Multimedia Đọc Báo in

Phải có lý, có tình

10:39, 18/11/2017

Việc siết chặt hoạt động xây dựng công trình trên đất nông nghiệp thời gian qua đã thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận; trong đó, điều đáng bàn nhất là cách làm của các địa phương.

Trước hết khẳng định việc đưa hoạt động xây dựng vào quy củ là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Bởi sau nhiều năm buông lỏng công tác quản lý, tình trạng xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp đã diễn ra một cách tràn lan. Thế nhưng, khi thực hiện chủ trương quản lý việc xây dựng công trình trên đất nông nghiệp vào quy củ, nhiều cơ sở đã áp dụng một cách máy móc, thậm chí là “quá tay”.

Trên thực tế, hiện nay có ít nhất hai dạng xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp. Một là xây nhà phục vụ sản xuất, với kết cấu đơn giản; hai là xây nhà để ở, có kiến trúc “hoành tráng”. Cả hai dạng trên đều là xây dựng nhà trên đất nông nghiệp. Song xét về bản chất, mục đích sử dụng có sự  khác nhau. Thế nhưng lâu nay nhiều địa phương lại không phân định rạch ròi hai dạng xây dựng này nên cứ cho rằng, nhà kiên cố là nhà xây, nhà tạm là nhà gỗ, vì vậy cứ thấy có nhà xây trên đất nông nghiệp là thực hiện cưỡng chế, yêu cầu phải tháo dỡ mà không xét đến nhu cầu thực tế của người dân (nhà xây nhưng quy mô nhỏ, mục đích sử dụng là chứa dụng cụ sản xuất, trông coi sản phẩm trên diện tích canh tác là chính, khác hoàn toàn với xây dựng nhà kiên cố phục vụ cho sinh hoạt toàn bộ gia đình).

Mới đây, tại hội nghị của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị đã nhắc đến vấn đề này khi lưu ý cơ sở phải “có lý, có tình” trong quá trình triển khai thực hiện. Theo Chủ tịch UBND tỉnh thì người dân sản xuất trên đất nông nghiệp cũng cần phải có nơi để tránh nắng, tránh mưa khi đi làm và bảo vệ tài sản của mình. Thậm chí có thể là chỗ ở để trông coi vườn, rẫy của họ. Do đó trong thời gian tới, khi thực hiện vấn đề này, cần phân định rạch ròi đâu là nhà để phục vụ sản xuất, đâu là nhà ở kiên cố. Đối với nhà ở kiên cố xây dựng trên đất nông nghiệp, phải cương quyết xử lý theo quy định để bảo đảm kỷ cương, còn nhà tạm, phục vụ cho công việc sản xuất, thì xử lý một cách linh động,

Đây có thể nói là một cách chỉ đạo “có tình, có lý”, vừa phục vụ tốt nhu cầu sản xuất của nhân dân và vẫn bảo đảm được kỷ cương, đưa hoạt động xây dựng vào quy củ.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.