Multimedia Đọc Báo in

Buôn Ma Thuột "khát" nước sinh hoạt giữa mùa mưa

11:14, 08/09/2016
Dù đang giữa mùa mưa nhưng nhiều nơi ở TP. Buôn Ma Thuột vẫn “khát” nước sinh hoạt, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân. Theo dự báo của ngành chức năng, tình hình thiếu nước sinh hoạt vẫn chưa dịu lắng. Phóng viên Báo Đắk Lắk đã trao đổi với ông Nguyễn Văn Tin, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV cấp nước và đầu tư xây dựng Đắk Lắk để tìm hiểu nguyên nhân.
 
Ông Nguyễn Văn Tin, Phó Giám đốc
Ông Nguyễn Văn Tin, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV cấp nước và đầu tư xây dựng Đắk Lắk.
       
 +Thưa ông, vì sao đang giữa mùa mưa nhưng TP. Buôn Ma Thuột  vẫn thiếu nước sinh hoạt trầm trọng?
Sòng phẳng mà nói, từ đầu mùa mưa năm 2016 đến nay chưa có cơn mưa nào cho “ra mưa”, chỉ có 5-6 cơn mưa tương đối nặng hạt nhưng chỉ kéo dài 5-7 phút, cơn mưa dài nhất cũng chỉ 45 phút, nên nước chảy bề mặt là chính còn nước ngầm được bổ sung rất hạn chế. Theo phân tích số liệu của ngành chức năng, lượng mưa đến thời điểm này chỉ đạt 34% so với mọi năm. Để chuẩn bị nguồn nước phục vụ trong dịp Lễ Quốc khánh 2-9, trước đó Công ty đã cử đoàn cán bộ xuống hồ Ea Cuôr Káp để kiểm tra, nhưng hồ đã cạn trơ đáy. Bình thường, nông dân sản xuất xong vụ 1 là nước dâng ngập khu vực lòng hồ, nhưng năm nay bà con vẫn tiếp tục trồng  vụ 2 ở khu vực này. Thời tiết mưa nắng liên tục, nhiệt độ ở mức cao trong ngày cũng khiến nước bốc hơi nhanh nên nguồn nước bổ sung cho các hồ chứa không đáng kể.
 
+ Trước tình hình khan hiếm nguồn nước như vậy, Công ty đã triển khai những giải pháp gì để khắc phục, thưa ông?
 
Nhu cầu sử dụng nước của toàn thành phố là 43.000 m 3/ngày đêm, thế nhưng hiện tại Công ty chỉ khai thác và xử lý được khoảng 34.000 m 3/ngày đêm. Dự báo tình hình khan hiếm nước sinh hoạt sẽ xảy ra nên hơn 1 năm nay Công ty cũng đã  xây dựng công trình xử lý nước mặt hồ Ea Cuôr Káp với công suất 7000 m 3/ngày đêm cùng với 30 công trình giếng khoan, 3 mỏ nước mạch lộ thiên. Hiện nay, nguồn nước ngầm đang tụt sâu, các mỏ nước lộ thiên dường như đã cạn. Tại mỏ nước mạch lộ thiên Kô Tam (xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc) chỉ khai thác được khoảng 600 m 3/ngày đêm trong khi công suất thiết kế đo đạc được 12.000 m 3/ngày đêm. Với quyết tâm hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng thiếu nước sinh hoạt, Công ty có quyết định mua lại nước của người dân từ các giếng đào dùng để tưới cà phê với khoảng 40-50 m 3/giờ để bù đắp thêm lượng nước cung cấp. Nhưng đây cũng chỉ là biện pháp trước mắt, về lâu dài để thành phố hết tình trạng thiếu hụt nguồn nước vào mùa mưa một cách bền vững, Công ty đã và đang triển khai dự án đầu tư xây dựng công trình  khai thác, xử lý nước mặt với công suất 35.000 m 3/ngày đêm từ sông Sêrêpốk đặt tại xã Ea Na (huyện Krông Ana). Mục tiêu của Công ty là đẩy nhanh tiến độ thi công sớm hoàn thiện và đưa vào sử dụng trong mùa khô năm 2017-2018.
 
+Hiện nay, tại một số tuyến đường như Y Moan, Nguyễn Trường Tộ (TP. Buôn Ma Thuột)… nước cúp liên tục cúp 4-5 ngày mới có, gây bức xúc trong khách hàng, xin ông cho biết rõ nguyên nhân? 
 
Ngoài nguyên nhân khách quan do nguồn nước thiếu hụt nghiêm trọng, sở  dĩ ở các khu vực trên nước cúp lâu là do nguyên dân chủ quan. Theo quy hoạch ở mỗi khu vực đó chỉ có 300 hộ dân nên Công ty chỉ kéo đường ống nước cho khoảng 400 hộ (1,2 hệ số an toàn). Mấy năm gần đây, tại các tuyến đường trên dân cư phát triển nhanh với hơn 500 - 600 hộ, dẫn đến quá tải (gấp đôi so với quy hoạch và gấp rưỡi so với hệ thống chúng ta lắp đặt). Song không vậy mà Công ty phó mặc cho khách hàng, những thời điểm “khát” nặng, Công ty vẫn bố trí xe lưu động để  cung cấp nước sinh hoạt cho người dân. Qua buổi làm việc này, chúng tôi sẽ cử công nhân kiểm tra, điều phối nước sinh hoạt cho khách hàng.
 
+Theo phản ảnh của một số khách hàng, nước liên tục cúp nhưng tiền sử dụng nước sinh hoạt lại tăng, vì sao lại có nghịch lý này, thưa ông?
 
Lâu nay, chúng tôi vẫn nghe có dư luận không có nước thì bơm hơi. Nói như vậy không đúng lắm. Về nguyên lý, cúp nước ở khu vực nào, Công ty phải đóng van cung cấp nước ở khu vực đó, có như vậy nước mới đổ về khu vực cần điều phối. Còn vì sao nước liên tục cúp nhưng tiền sử dụng nước tăng thì nhà tôi cũng đã từng xảy ra, nguyên nhân là do người nhà tôi mở vòi thấy không thấy có nước, thay vì đóng khóa lại thì vẫn cứ mở khóa để chờ, đến khi nước có thì không đóng khóa. Hay ở một số gia đình tiền nước “đội lên” là do rò rỉ nước hay các van phao của bể không đóng nên chảy xuống hầm rút. Gần đây còn có thêm nguyên nhân nữa là do một số khách hàng đặt bơm hút đẩy nước. Khi nước trong đường ống chưa về tới nhà mình, khách hàng đã vội vàng đặt bơm hút nước, do đó đã hút khí ở trong đường ống làm cho đồng hồ quay.
 
Trong hợp đồng mua bán nước quy định: khách hàng không được gắn bơm sau đồng hồ, nhưng do thiếu nước sinh hoạt trầm trọng do đó cũng khó trách khách hàng. Người dùng nước không nên vội vàng bơm hút nước vội, chỉ khi nào mở vòi nước mà thấy nước no - đủ áp lực thì hẳn bơm, đẩy chắc chắn không có tình trạng đó xảy ra. Nếu đúng như phản ánh của khách hàng thì doanh thu và lương của Công ty phải bằng hoặc tăng, nhưng thực tế là giảm so với trước. Qua phản ánh của khách hàng, Công ty ghi nhận và cho công nhân kiểm tra lại để tìm ra nguyên nhân và sớm có câu trả lời cho khách hàng. 
 
+ Xin cảm ơn ông!
 
Nguyên Hoa ( thực hiện
 

Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.