Multimedia Đọc Báo in

Nhiều chính sách ưu đãi thu hút các nhà đầu tư

08:21, 05/10/2019

Với vị trí chiến lược trung tâm vùng Tây Nguyên, những năm gần đây, Đắk Lắk đã từng bước phát huy thế mạnh, trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hiệu quả công tác thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh.

Chung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với ông ĐINH XUÂN HÀ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư trong Chương trình “Dân hỏi – Thủ trưởng cơ quan hành chính trả lời”.

Ông đánh giá thế nào về kết quả hợp tác đầu tư giữa Đắk Lắk với các địa phương, các khu vực trong và ngoài nước thời gian qua?

Thời gian qua tỉnh Đắk Lắk đã hợp tác đầu tư với các tỉnh: Đắk Nông, Kon Tum, Lâm Đồng, Gia Lai, Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận, Phú Yên và TP. Hồ Chí Minh. Nhìn chung, các chương trình xúc tiến đầu tư đã mang lại nhiều kết quả tích cực, trong đó hiệu quả nhất là chương trình hợp tác giữa Đắk Lắk với TP. Hồ Chí Minh. Từ 2006 đến nay, có khoảng 100 nhà đầu tư từ TP. Hồ Chí Minh đến Đắk Lắk với tổng số vốn trên 10.000 tỷ đồng. Tuy nhiên do cơ chế hợp tác chưa chặt chẽ nên hiệu quả mang lại chưa cao. Các tỉnh vẫn chưa chủ động tổ chức đánh giá kết quả hợp tác trong từng thời kỳ để tìm ra nguyên nhân kém hiệu quả, từ đó bàn giải pháp khắc phục.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đinh Xuân Hà
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đinh Xuân Hà.

Bên cạnh triển khai chương trình xúc tiến đầu tư trong nước, Đắk Lắk còn chủ động triển khai quan hệ hợp tác với một số tỉnh của hai nước Lào và Campuchia. Trong quan hệ hợp tác với Lào đã có Công ty Cổ phần Cao su Đắk Lắk đầu tư phát triển cao su tại các tỉnh nam Lào từ năm 2014 với tổng số vốn trên 83 triệu USD. Với Campuchia, tỉnh ta có 3 doanh nghiệp đầu tư gồm: Công ty Cổ phần Cao su Đắk Lắk (dự án 19,9 triệu USD); Công ty Cao su Krông Búk (dự án 53,9 triệu USD) và Công ty Cao su Ea H’leo (dự án 71 triệu USD).

Nhìn chung chương trình hợp tác đầu tư giữa Đắk Lắk với Lào và Campuchia còn nhiều hạn chế do việc đầu tư chỉ mới thực hiện từ một phía. Cụ thể là mới chỉ có doanh nghiệp của Đắk Lắk sang đầu tư một số dự án tại nước bạn chứ nước bạn chưa có doanh nghiệp nào sang Đắk Lắk đầu tư. Nguyên nhân là do các tỉnh ở nước bạn còn khó khăn, không đủ tiềm lực đầu tư ra bên ngoài. Phía doanh nghiệp của tỉnh ta qua nước bạn đầu tư cũng gặp một số khó khăn trong việc thuê đất, năng lực đầu tư còn hạn chế, chỉ mới tập trung vào trồng cây cao su nên hiệu quả mang lại chưa cao.

Để Đắk Lắk trở thành điểm dừng chân lý tưởng của các nhà đầu tư, theo ông thì chúng ta cần có thêm những cơ chế, chính sách gì?

Theo tôi, để giải quyết vấn đề này, trước tiên cần điều chỉnh một số chính sách thuộc thẩm quyền của tỉnh để tăng sức hấp dẫn với nhà đầu tư như: Tăng ưu đãi về miễn giảm tiền thuê đất trong lĩnh vực xã hội hóa đối với giáo dục, y tế, văn hóa - thể thao, môi trường; tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng khu, cụm công nghiệp, tạo điều kiện cho nhà đầu tư thuê mặt bằng để sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó,

tỉnh cần kiến nghị với Trung ương xem xét cho cơ chế chuyển đổi đất rừng nhưng không còn rừng để thực hiện các dự án đầu tư, trong đó tập trung vào dự án năng lượng tái tạo, nông lâm nghiệp kết hợp. Ngoài ra, Trung ương cũng cần quan tâm đầu tư hoàn chỉnh các tuyến quốc lộ kết nối Đắk Lắk với các tỉnh trong khu vực. Cụ thể là cần sớm đầu tư mở đường cao tốc từ Nha Trang lên Đắk Lắk và xây dựng hệ thống đường sắt đến Đắk Lắk và Tây Nguyên. Có như vậy mới tạo điều kiện cho Đắk Lắk thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội và từng bước trở thành trung tâm vùng Tây Nguyên.
Đắk Lắk thu hút, kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Đắk Lắk thu hút, kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
 
●Chỉ số PCI là một trong những công cụ đánh giá về môi trường đầu tư, năng lực cạnh tranh của tỉnh. Năm 2018 chỉ số PCI của Đắk Lắk giảm 9 bậc so với năm 2017. Theo ông, đâu là nguyên nhân và cần có giải pháp cụ thể nào để cải thiện chỉ số này?
 
Nguyên nhân chỉ số PCI năm 2018 đạt thấp là do trong quá trình giải quyết các thủ tục liên quan đến nhà đầu tư, doanh nghiệp thì một số cơ quan, đơn vị chưa chủ động cải cách thủ tục hành chính. Một nguyên nhân chủ yếu nữa là do năm 2018 Kiểm toán Nhà nước kết luận chỉ có các dự án đầu tư được miễn 100% tiền thuê đất mới không phải đấu giá quyền sử dụng đất. Trong khi đó, nhiều dự án của tỉnh đã lựa chọn đầu tư bằng hình thức đấu thầu theo quy định của pháp luật hiện hành nên khi có quyết định của Kiểm toán Nhà nước phải dừng lại chờ giải quyết xong những vướng mắc mới thực hiện trở lại. Đến tháng 5-2019, tỉnh mới có văn bản giải quyết xong những vướng mắc và thông báo với nhà đầu tư tiếp tục thực hiện các dự án dừng trước đó. Đó là lý do chỉ số tiếp cận đất đai của tỉnh bị giảm sâu, ảnh hưởng chung đến chỉ số PCI.
 
Để cải thiện chỉ số PCI trong thời gian tới, theo tôi, các cấp, ngành cần nghiêm túc thực hiện cải cách hành chính, chủ động giải quyết các vướng mắc cho doanh nghiệp, không để tồn tại kéo dài. Các cơ quan có thẩm quyền cần giải quyết các vướng mắc về đất đai, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong hoạt động khởi nghiệp, thành lập doanh nghiệp và thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.
 
●Xin cảm ơn ông!
 
Như Quỳnh (thực hiện)
 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.