Multimedia Đọc Báo in

Nhớ những tiếng rao khuya

09:30, 22/11/2019
Phố có những ngày buồn đến lạ, lòng cứ ngẩn ngơ nhớ thương một điều xưa cũ. Trong hoang hoải của bóng đêm, của thao thức, những tiếng rao khuya vọng về từ tiềm thức.

Tôi nhớ căn gác trọ trên tầng hai hồi mới chuyển tới trọ học. Từ gác trọ, xuyên qua khung cửa sổ phố hiện lên những hàng xà cừ cổ thụ ngay ngắn xõa tàng lá sum suê và ánh đèn đường vàng lợt mỗi khi màn đêm buông xuống. Thói quen cũ từ rất lâu, tôi mở toang cửa sổ đón chút gió ghé vào. Những đêm học bài thật khuya, cứ tưởng một mình đơn côi, lẻ loi ở xứ lạ nhưng những tiếng rao đã ủ ấm, nhen nhóm lòng tôi cảm giác thật ấm áp, bình yên.

Ở quê tôi không có những tiếng rao khuya, không có những ánh đèn thắp sáng thâu đêm. Mỗi khi màn đêm buông xuống là một màu đen tuyền, tĩnh mịch. Đôi khi tôi cảm tưởng rằng ở phố mọi thứ như không ngủ. Tôi ngồi bên khung cửa sổ, lắng nghe những tiếng rao khuya. Lần thì là tiếng rao của người phụ nữ bán xôi: “Ai xôi lạc, xôi khúc, xôi đỗ đen không?”; lần khác lại là tiếng rao của người đàn ông luống tuổi bán ngô: “Ai ngô luộc không?”, hoặc tiếng rao của một cậu thanh niên bán bánh mì: “Bánh mì đê…”.

Đều đặn, tràng âm thanh đó đều đặn vang vọng kể từ khoảng mười một giờ đêm trở đi ngày nắng cũng như ngày mưa, ngày nóng cũng như ngày lạnh. Mỗi tiếng rao mang lại cho tôi những cung bậc cảm xúc khác nhau.

Có tiếng rao nằng nặng như tiếng của người miền Trung, có tiếng rao như thắt lại kéo dài mới dứt, có tiếng rao trầm bổng. Trong mỗi tiếng rao luôn ẩn chứa đằng sau đó một hoàn cảnh, chất chứa một phận người...

                                                                                        Minh họa: Trà My
Minh họa: Trà My

Âm thanh của tiếng rao khuya thân thuộc đến nỗi khi chưa nghe được tôi lại thấy lòng nôn nao nhớ. Năm tháng sinh viên nghèo, ăn đêm hay ăn khuya quả thực là một điều xa xỉ dẫu rằng rất muốn chạy xuống phố mua giúp cô bán xôi, chú bán ngô và anh thanh niên bán bánh mì.

Một lần, vì quá đói và mệt, tôi đã chạy theo tiếng rao của một phụ nữ mua một hộp xôi đỗ đen. Cô nhìn tôi với ánh mắt trìu mến, vừa bới xôi vào hộp cô vừa nói: “Sinh viên nghèo nên cô thêm cho cháu một chút ăn cho no nghen”. Lòng rưng rưng vì sự quan tâm của một người lạ giữa phố xá. Tôi cảm ơn cô, quay đi giấu những giọt lệ hoen mi. Tôi bắt gặp hình ảnh của mẹ nơi cô. Khuôn mặt cô gầy gò, tần tảo. Và chắc có lẽ cô cũng là một nông dân giống mẹ lên phố mưu sinh.

Sau khi tốt nghiệp, có việc làm, tôi vẫn đợi tiếng rao khuya của cô để mua hộp xôi và trở thành khách hàng thân thiết của cô. Có hôm vắng nhà về quê, hôm sau lên phố gặp cô, cô hỏi han như người thân ruột thịt. Tôi chuyển trọ, cũng vì thế mà không gặp lại được cô. Nơi ở mới, phố vẫn văng vẳng những tiếng rao nhưng lại là những tiếng rao được thu sẵn trong đài cát - xét. Tôi bỗng thấy nhớ một tiếng rao trầm bổng của khu trọ cũ.

Phố chạm đông. Cái lạnh tê tái đến cắt da cắt thịt. Những tiếng rao khuya vẫn vang lên. Ngồi trong phòng rất nhiều lần tôi tự hỏi không biết có bao nhiêu người mua hàng cho những người rao đêm? Và biết bao giờ mủng xôi, nồi ngô luộc mới vơi? Những tiếng rao đêm với nhiều âm sắc khác nhau, giống như một bản hòa ca cho phố về đêm. Giây phút dõi theo những vòng xe bán dạo lạo xạo trong đêm đông gió buốt, những tiếng rao thao thiết khiến lòng tôi vương vấn bồi hồi…

Nguyễn Văn Chiến


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Một thuở chăn trâu
09:09, 17/11/2019
Khi nhà mất điện
09:31, 03/11/2019
Lũ về...
14:49, 28/10/2019
Bóng hình của mẹ
08:57, 20/10/2019
(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.