Multimedia Đọc Báo in

Đường làng yêu dấu

10:37, 27/11/2018

Một chiều về quê, đi trên đường làng thân thuộc mới hay ta đã xa chốn thân thương cũng mười năm có lẻ. Thấy đường làng nay khác xưa nhiều quá, được đổ bê tông sạch sẽ, đế guốc, gót giày chạm vào lộc cộc. Xưa, đường làng của ta chỉ là đường đất đỏ, sỏi đá lô nhô, ổ gà nhiều không đếm xuể, phía hai bên đường hoa cỏ ngát xanh.

Chắc hẳn ai từng sinh ra và lớn lên ở chốn quê sẽ không bao giờ quên được những con đường làng. Tuổi thơ ta, in không biết bao nhiêu dấu chân, ngã không biết bao lần trên đường làng này. Cũng trên con đường ấy, ta đã có một thời hoa niên tươi đẹp với đám bạn trong làng. Tuổi thơ ta nghèo khó, một buổi đến lớp, buổi còn lại ra đồng chăn trâu, bò. Con đường làng tươi đẹp quanh co với lũy tre xanh đầu xóm, với hàng xoan chạy dọc ra đồng và những cây bạch đàn mùa đông về chèo bẻo đậu đen cành cây gần gụi và thân thiết như một người bạn đồng hành suốt cả tuổi thơ. Rảo bước trên đường làng, lòng ta bình yên, chẳng nơm nớp lo sợ mình sẽ bị lạc như đi trên những xa lộ hiện đại, hay một cung đường nào mới mẻ mình bất chợt đi ngang.

Minh họa:   Trà My
Minh họa: Trà My

Con đường làng được ướp hương thơm vào mỗi mùa gặt tháng năm và tháng mười. Rơm rạ sau mùa gặt, người dân rải kín khắp mặt đường. Khi ấy, đường làng sẽ trở thành con đường rơm bồng bềnh thơ mộng mà nhẹ nhàng êm ái như lời ru khi xưa của mẹ thuở ta nằm nôi. Rơm rạ của lúa tẻ, lúa nếp, bùn nâu và cả mùi mồ hôi khó nhọc những người nông dân lam lũ, một nắng hai sương như cha mẹ ta đổ xuống. Mùi hương mộc mạc, giản dị nhưng cũng là mùi ta luyến lưu nhất mỗi khi nghĩ về quê hương. Nhớ ngày còn nhỏ, hai chị em vẫn thường dắt tay nhau đi dưới đường quê vào mỗi vụ gặt như thế. Trong ánh nắng ban chiều đổ vàng óng ả, chị cúi xuống nhặt những cọng rơm tết búp bê, làm đồ chơi. Chị bảo khó khăn chỉ là ở hiện tại, tương lai phụ thuộc vào mỗi chúng ta cố gắng như thế nào. Lời chị nói đã hơn hai mươi năm qua nhưng sao ta vẫn thấy như mới ngày hôm qua, rất gần và đong đầy những yêu thương.

Ở đường làng quê ta, chẳng cần ai trồng, ai chăm mà hai bên đường hoa nở bốn mùa. Thu về, cỏ may ken kín lối đi, biêng biếc tím một màu hoài niệm; đông sang cỏ mần trầu mọc trắng, li ti nở những chùm hoa tinh khôi, và xuân sang, hoa xuyến chi mộc mạc bung xõa những cánh hoa trắng muốt điểm xuyên màu nhụy vàng vàng. Đó là đặc trưng, là đặc biệt mà tạo hóa đã ban phát cho những miền quê yêu dấu bình yên như quê ta.

Từ chông chênh, gập ghềnh đường làng, ta bước ra phố thị. Những ngày đặt chân tới miền đất mới, lòng hoang hoải vô cùng, thấy nhớ quê vô tận. Đường phố hiện đại nhưng lòng ta thì trống rỗng, kèm một chút sợ hãi. Đôi khi, thèm bản thân cứ mãi bé nhỏ để được quẩn quanh bên cha mẹ, bên đường làng thân thương.

Hiện tại và quá khứ là hai thứ không thể tách rời. Đường làng hôm nay là hiện hữu của sự chịu thương, chịu khó, sự đồng lòng quyết tâm vươn lên của quê nghèo. Chốn quê là nơi mà khi về già người ta thường mong muốn được gắn bó, khi đã đi không biết bao nhiêu con đường của cuộc đời. Và ta cũng vậy. Ước nguyện cuối đời chỉ muốn được trở về quê hương, về đường làng quê yêu dấu. Chẳng có hình ảnh nào có thể thay thứ trong lòng bằng hình ảnh con đường làng thân thuộc.

Ngày trở về, bước chân ta như nhỏ dại, đạp phải cọng cỏ mần trầu vệ đường, lòng lại nao nao về một thời tươi đẹp…

Tăng Hoàng Phi

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nỗ lực ngăn chặn “tín dụng đen” xâm nhập học đường
Mặc dù các lực lượng chức năng của tỉnh Đắk Lắk liên tục có các biện pháp trấn áp, truy quét, nhưng các ổ nhóm "tín dụng đen" vẫn có dấu hiệu hoạt động trái pháp luật. Hiện nay, học sinh là nạn nhân mà các đối tượng này hướng đến.