Multimedia Đọc Báo in

Tăng cường trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng thông và tài nguyên nước

09:02, 09/03/2019

Với diện tích lúc mới bàn giao hơn 330 ha, đến giữa năm 2018 rừng thông trên tuyến Quốc lộ 14 - đoạn qua địa phận huyện Krông Búk chỉ còn 71 ha; tình trạng người dân khoan giếng lấy nước tưới cho cây trồng vào mùa khô làm cho công tác quản lý tài nguyên nước trở nên phức tạp là những vấn đề được Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Búk LÊ NGỌC HÀ trao đổi trong chương trình Dân hỏi - Thủ trưởng cơ quan hành chính trả lời kỳ này.

°Hiện nay, rừng thông trên tuyến Quốc lộ 14 - đoạn qua địa phận huyện Krông Búk ngày càng bị thu hẹp. Xin được hỏi ông trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc bảo vệ, quản lý diện tích rừng thông trên thế nào?

Căn cứ Quyết định số 1030/QĐ-UBND ngày 16-5-2007 của UBND tỉnh về phê duyệt kết quả rà soát quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Đắk Lắk, thì diện tích rừng trồng thông trên địa bàn huyện Krông Búk là rừng sản xuất, không phải rừng phòng hộ.

Thực hiện Quyết định số 905/QĐ-UBND ngày 1-4-2003 của UBND tỉnh về việc phê duyệt phương án giao đất, giao rừng trên địa bàn hai huyện Ea H’leo và Krông Búk, năm 2004 Ban Quản lý rừng phòng hộ Quốc lộ 14 bàn giao diện tích rừng trồng thông cho 156 hộ gia đình và UBND 3 xã: Cư Né, Chư Kbô, Pơng Drang quản lý, bảo vệ là 333 ha.  Kết quả kiểm tra, rà soát diện tích rừng thông hiện có đến tháng 6-2018 là 71 ha. Như vậy, diện tích rừng thông bị suy giảm từ năm 2004 đến nay là 262 ha; trong đó chuyển mục đích sử dụng rừng để xây dựng các công trình trên địa bàn huyện 56 ha, diện tích rừng bị phá, lấn chiếm qua các năm 206 ha.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến diện tích rừng thông trên bị suy giảm là do việc giao rừng mới thực hiện ngoài thực địa, chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục giao đất, giao rừng theo đúng quy định tại Quyết định 905/QĐ-UB ngày 1-4-2003 của UBND tỉnh nên trách nhiệm quản lý của các hộ được giao quản lý, bảo vệ rừng không cao, trong khi đó nhu cầu sử dụng đất ở, đất sản xuất của nhân dân trên địa bàn huyện, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ngày càng gia tăng, dẫn đến tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, nhất là vào các năm 2010, 2011…

Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 3-3-2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, thì trách nhiệm chính trong việc quản lý nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng thuộc UBND 3 xã Cư Né, Chư Kbô, Pơng Drang, trong đó có một phần trách nhiệm quản lý nhà nước của UBND huyện Krông Búk.

°Trách nhiệm để mất rừng thông khá rõ. Chính quyền huyện đã có giải pháp gì nhằm tăng cường bảo vệ, trồng phục hồi diện tích rừng thông này, thưa ông?

UBND huyện đã ban hành Quyết định số 5678/QĐ-UBND ngày 29-8-2017 về phân cấp quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp cho UBND các xã; ban hành Quyết định số 3070/QĐ-UBND ngày 21-9-2018 về việc ban hành quy chế phối hợp chỉ đạo hoạt động giữa lực lượng dân quân tự vệ với các lực lượng trong hoạt động bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở; bảo vệ và phòng, chống cháy rừng. Đồng thời thường xuyên chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện phối hợp chặt chẽ cùng Công an huyện, Ban Chỉ huy Quân sự huyện, UBND các xã tăng cường phối hợp tuần tra, bảo vệ rừng; kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng; xử lý nghiêm minh các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật. UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Hạt Kiểm lâm và 3 xã tiến hành múc rãnh khoanh diện tích đất rừng với đất khác.

