Chiếc đèn Hoa Kỳ
Chẳng hiểu sao người ta lại gọi nó là chiếc đèn Hoa Kỳ, chỉ biết rằng nó được thắp sáng bằng dầu hỏa và ngọn lửa cháy trên chiếc tim (bấc) bằng vải to như đầu chiếc đũa.
Cấu tạo của nó khá đơn giản: dưới cùng là chiếc phao đựng dầu hình tròn, trên chiếc phao dầu là cổ đèn bằng sắt, ở giữa có ống sắt nhỏ để luồn tim đèn; chung quanh cổ đèn là những chân rết ôm lấy bóng đèn bằng thủy tinh hình quả trứng vịt. Chiếc đèn Hoa Kỳ có lịch sử hàng trăm năm, mãi cho đến những năm chín mươi của thế kỷ trước, khi làng Yên Phó cũng như các vùng thôn quê Việt Nam có điện thắp sáng thì nó mới chấm dứt vai trò của mình.
Chiếc đèn Hoa Kỳ gắn bó với tuổi thơ như kỷ niệm của một thời gian khó; thời mà hầu như mọi thứ đều phải mua bằng tem phiếu và dầu hỏa để thắp đèn cũng là một trong những mặt hàng phân phối ấy. Đèn chỉ được thắp lên buổi tối khi lũ trẻ học bài hoặc khi cần dùng ánh sáng để soi tìm vật gì trong nhà, còn tất cả đều được tiết kiệm đến mức tối đa. Bữa cơm tối cả nhà trải chiếu ngoài sân để tận dụng ánh sáng trời; đêm trăng sáng ra ngoài bờ ao vừa hóng mát ngắm trăng vừa chuyện trò rôm rả… Trong xóm, nhà nào nhiều lắm cũng chỉ sắm đến ba cây đèn và chỉ khi thật cần thiết mới dùng đến cả ba cây. Khi học bài, bọn trẻ luôn được nhắc nhở không được vặn đèn cháy to quá, tốn dầu.
Thế hệ học trò những năm ấy có thật nhiều kỷ niệm về chiếc đèn Hoa Kỳ. Đầu tiên là mùi dầu hỏa cứ ám quanh chiếc bàn học, trên trang vở, thậm chí cả trên áo quần. Mỗi khi rót dầu vào đèn, dù có lau kỹ thế nào thì mùi dầu vẫn cứ nồng nặc không gian chung quanh bởi dầu phải ngấm lên chiếc bấc để nuôi ngọn lửa cháy. Kế đến là ngọn lửa vàng vàng như chiếc “búp lửa” chỉ đủ soi sáng khoảng rộng của chiếc bàn học với điểm trung tâm là trang vở, cuốn sách; muốn nhìn rõ thì phải cúi sát xuống vở và nếu không để ý thì tóc trên đầu sẽ cháy “xèo”, mùi khét tóc cháy trộn với mùi dầu hỏa vốn đã khét càng khét thêm. Thứ ba là chiếc bóng đèn lúc nào cũng ám muội đen do ngọn lửa thắp bằng dầu hỏa tạo nên. Muội của bóng đèn khi lau thể nào cũng dính vào ngón tay đen sì, cô cậu nào đang lau đèn mà đưa tay đập con muỗi đậu trên má là y như rằng sẽ để lại vài vệt như vẽ hề. Cuối cùng là các loài côn trùng vây quanh ngọn lửa trong bóng đèn như một thế giới thu nhỏ của loài động vật có cánh. Đủ thứ, từ đàn bằng hăng nhỏ xíu, anh cào cào lạc địa chỉ đến bươm bướm con, thậm chí chàng thiêu thân “liều mình” bay thẳng vào ngọn lửa, không làm tắt đèn thì cũng tạo thêm mùi cháy khét vốn đã thừa thãi. Có câu “Thiêu thân lao đầu vào lửa” hoặc “Liều mình như thiêu thân” có lẽ được hình thành trong bối cảnh này. Cũng chính cái thế giới động vật “không mời mà đến” ấy đã tạo nên không ít nỗi phiền toái cho các cô, cậu học trò bởi một tay cầm bút viết, tay kia phải khỏa quạt liên tục để đuổi chúng…
Các bạn trẻ ngày nay thường được nghe câu tục ngữ: “Thứ nhất đom đóm vào nhà/ thứ nhì chuột chít, thứ ba hoa đèn” để nói về sự báo trước những điều sẽ đến trong tương lai. Nghe vậy, nhưng nếu không được giải thích cặn kẽ sẽ chẳng hiểu được xuất xứ câu tục ngữ. Riêng vế “thứ ba hoa đèn” có căn nguyên từ ngọn bấc của chiếc đèn Hoa Kỳ ngày xưa. Ấy là khi đèn hết dầu mà chủ nhà chưa kịp chế thêm, hoặc bấc đèn được sử dụng bằng loại vải có nhiều tạp chất sẽ khiến ngọn lửa cháy không đều, phía đầu chiếc bấc luôn có đoạn than đỏ. Đoạn than ấy được gọi là “hoa đèn”.
Riêng thằng cu Trường thì có một kỷ niệm nhớ đời với chiếc đèn Hoa Kỳ. Ấy là ngày xưa ở vùng nông thôn rất hiếm sách, báo để đọc. Cả làng chỉ có ông Ân và hai người khác làm cán bộ xã được cấp tờ “Nhân Dân”, còn thì hiếm ai có thêm tờ báo, quyển truyện nào. Vậy mà nhà ông Đản có hẳn một bộ truyện “Tam quốc diễn nghĩa” mười ba tập do chú Thái làm trên tỉnh mua về. Bộ truyện ấy ông Đản chỉ để trưng bày trong tủ kính (hệt như sau này nhà ai có chiếc phích Trung Quốc đỏ chót nhưng không dùng để đựng nước mà chỉ bày trong tủ để… làm cảnh). Độ ấy cu Trường đang học lớp bảy, vốn mê đọc truyện, cứ ngày ngày sang chơi, tì trán vào tủ kính nhìn bìa những cuốn sách, vẻ thèm thuồng. Nhiều lần như vậy, ông Đản thương tình bắt Trường hứa khi đọc phải giữ gìn, đọc xong cuốn nào phải trả rồi mới được mượn cuốn khác… Mượn được truyện, Trường ta đọc ngấu nghiến, cứ làm bài tập về nhà xong lại chúi mũi vào đọc đến tận khuya. Một đêm do mệt, cậu ta ấp cuốn truyện lên ngực rồi ngủ thiếp đi. Nửa đêm đèn đổ, dầu chảy ra chiếu cháy đùng đùng nhưng Trường vẫn không hay biết gì. Chỉ đến khi bố Trường nằm giường bên bật dậy lấy ấm nước tạt vào đám cháy, Trường mới tỉnh dậy. Lửa cháy đã đen cả một góc mấy chiếc thang giường bằng tre. Hú vía, may mà đèn thắp bằng dầu hỏa, chứ bằng xăng thì không biết điều gì xảy ra. Chiếc giường ấy sau này Trường đi bộ đội vào Nam chiến đấu trở về thì không còn nữa và những chiếc đèn dầu thân thương một thủa cũng đã mất dạng…
Đinh Hữu Trường
Ý kiến bạn đọc