Multimedia Đọc Báo in

Thương quá áo bà ba

09:05, 13/05/2018

Nói đến nét đẹp của phụ nữ Nam Bộ ở thế kỷ 20, người ta nghĩ ngay đến áo bà ba. Chiếc áo mộc mạc, giản đơn ấy đã đi vào thơ ca, điện ảnh, âm nhạc của biết bao nhiêu thế hệ văn nghệ sĩ.

Dù đi chợ, làm đồng, ăn cỗ hay hội họp thì chiếc áo tưởng chừng như quê mùa vẫn toát lên vẻ sang trọng, quý phái, duyên dáng. Áo bà ba càng duyên dáng hơn khi được các bà, các cô, các chị choàng lên cổ chiếc khăn rằn kẻ sọc, đầu đội nón lá che nghiêng. Chiếc khăn là điểm nhấn, tạo nên phong cách rất riêng không lẫn vào đâu được.

Áo bà ba không kén người mặc, cũng chẳng kén tầng lớp nào. Người giàu thì mặc nó trong những bữa tiệc sang trọng với chất liệu lụa Tân Châu cùng với quần đen lãnh Mỹ A có tiếng. Còn người nghèo, lam lũ với ruộng đồng thì mặc vải thô, kèm theo những mảnh vá đi cùng với thời gian. Áo càng đẹp, càng thanh nhã hơn khi người mặc nó đoan trang, thùy mị. Đặc biệt, trong những buổi chiều tà, hình ảnh cô lái đò mặc chiếc áo bà ba thấm đượm mồ hôi càng làm cho trai làng ngơ ngẩn.

Minh họa: Trà my
Minh họa: Trà My

Áo bà ba còn là biểu trưng cho sự mạnh mẽ, bất khuất của phụ nữ miền Nam. Đẹp làm sao hình ảnh bất tử của nữ chiến sĩ tình báo cách mạng Võ Thị Thắng trong chiếc áo bà ba đen với nụ cười dũng cảm. Hay nữ tướng Nguyễn Thị Định, dù ở chiến khu hay quê nhà, bà vẫn mặc trên người chiếc áo bà ba mộc mạc, tinh tế, oai nghiêm…

 Tôi yêu thích hình ảnh các cô gái bán hàng mặc chiếc áo bà ba trên những chuyến phà miền Tây của những ngày chưa xa khi chưa có những chiếc cầu dây văng bắc qua sông, phương tiện qua lại vẫn là những chiếc phà. Các cô gái khắp nơi đổ về bến phà bán trái cây, nước giải khát, bánh kẹo… Trong các chuyến phà, các cô gái miền Tây làm chùng lòng du khách vì giọng nói ngọt như mía lùi và nét dịu dàng bởi chiếc áo bà ba. Thỉnh thoảng những cơn gió vô tình lướt qua, tung bay tà áo, làm cho các cô càng trở nên dịu dàng, xinh xắn.

 Khi những chiếc cầu dây văng hiện đại được bắc qua sông, hình ảnh những chiếc áo bà ba thấp thoáng, len lỏi trên các chuyến phà chào mời khách mua hàng giờ chỉ còn quá khứ. Hình bóng chiếc áo ấy giờ bỗng trở nên thưa vắng, chỉ còn phù hợp với tuổi già. Các cô gái trẻ chuyển sang ăn mặc theo mốt Hàn Quốc, Hồng Kông, phương Tây…

Nhưng cũng nhờ thế áo bà ba trở nên lạ và độc đáo. Nắm bắt được xu thế của những người hoài cổ, nhiều doanh nghiệp đã phục dựng lại những làng ẩm thực, nhà hàng, quán ăn Nam Bộ với hình ảnh nhân viên mặc áo bà ba truyền thống. Trên những chuyến du lịch sinh thái vùng miền Tây sông nước, áo bà ba một lần nữa sống lại. Bóng dáng chiếc áo dễ thương lại thấp thoáng trên những cù lao, những dòng sông đỏ nặng ngầu phù sa trong “vai” là người chèo đò, hướng dẫn viên du lịch đưa khách đi tham quan danh thắng. Cô gái mặc áo bà ba, cất lên giọng hò ngọt lịm đã làm cho không gian sông nước càng trở nên lung linh, rực rỡ.

Chẳng những du khách Việt từ Bắc chí Nam mà ngay cả người ngoại quốc cũng say mê chiếc áo bà ba đằm thắm. Có nhiều nhà nhiếp ảnh vì “phải lòng” chiếc áo bà ba gợi cảm đã không ngại khoảng cách địa lý, lặn lội đến đất Nam Bộ để tìm cho ra những khoảnh khắc đắt giá về chiếc áo bà ba. Đó cũng là điều dễ hiểu khi chiếc áo ấy đã trở thành huyền thoại của người phụ nữ miền Nam từ bao đời qua...

Nguyễn Hoàng Duy


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Trở về miệt thứ
07:41, 29/04/2018
Cuộc chơi mùa xưa
07:38, 25/04/2018
Ngôi nhà ấm áp
07:07, 22/04/2018
Dòng sông thơ ấu
07:17, 15/04/2018
Ngày xưa rau má
08:08, 08/04/2018
(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.