Multimedia Đọc Báo in

Việc huy động xã hội hóa ở xã Phú Xuân (huyện Krông Năng): Đúng mục đích nhưng sai phương pháp

09:33, 28/10/2019

Để huy động nguồn vốn đối ứng cho một số công trình hoàn thiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới, xã Phú Xuân (huyện Krông Năng) đã thống nhất chủ trương xã hội hóa, quy định mức thu cụ thể đối với từng hộ gia đình. Việc huy động này đã gây không ít bức xúc trong dư luận... 

Huy động xã hội hóa để trả nợ

Nhằm hoàn thiện tiêu chí cơ sở vật chất trường học trong xây dựng nông thôn mới, từ năm 2017, xã Phú Xuân được phê duyệt đầu tư xây dựng 11 công trình tại các trường học trên địa bàn với tổng kinh phí hơn 27,6 tỷ đồng, trong đó xã phải đối ứng với số tiền gần 9 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 30%). Sau khi các công trình này hoàn thành, lãnh đạo xã đã thống nhất chủ trương xã hội hóa, huy động nhân dân đóng góp để có kinh phí trả nợ.

Sau nhiều lần lấy ý kiến của các trường học và người dân, lãnh đạo Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Phú Xuân đã có biên bản thống nhất triển khai thu xã hội hóa. Theo phương án mà UBND xã đưa ra thì mức huy động được chia làm hai dạng: Đối tượng thứ nhất là hộ gia đình không có, không còn con em đi học hoặc có con đi học xã khác, mức thu 150.000 đồng/hộ và giao cho ban tự quản các thôn thu. Đối tượng thứ hai là hộ gia đình có con đang theo học trên địa bàn xã, mức thu 500.000 đồng/học sinh, từ con thứ 2 trở lên thu thêm 250.000 đồng. Việc huy động xã hội hóa này dự kiến kéo dài trong 3 năm, từ 2019 đến 2022. Con của các gia đình chính sách, hộ gia đình hết tuổi lao động ở riêng, hộ nghèo được miễn; hộ cận nghèo sẽ được giảm 50%.

Trụ sở UBND xã Phú Xuân.
Trụ sở UBND xã Phú Xuân.

Sau khi có thông báo về việc huy động tiền, nhiều hộ dân ở xã Phú Xuân đã phản ứng gay gắt vì cho rằng không hợp lý. Anh Trần Văn V. (thôn Xuân Đoàn) bức xúc: “Gia đình tôi có nghe thông báo là phải đóng 150.000 đồng. Tôi có 2 người con, một đứa đã nghỉ học, còn một đứa đang học đại học thì tại sao phải đóng tiền xây dựng cơ sở vật chất trường học?”. Còn chị Hoàng Thị Thu Th. (thôn Xuân Phú) cũng thể hiện sự bất bình: “Gia đình tôi có 2 con đang đi học, vừa rồi cũng có nghe nhà trường thông báo về khoản thu này nhưng tôi chưa đóng. Bây giờ cuộc sống khó khăn, lo cho con đi học đã đủ thứ tiền, giờ lại phát sinh thêm khoản này nữa”. Theo chị Th., nhiều phụ huynh cũng có ý kiến với nhà trường. Nhà trường trả lời rằng đây là quyết định của xã, trường chỉ thu hộ. Vì lo con em của mình bị “để ý” nên nhiều người đành phải đóng cho xong.

Đúng mục đích nhưng sai phương pháp

Ông Trần Duy Hoan, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Xuân cho biết, để có kinh phí trả nợ, UBND xã Phú Xuân đã xin chủ trương đấu giá 17 thửa đất trên địa bàn xã và đã được phê duyệt. Tuy nhiên, sau nhiều lần đấu giá thì xã mới bán được 5 thửa đất với tổng số tiền 786 triệu đồng.

Còn về vấn đề xã hội hóa, ông Hoan thừa nhận: Xã đã tiến hành họp nhiều lần để thống nhất chủ trương. 32 thôn trong xã cũng tổ chức họp và được người dân đồng tình. Khi họp thì cũng có ý kiến không đồng tình, đặc biệt là các hộ không có con đi học. Việc huy động nhân dân đóng góp đã được thường trực 4 bên của xã đồng ý chủ trương chứ chưa báo cáo bằng văn bản lên UBND huyện cũng như chưa thông qua HĐND xã.

Nhà hiệu bộ của Trường THCS Phú Xuân với tổng số vốn đầu tư xây dựng 2 tỷ đồng, trong đó có vốn đối ứng của UBND xã là 800 triệu đồng.
Nhà hiệu bộ của Trường THCS Phú Xuân với tổng số vốn đầu tư xây dựng 2 tỷ đồng, trong đó có vốn đối ứng của UBND xã là 800 triệu đồng.

Theo ông Hoan, dự kiến, mỗi năm số tiền thu từ hộ không có con đi học là 231.750.000 đồng (1.545 hộ), thu từ hộ có con đi học năm học 2019-2020 là 700 triệu đồng. Tổng thu dự kiến trong năm nay là khoảng 931 triệu đồng. “Đến thời điểm hiện tại, số tiền thu được mới chỉ hơn 340 triệu đồng. Hiện tại xã đang tạm dừng thu để hoàn chỉnh các hồ sơ, văn bản, thủ tục theo quy định của pháp luật”, ông Hoan thông tin.

Liên quan đến vấn đề này, ông Trương Hoài Anh, Chủ tịch UBND huyện Krông Năng cho biết, đã chỉ đạo các cơ quan chức năng thành lập đoàn kiểm tra để làm rõ một số nội dung liên quan. Trên cơ sở đối chiếu các quy định của pháp luật, các tài liệu liên quan thì việc thu huy động xã hội hóa của xã Phú Xuân nhằm đáp ứng nhu cầu về cơ sở hạ tầng phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới là đúng mục đích. Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện thì phương pháp của UBND xã chưa thể hiện rõ, còn mang tính chung chung, tính cào bằng, chưa tách ra từng đối tượng cụ thể; chưa xây dựng được tổng dự toán thu và dự toán phân bổ chi cho từng công trình cụ thể…

Để chấn chỉnh công tác này, ngày 23-10-2019, UBND huyện Krông Năng đã có Công văn số 875/UBND-VP về việc triển khai thực hiện một số nội dung liên quan đến công tác thu xã hội hóa trên địa bàn xã Phú Xuân. Theo đó, Chủ tịch UBND huyện Krông Năng Trương Hoài Anh yêu cầu UBND xã Phú Xuân phải điều chỉnh phương án thu xã hội hóa bảo đảm phù hợp với thực tiễn của địa phương và quy định của pháp luật; quản lý, sử dụng các nguồn quỹ công khai, minh bạch trên cơ sở tự nguyện của nhân dân. Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền, phổ biến đến các tầng lớp nhân dân hiểu rõ về các khoản huy động, đóng góp nhằm góp phần đáp ứng cơ sở vật chất, hạ tầng để hoàn thành mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới...

Duy Tiến


Ý kiến bạn đọc


Chủ động ngăn ngừa “giặc lửa” tấn công rừng
Mùa khô Tây Nguyên đang bước vào giai đoạn cao điểm. Nắng nóng kèm theo gió lớn khiến thảm thực bì ở những cánh rừng khô nhanh làm tăng nguy cơ cháy rừng. Với phương châm “phòng cháy hơn chữa cháy” các ngành chức năng, chủ rừng, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã và đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để phòng ngừa “giặc lửa” tấn công rừng.