Multimedia Đọc Báo in

Nhớ rặng trâm bầu…

09:21, 30/03/2019

Ngày trước, ở quê tôi có rất nhiều rặng trâm bầu. Chúng mọc khắp nơi, từ bờ đê, đường làng, sau vườn nhà cho đến những bãi bồi ven con sông quê.

Chẳng ai trồng (vì không có giá trị) mà chúng tự mọc, mọc rất nhanh, chịu được sự khắc nghiệt dưới bất kỳ thời tiết nào, loại đất nào nên bao giờ cũng um tùm thành hàng, thành rặng. Những rặng trâm bầu lớn nhanh như thổi, tỏa bóng mát cả một vùng. Tuổi thơ tôi gắn liền với cây trâm bầu như thể giếng nước, cây đa, mái đình làng...

Chẳng biết từ đâu có cái tên trâm bầu lạ đời đến như vậy. Chỉ biết loài cây này có nhiều trò để lũ trẻ quê chúng tôi vui đùa. Thân trâm bầu rất dẻo nên chúng tôi thường chọn những nhánh to, thuôn dài để đẽo kiếm, dao gỗ đánh trận giả; đứa nào khéo tay, chịu khó thì có thêm một vài "bảo bối" như dao, đao, ná... Hầu như mỗi cậu bé trong xóm đều có một loại "vũ khí" bằng cây trâm bầu. Để có một thanh kiếm đẹp, trẻ con chúng tôi đi tìm nhánh trâm bầu to ưng ý róc bỏ lá, bào vỏ rồi đẽo kiếm theo ý thích của mình, sau đó mang kiếm gỗ đi phơi nắng cho khô, bóng nhẵn. Cứ mỗi chiều, khi cái nắng chói chang dịu lại, cả đám trẻ trong xóm kéo nhau ra đồng thả diều, đá dế, đánh trận giả... Dù đánh nhau bằng "vũ khí" nhưng chúng tôi có quy ước không làm tổn thương bạn bè, phải hết sức cẩn thận để không chạm vào mắt, đầu, bụng... bạn mình. Vì thế mà bọn trẻ con chơi đánh trận rất vui vẻ, hòa nhã. Trong những trò chơi hàng quán, lá trâm bầu cực kỳ hữu dụng cho việc dùng làm tiền giao dịch. Lá lớn mệnh giá gấp đôi giá nhỏ. Chỉ có lá trâm bầu lành, không bị sâu đục lỗ mới được chọn làm tiền.

                                                                                                                                                    Minh họa:   Trà My
Minh họa: Trà My

Trâm bầu còn là nơi cư ngụ của loài kiến dương một sừng độc đáo. Sau mỗi lần tan học, chúng tôi thường mang theo một chiếc hộp nhựa để leo lên cây trâm bầu tìm bắt kiến dương cho vào hộp. Rồi sau đó cả nhóm khoe nhau con nào to hơn, chiến hơn, được thể hiện qua chiếc sừng độc đáo trên đầu. Chúng tôi thường buộc sợi chỉ vào cổ kiến dương cho chúng bay lượn hoặc mang chúng bỏ vào chiếc thau to để "tỉ thí". Dù không máu lửa như dế nhưng kiến dương vẫn có sức hút riêng. Cả hai con vật húc nhau nhau trông thật ngộ nghĩnh.

Trong việc học, trái trâm bầu còn được biết đến như loại bút màu kỳ diệu của trẻ con quê nghèo. Ngày đó hộp bút chì màu rất đắt nên trẻ con nghèo xóm tôi tìm những màu từ cây lá vườn nhà để sử dụng trong môn tập vẽ. Tôi hay hái trái trâm bầu tách lấy hạt nhỏ hình ovan rồi tô lên giấy vẽ. Màu của hạt trâm bầu vàng tươi, ăn giấy, phù hợp với những hình vẽ có diện tích tô màu nhiều. Dù vở giấy trắng hay giấy vàng thì màu vàng thiên nhiên này vẫn thể hiện rất rõ nét. Tuy nhiên, sau mỗi lần vẽ, đôi tay của tôi lem luốc màu vàng cứng đầu, cọ rửa đến cả tuần không hết.

Trâm bầu gần gũi với trẻ con nhưng cũng là “nỗi ám ảnh” kinh khủng. Những lần chúng tôi làm sai, ham chơi, lì lợm, ba mẹ hoặc ông bà thường bẻ một nhánh trâm bầu nhỏ, tuốt lá rồi đét vào mông. Đau không thể tả. Thêm nữa, hạt trâm bầu thường được cha mẹ nấu nước uống để trị giun cho lũ trẻ. Chao ôi, cái vị đắng sao mà ám ảnh đến thế, cứ nghèn nghẹn ngay cuống họng.

Giờ thì ở quê những rặng trâm bầu không còn nữa. Người ta đã đốn sạch để trồng những cây có giá trị kinh tế cao. Có chăng chỉ là một, hai cây mọc lẻ loi trên các gò đê xa tít tắp. Những lần về thăm nhà, tôi hay chạy một mạch ra đồng chỉ để tìm những cây trâm bầu cô đơn ôn lại kỷ niệm đẹp thời thơ ấu. Để rồi tôi say theo men đất trời, chạy ngược về miền ký ức thân thương. Nơi ấy, có những rặng trâm bầu xanh um trải dài ngút mắt...

Nguyễn Hoàng Duy


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.