Multimedia Đọc Báo in

Tiêm chủng vắc xin phòng bệnh bạch hầu theo thứ tự ưu tiên

08:53, 05/09/2020

Bệnh bạch hầu đang diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh với số ca bệnh đang liên tục gia tăng. Công tác tiêm chủng vắc xin phòng bệnh đã và đang được triển khai nhưng lại đối diện với nguy cơ thiếu hụt vắc xin.

Phóng viên Báo Đắk Lắk đã trao đổi với Thạc sĩ, bác sĩ TRỊNH QUANG TRÍ, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chung quanh vấn đề này. 

Thạc sĩ, bác sĩ Trịnh Quang Trí hướng dẫn người dân buôn Diêo (xã Bông Krang, huyện Lắk) về các biện pháp phòng bệnh bạch hầu.
Thạc sĩ, bác sĩ Trịnh Quang Trí hướng dẫn người dân buôn Diêo (xã Bông Krang, huyện Lắk) về các biện pháp phòng bệnh bạch hầu.

°Bác sĩ có thể khái quát về diễn biến của bệnh bạch hầu trên địa bàn tỉnh?

Từ cuối tháng 6-2020, các tỉnh khu vực Tây Nguyên bắt đầu ghi nhận các trường hợp mắc bệnh bạch hầu. Tại Đắk Lắk, ca bệnh đầu tiên được ghi nhận vào ngày 7-7 tại xã Bông Krang, huyện Lắk. Đến ngày 1-9, toàn tỉnh đã ghi nhận 40 trường hợp mắc bạch hầu tại 13 xã, thuộc 5 huyện gồm: Lắk, Krông Bông, M’Drắk, Cư M’gar và Cư Kuin. Tính trung bình, mỗi tuần trên địa bàn tỉnh có từ 3 - 5 trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu.

Ngay khi những ca bệnh đầu tiên xuất hiện trên địa bàn tỉnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tham mưu với Sở Y tế triển khai đồng loạt các biện pháp phòng, chống dịch. Thực tế, tại các huyện có ca bệnh, công tác phòng chống dịch đã triển khai rất tích cực, từ việc cách ly các thôn, buôn có ca bệnh để ngăn chặn bệnh lây lan, phun hóa chất khử khuẩn bề mặt, cho người dân sử dụng kháng sinh dự phòng, đến tăng cường truyền thông để người dân hưởng ứng chiến dịch phòng, chống bạch hầu.

Tuy nhiên, để giải quyết triệt để vấn đề của bạch hầu, biện pháp hữu hiệu nhất là tiêm chủng vắc xin. Chính vì thế, ngày 15-7-2020, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 3054/QĐ-BYT về phê duyệt kế hoạch tiêm vắc xin phòng chống dịch bạch hầu tại 4 tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Nông. Ngay sau đó, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch triển khai tiêm chủng 3,8 triệu liều vắc xin phòng bạch hầu cho người dân ở các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Đến hiện tại, công tác tiêm vắc xin đã được triển khai tại 13 xã có dịch với gần 200.000 liều và đang tiếp tục triển khai. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là nguồn cung ứng vắc xin đang bị thiếu hụt.

°Có cách nào để giải quyết việc thiếu hụt vắc xin không, thưa bác sĩ?

Khi nhu cầu tăng lên đột biến, các nhà sản xuất vắc xin hiện chưa cung ứng đủ số lượng, cùng với đó là nguồn lực để tổ chức triển khai tiêm cũng chưa sẵn sàng nên việc tiêm vắc xin bạch hầu được thực hiện theo thứ tự ưu tiên. Trước mắt là ưu tiên tập trung tiêm tại 13 xã có dịch. Tiếp đến là triển khai tại các huyện có nhiều ca bệnh như Krông Bông và M’Drắk. Các địa phương còn lại sẽ đợi theo thứ tự ưu tiên.

°Thưa bác sĩ, việc liên tiếp xuất hiện các trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu trong những ngày qua, đặc biệt có cả trường hợp đã được tiêm một mũi vắc xin phòng bệnh, vậy nguyên nhân là do từ đâu?

Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm lây lan qua đường hô hấp, có thể thông qua giọt bắn trực tiếp hoặc giọt bắn gián tiếp dính vào áo quần, vật dụng, tay nắm cửa, khi chúng ta đưa tay vào mũi, miệng dẫn đến lây lan. Lây lan của bạch hầu cũng giống với bệnh Covid-19, tuy nhiên khả năng lây và tốc độ lây sẽ chậm hơn. Theo lý thuyết, từ một ca ban đầu nếu không có các biện pháp phòng, chống thì bạch hầu sẽ lây trung bình cho khoảng 6 - 7 trường hợp khác.

Tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho người dân xã Cư Prao, huyện M'Drắk.
Tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho người dân xã Cư Prao (huyện M'Drắk).

Bệnh bạch hầu đã có vắc xin chủng ngừa trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Song, chương trình tiêm chủng mở rộng mới được triển khai từ năm 1985, do đó những người trên 35 tuổi chưa từng được tiêm vắc xin có chứa thành phần bạch hầu. Trên thực tế, những trường hợp mắc bệnh được ghi nhận ở khu vực Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng chủ yếu là người trên 35 tuổi và một số trẻ em nhưng hầu hết là trẻ 6 - 7 tuổi trở lên. Nguyên nhân mắc bệnh là do chưa tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ nên chưa có miễn dịch.

So với các vắc xin khác (như sởi, quai bị, rubella, viêm não Nhật Bản…), miễn dịch trong vắc xin bạch hầu không kéo dài và bền vững. Về những trường hợp đã tiêm 1 mũi vắc xin bạch hầu nhưng vẫn mắc bệnh, chúng tôi xin khẳng định, vắc xin bạch hầu có nguồn gốc từ giải độc tố bạch hầu, để tạo miễn dịch phải tiêm 2 mũi, cách nhau 1 tháng. Sau khi tiêm mũi thứ hai, thời gian khoảng 2 tuần mới bắt đầu đáp ứng miễn dịch. Do vậy, khi mới tiêm 1 mũi thì khả năng phòng bệnh bạch hầu hầu như chưa có.

°Bác sĩ có khuyến cáo gì với người dân trong phòng chống dịch bệnh này?

Để phòng chống bệnh bạch hầu hiệu quả, ngoài việc thực hành vệ sinh (vệ sinh cá nhân, vệ sinh răng miệng, vệ sinh nhà cửa thông thoáng, phơi quần áo, chăn màn dưới ánh nắng mặt trời để diệt vi khuẩn…), thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang khi đến nơi đông người, người dân cần thực hiện đầy đủ lịch tiêm chủng vắc xin phòng bệnh. Bệnh bạch hầu ở mọi lứa tuổi đều có nguy cơ mắc, tuy nhiên những trường hợp bệnh nặng và có nhiều biến chứng thường tập trung chủ yếu ở trẻ em. Do đó, người dân có con dưới 1 tuổi hãy đưa con đến các trạm y tế xã, phường để tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Đối với các đối tượng lớn hơn hoặc người chưa từng được tiêm trong Chương trình tiêm chủng mở rộng thì tiêm vắc xin có 2 thành phần là bạch hầu - uốn ván (Td) và phải tiêm đủ liều (2 mũi tiêm).

Kim Hoàng (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.