm mỗi người xa xứ, để cứ đến những ngày giáp tết không hẹn mà trở lại nhắc ta nhớ rằng mình luôn có một nơi để về, đó là quê hương.

Mai Lan Anh

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.