Rừng thông trên tuyến Quốc lộ 14 - đoạn qua địa phận huyện Krông Búk có chỗ chỉ còn lác đác vài cây.
Rừng thông trên tuyến Quốc lộ 14 - đoạn qua địa phận huyện Krông Búk có chỗ chỉ còn lác đác vài cây.

 Để trồng phục hồi rừng thông trên diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm qua các năm, UBND huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo UBND các xã thống kê diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, phối hợp với Phòng Tài Nguyên - Môi trường, Hạt Kiểm lâm lập hồ sơ xử lý các đối tượng vi phạm để thu hồi diện tích đất lâm nghiệp lấn chiếm để phục hồi lại rừng theo tinh thần Chỉ thị 03/CT-UBND của UBND tỉnh. Đồng thời ban hành Kế hoạch số 51/KH-UBND ngày 12-4-2018 về phát triển lâm nghiệp bền vững từ năm 2018 đến năm 2020, theo kế hoạch mỗi năm trồng mới 20 ha rừng, trồng dặm 40 ha, trồng cây phân tán mỗi năm 3.000 cây các loại.

°Một vấn đề nữa bạn đọc Báo Đắk Lắk quan tâm phản ánh đến lãnh đạo UBND huyện Krông Búk là: trong những năm qua, công tác thanh, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên nước đã được UBND huyện chỉ đạo triển khai như thế nào, nhất là mùa khô 2019 bắt đầu?

Những năm gần đây, hiện tượng biến đổi khí hậu làm cho thời tiết ngày càng khắc nghiệt, lượng mưa giảm dần hằng năm; rừng bị tàn phá nên không còn nguồn sinh thủy, lưu lượng nước ở các sông, suối, hồ đập giảm,… Để phục vụ việc tưới cây trồng, người dân có nhiều giải, trong đó có việc khoan giếng khai thác nước ngầm làm cho công tác quản lý tài nguyên nước trở nên phức tạp, làm cho mực nước ngầm hạ xuống dưới mức trung bình. Đặc biệt theo dự báo là mùa khô 2019 sẽ bị hạn nặng. Do đó tình trạng khai thác nước ngầm có xu hướng gia tăng.

Trước thực trạng đó, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng chức năng, UBND các xã tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước; chỉ đạo thường xuyên tuyên truyền vận động người dân thực hiện nghiêm Luật Tài nguyên nước, không được phép khai thác nước ngầm bừa bãi.

Trước khi khai thác nước ngầm, tùy quy mô phải đăng ký hoặc xin phép cơ quan có thẩm quyền. Đơn vị khai thác nước ngầm phải có đủ điều kiện hành nghề và phải có giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền cấp. Có một thực tế, khi các đơn vị chức năng, UBND các xã tổ chức đợt cao điểm kiểm tra, xử lý thì tình hình khoan giếng trái phép có giảm xuống, tuy nhiên vẫn còn có một  số trường hợp lén lút khai thác, nhất là các vùng hẻo lánh, vùng sâu vùng xa.

Để ngăn chặn tình trạng khai thác nước ngầm trái phép, sử dụng nguồn nước ngầm có hiệu quả, bền vững, UBND huyện đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân về Luật Tài nguyên nước để nâng cao ý thức chấp hành của người dân. Tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp khai thác nước ngầm trái phép. Duy tu, nạo vét, bảo dưỡng, nâng cấp các hồ đập hiện có trên địa bàn huyện để tăng cường nguồn nước mặt. Khảo sát, xây dựng thêm một số hồ đập trong khả năng hiện có của địa phương cũng như đề xuất cấp trên quan tâm xây dựng thêm hồ đập. Vận động nhân dân chuyển đổi một số cây trồng sang các loại cây trồng ít nhu cầu nước hơn. Đẩy mạnh công tác trồng cây gây rừng, cải thiện môi trường, chống xói mòn, tăng thêm nguồn sinh thủy – nhất là đầu nguồn.

°Xin trân trọng cảm ơn ông!

 Nguyên Hoa (thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.