Multimedia Đọc Báo in

Dân hỏi – Thủ trưởng cơ quan hành chính trả lời

Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán

18:53, 31/01/2019
Thời điểm Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân tăng cao, chính vì vậy công tác bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trong thời gian này cần được đặc biệt quan tâm. Chung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Đắk Lắk đã có buổi trao đổi với ông DOÃN HỮU LONG, Giám đốc Sở Y tế trong Chương trình “Dân hỏi – Thủ trưởng cơ quan hành chính trả lời”.
 
Giám đốc Sở Y tế Doãn Hữu Long.
Giám đốc Sở Y tế Doãn Hữu Long.
- Thưa ông, cứ vào dịp Tết Nguyên đán, cùng với nhu cầu mua sắm hàng hóa, thực phẩm tăng cao thì vấn đề VSATTP cũng được người dân quan tâm. Ông đánh giá thế nào về thực trạng, nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay trên địa bàn tỉnh?
 
+ Tết Nguyên đán là dịp mua sắm hàng hóa nói chung và đặc biệt là thực phẩm của người dân tăng cao. Cùng với nhu cầu mua sắm và sử dụng thực phẩm của người dân, các cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng tăng cường sản xuất, lưu thông và phân phối một lượng lớn thực phẩm bao gói sẵn. Đây là cơ hội để một số cá nhân và tổ chức lợi dụng nhằm sản xuất thực phẩm nhái, thực phẩm giả, thực phẩm chưa được công bố chất lượng đưa vào lưu thông trên thị trường.
 
Dịp Tết Nguyên đán còn xuất hiện nhiều loại thực phẩm sản xuất theo thời vụ, không có bao gói, hoặc bao gói đơn giản như các loại mứt, bánh chưng, bánh tét, các sản phẩm từ thịt… do người dân tự sản xuất, không được giám sát về mặt chất lượng nhưng lại được bày bán và sử dụng rất nhiều.
 
Ngoài ra, thói quen trữ thực phẩm và sử dụng thực phẩm của người dân trong dịp Tết Nguyên đán cũng gây nguy cơ mất an toàn thực phẩm như: trữ quá nhiều thực phẩm trong tủ lạnh; bảo quản thực phẩm thường quá lâu…
 
Người tiêu dùng mua sắm hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán tại Chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột.
Người tiêu dùng mua sắm hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán tại Chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột.
- Vậy với vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình, ngành Y tế đã triển khai các giải pháp gì để đảm bảo VSATTP, phòng chống ngộ độc trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới?
 
+ Sở Y tế - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành của tỉnh về an toàn thực phẩm đã ban hành kế hoạch triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 và mùa lễ hội Xuân 2019. Trong đó đề ra các hoạt động như: Tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao kiến thức, thái độ, thực hành về an toàn thực phẩm của người sản xuất, người kinh doanh và người tiêu dùng trong việc bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm. Triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; tập trung vào những mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán như thịt, các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm…
 
Ngoài ra Sở Y tế còn chỉ đạo các đơn vị liên quan chuẩn bị sẵn sàng về nhân lực, phương tiện, hóa chất, dụng cụ, thuốc men… để triển khai phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm nếu có xảy ra trong dịp Tết Nguyên đán…
 
- Như ông đã nói, một trong những hoạt động được đẩy mạnh dịp này là thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống. Vậy kết quả được đánh giá như thế nào, thưa ông?
 
+ Trong đợt kiểm tra vừa rồi, Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đã kiểm tra 21 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm lớn trên địa bàn tỉnh và đều đạt chất lượng 100%. Tuy nhiên đó mới chỉ là về thủ tục, giấy phép, cảm quan ban đầu, còn đi sâu vào bản chất bên trong để xem có yếu tố vi sinh vật hay hóa chất gây hại cho người hay không thì Đoàn kiểm tra liên ngành cũng lấy 8 mẫu đang gửi đi Trung tâm xét nghiệm. Khi có kết quả sẽ công bố trên cổng thông tin điện tử của ngành để người dân biết đơn vị nào vi phạm và nếu có vi phạm thì phải xử lý, đình chỉ, thu hồi sản phẩm đã đưa ra thị trường…
 
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
 
Lan Anh (thực hiện)
 

Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.