Multimedia Đọc Báo in

Ký ức những mùa bóng

08:37, 08/07/2018

Tuổi thơ, tôi theo đám bạn đồng niên tung tăng khắp xóm làng để cùng chơi đá bóng, bắn bi, chơi ống thụt, gọt kiếm gỗ… mang theo một ước mơ rất hồn nhiên của con trẻ, đó là lớn lên sẽ trở thành cầu thủ nổi tiếng thế giới!

Ngày ấy, ti vi, điện thoại di động, Ipad, máy vi tính… là thứ hàng xa lạ và xa xỉ, thậm chí có nằm mơ chúng tôi cũng không biết hình hài chúng như thế nào. Còn nhớ, năm 1998, làng tôi bắt đầu có ánh điện, nhưng hơn 2 năm sau vẫn còn rất nhiều gia đình thắp đèn dầu vì điều kiện kinh tế không cho phép. Mà cũng có lẽ nhờ cuộc sống sơ sài, giản đơn đó, nên tuổi thơ chúng tôi luôn đầy ắp kỷ niệm đẹp, để rồi khi lớn lên, những mùa bóng ngày nào vẫn mãi vương vấn trong tâm khảm mỗi người…

Dường như chiều hè nào cũng vậy, dù không có lịch sẵn, nhưng chúng tôi đều sớm tụ tập để “ra sân” thi tài. Ngày ấy, khoảng sân trước nhà, cánh đồng lúa vừa gặt, thậm chí đường làng, bãi đất trống… đều có thể trở thành sân bóng, đặc biệt khoảng sân đất của nhà tôi trở thành sân bóng lý tưởng bởi bằng phẳng, ít sỏi đá. Không có bóng, mỗi đứa gom một ít lá chuối khô rồi kết tròn lại để đá. Có những hôm, cả đám hì hục mãi vẫn chưa làm xong quả bóng thì đã có đứa bị ba mẹ gọi về nhặt cỏ, cuốc đất, tưới rau, nấu cám heo. Sau này có “điều kiện” hơn một chút, cả đám kết trái bóng tròn bằng… túi ni lông. Góp nhặt mãi (vì túi ni lông ngày đó khá hiếm hoi), cuối cùng quả bóng cũng căng tròn, được buộc chặt bằng lớp dây thun bên ngoài. Lại có những ngày trận cầu “sang chảnh” hơn khi cả đám được kiếm được quả bưởi to, tròn trịa. Khỏi phải hỏi độ nghịch ngợm của lũ trẻ “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”, hễ nhà đứa nào trong xóm có cây bưởi đều được cả lũ “họp bàn”, xúi hái trộm để làm bóng đá… Cứ thế, quả bóng đi vào tuổi thơ chúng tôi với nhiều màu sắc, chất liệu, hình hài, nhưng dù thế nào thì cả đám cũng đều háo hức được vào sân. Mê bóng, nên chỉ cần được chạm vào bóng là chúng tôi đã cảm nhận được niềm vui đang lâng lâng qua đôi chân của mình!

Trước mỗi trận đấu “kinh điển”, nhóm bạn cả trai lẫn gái chia làm hai đội, ranh giới “sân bóng” được các “cầu thủ” dùng đá chà sâu thành một đường thẳng; cầu gôn được đánh dấu bằng… đôi dép, hay hòn đá nhỏ. Không lưới, không thủ môn, không trọng tài, lại càng không có “quần đùi, áo số”, nhưng quả bóng lăn tới đâu, niềm vui trong mỗi đứa trẻ cứ trải dài đến đó. Sau mỗi ngày tụ tập chơi đùa, chúng tôi ôm niềm vui giản dị của mình vào cả giấc mơ, trong đó được mẹ mua tặng áo có in tên các thần tượng của mình là hai danh thủ: Hồng Sơn, Huỳnh Đức!

Còn nhớ có lần xem các thôn trong xã giao lưu bóng đá, từ loa phát thanh, tiếng bình luận viên – cũng là cán bộ thôn dày dặn kinh nghiệm về bóng đá sang sảng vang lên khiến không khí tưng bừng các trận đấu như được nhân lên gấp bội. Thấy hay hay, chúng tôi bắt chước theo. Từ đó, trên sân nhà luôn có một người vừa là cầu thủ, vừa kiêm nhiệm “bình luận viên”. Cũng từ đó, ngoài được thử sức với từng đường bóng, chúng tôi còn được cười no trước những bình luận “trên trời, dưới đất” của “đồng đội” mình…

Thấm thoắt, những đứa trẻ thôn quê da đen nhẻm, tóc rối bù, áo quần lấm bẩn bùn đất ngày nào đã vươn mình dưới cái nắng miền Trung khắc nghiệt để trưởng thành. Lớn lên, mỗi người lập nghiệp một phương trời, nhưng nhắc lại ký ức tuổi thơ, nhớ về những mùa bóng ngày nào, ai cũng thấy lòng rưng rưng niềm hạnh phúc!

 Song Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Dáng quê
08:55, 30/06/2018
Nhớ quà quê…
08:33, 26/06/2018
Chái nhà
07:02, 24/06/2018
Hương đồng
07:06, 17/06/2018
Chong chóng tre
07:59, 10/06/2018
(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.