Multimedia Đọc Báo in

Mát lành sông quê

08:47, 22/07/2018

Như nhiều đứa trẻ ở vùng quê có “đặc sản” gió Lào, cát trắng, tuổi thơ tôi gắn liền với dòng sông Gianh (còn gọi là sông Linh Giang) xanh mát, dung dị với biết bao kỷ niệm khó phai mờ.

Nhà gần bến sông, nên ngày bé tôi thường chạy theo mẹ xuống bến gánh nước, rửa rau, tắm giặt. Ngày đó giếng làng khan hiếm (vì chẳng mấy ai có điều kiện kinh tế để đào), sông trở thành nguồn nước mát bất tận cho bà con xóm làng. Vì lẽ đó mà khu vực bến sông, từ sáng, trưa, chiều, tối, gần như bất kể thời điểm nào trong ngày cũng có người xuống lấy nước, nói cười, chuyện trò rôm rả.

Ở gần sông, nên đám trẻ trong làng đều phải thích nghi với cuộc sống vùng sông nước, đó là biết bơi, lặn. Bọn tôi chậc lưỡi, rỉ tai nhau rằng, chỉ cần bị uống nước sông vài lần, thể nào cũng sẽ biết bơi. Chẳng được ai dạy, chúng tôi tự tập bằng cách kiếm can nhựa để ôm, chân đạp nhịp nhàng lên mặt nước. Còn một cách khác mà lũ trẻ trong làng đứa nào cũng biết và làm theo, đó là cho chuồn chuồn cắn rốn! Không biết, “bài thuốc thần” này do ai truyền lại, nhưng đám con nít chúng tôi luôn cho đó là lẽ dĩ nhiên. Mang khao khát được bơi giỏi, nhiều đứa nghiến răng chịu đau cho chuồn chuồn cắn rốn dăm ba lần!

Minh họa:  Trà My
Minh họa: Trà My

Với tụi tôi, thích nhất là tắm sông vào trưa hè. Khi cái nắng rát của miền Trung như muốn xuyên qua da thịt, thì được ngâm mình dưới làn nước mát rượi còn gì hạnh phúc bằng. Vì vậy không ít lần, tôi trốn mẹ theo đám bạn ra sông để thỏa thích bơi lội, thi ngụp lặn, nín thở dưới nước, chơi tôm tép… Có hôm, cả đám còn thách đố nhau xem ai lặn qua đáy thuyền nhanh hơn. Dĩ nhiên, đứa nào cũng lặn qua, nhưng chỉ riêng tôi, suýt chút nữa đã không thể ngoi lên khỏi mặt nước. Lại có hôm, ngâm mình dưới nước cả tiếng đồng hồ, da đứa nào cũng nhăn nheo, mắt đỏ kè nhưng vì sợ mẹ đánh đòn, nên cả đám còn đứng dang nắng, chờ tóc, quần áo khô bớt mới dám về nhà.

Sông quê có một cồn cạn, nhưng chỉ khi nước rút (thủy triều xuống), cồn cạn giữa lòng sông mới nổi lên, mang về cho làng quê nghèo không biết bao sản vật. Tranh thủ khi nước xuống, bà con trong xóm xách thau, mủng ra cồn cào hến, xúc tép tôm, bắt cá. Được ba mẹ cho đi cùng, tạo “công ăn việc làm”, tụi tôi vô cùng thích thú. Mặc cho đôi tay nhỏ xíu mò mẫm cào xới sỏi đá, mắt đỏ ngầu tìm kiếm dưới làn nước, tóc rối bù thoang thoảng mùi rong rêu, tụi tôi vẫn vô cùng hãnh diện khi được cùng mẹ mang về nhà một thau hến đầy. Không cười tít mắt sao được, bởi nhờ nguồn thủy sản dồi dào ấy mà lũ trẻ ở xóm nghèo như chúng tôi có thêm những bữa ăn tươm tất, ngọt lành!

Mới đó thôi mà thời tắm mát sông quê cùng lũ bạn đồng niên nghịch ngợm giờ chỉ còn là những kỷ niệm. Lũ trẻ với những mong ước giản đơn năm nào giờ đã trưởng thành, mỗi đứa một phương lập nghiệp. Thỉnh thoảng rảnh rang, chúng tôi lại về với quê hương để được thỏa thích ngắm nghía, chơi đùa bên dòng sông kỷ niệm, để được sống lại thuở bình yên, hạnh phúc tuổi thần tiên.

Song Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Heo đất ấu thơ
08:51, 15/07/2018
Ký ức những mùa bóng
08:37, 08/07/2018
Dáng quê
08:55, 30/06/2018
Nhớ quà quê…
08:33, 26/06/2018
Chái nhà
07:02, 24/06/2018
(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.