Multimedia Đọc Báo in

Một góc hồn quê giữa ồn ào phố thị

08:35, 08/09/2019
Tôi không phải người sinh ra ở phố nhưng phố nghĩa tình đã bao dung tôi qua bao mùa bằng lăng nở rồi lại tàn. Nói cách nôm na tôi đúng là dân quê lên phố, ở phố bao năm mà lòng vẫn trông về làng quê cũ. Cứ mỗi lần đi đâu đó bắt gặp một gánh hàng rau, trái quê hái từ vườn là lòng lại nao nao nhiều nỗi niềm hoài vọng miền cố xứ.

Sinh ra ở một làng quê miền sông nước, tuổi thơ tôi đã quen với dòng sông, con đò, hàng dừa nước, rặng trâm bầu... Quen với cái nắng chang chang ngoài đồng, quen với dòng kênh trưa hè tắm mát. Vậy nên những giọt phù sa đã lắng đọng vào lòng thành những mạch ngầm dai dẳng, khó lòng khỏa lấp. Nỗi nhớ cũng vì thế mà muôn hình vạn trạng, khi sâu lắng khi ầm ào. Tôi có thói quen cuối tuần hay dong xe ra ngoại ô thành phố uống cà phê, vừa tạm tránh xa ồn ào phố thị và cũng một phần vì những rổ rau, con cá của người dân từ vườn đem ra bán.

Tôi hay ghé trò chuyện với một bà cụ ngoài sáu mươi. Bà không bày biện trên quầy hay sạp, vài bó rau, củ từ vườn nhà được bà chăm chút, bó tỉa gọn gàng. Mái tóc đã lấm tấm màu mây trời, không tiếng rao mời gọi, bàn tay nhăn nheo lặng thầm sắp xếp từng mớ rau, vài loại cây trái vừa hái được. Trên những chiếc rổ tre, hôm có khổ qua, bông súng, bí đao, bầu, khi thì cải trời, rau má, ngò om..

. Bà vừa bó lại từng bó rau vừa tiếp chuyện khách, hỏi han quan tâm như với một đứa cháu quen ghé thăm. Chỉ là vài ba câu chuyện vườn tược như hôm nay vườn ngập ít rau, hay do không phun xịt nên rau hơi cằn cỗi. Bà cũng hay hỏi thăm mấy đứa con tôi học hành thế nào. Bữa hôm nghe đứa nhỏ bị cảm, bà cho nắm tía tô bảo về nấu cháo ăn giải cảm. Trả tiền nhưng bà nhất quyết bảo bà cho, không nhận tiền, quà vườn có đáng là bao.

Minh họa: Trà My
Minh họa: Trà My

Đúng là mấy ngọn rau ấy không đáng là bao về vật chất nhưng với tôi điều ấy mang một ý nghĩa vô giá về mặt tinh thần. Giữa nhịp sống gấp gáp này, giữa phố xá chộn rộn đua chen có bao người sống tình nghĩa, thật thà với nhau. Tôi mua rau bà thường thêm vào vài trái ớt, mua cà chua khóm nấu canh chua bà thêm nào ngò gai, rau tần dày lá, quế... Có đưa thêm tiền cho phần thêm ấy bà cũng không nhận.

Có hôm trời mưa, những dòng xe lao vút qua để kịp về tránh cơn mưa, vẫn thấy dáng bà ở lại, cặm cụi che vội mớ rau, sắp mấy bó hành lại để tránh dập. Tôi ngừng xe lại, mua giúp bà hết mớ rau trái còn trong rổ. Có vậy thôi mà ánh mắt buồn bã bỗng sáng lên rạng rỡ. Vừa bán vừa cho, bà nắm tay tôi bảo về nhanh kẻo mưa. Nhìn qua kính chiếu hậu, tôi thấy bà lụi hụi dọn lại mấy cái rổ tre, bóng dáng liêu xiêu giữa màn mưa mờ mịt. Giữa nhịp sống vội vã của phố, may quá cho tôi và cho những ai từ quê lên phố, vẫn còn những góc nhỏ cho mình nương náu nỗi nhớ làng quê. Một giọng nói vùng miền, một cái rổ tre, vài con khô, con ốc,… thôi cũng đủ làm bao tâm hồn xa quê vơi bớt nỗi lòng xa xứ.

Cũng vì những thân tình như thế mà mỗi bận đi ngang chỗ nào đó bán đồ từ vườn là tôi lại ghé mua. Tôi ghé lại đôi khi không hẳn cần mua một món gì, ghé lại chỉ để hỏi thăm vài câu, nhìn ngắm chùm bông súng tím, bông điên điển vàng. Ngắm nụ cười nhăn nheo, nghe bà cụ vùng bán rau vùng ngoại ô dặn dò vài thứ, để thấy lại bóng má tôi nơi quê nhà cũng cần mẫn với từng con cá, cọng rau nuôi chúng tôi khôn lớn, để thấy lại một góc hồn quê bình yên xanh non màu cải trời, nghe vọng về câu hát ''còn thương rau đắng mọc sau hè'' và thấy cả bảng lảng vệt khói lam chiều trên mái nhà lấp loáng bóng hoàng hôn…

Phong Dương

 


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.