Multimedia Đọc Báo in

Bố trí, sắp xếp, ổn định dân di cư tự phát: Cần có giải pháp căn cơ (Kỳ 1)

08:57, 27/08/2018

Đắk Lắk là một trong những tỉnh Tây Nguyên có số lượng dân di cư tự phát lớn, gây nhiều khó khăn, hệ lụy trong phát triển kinh tế - xã hội, quản lý hành chính, bảo đảm an ninh trật tự địa phương. Công tác bố trí, sắp xếp, ổn định dân di cư tự phát cần một giải pháp căn cơ, toàn diện.

Kỳ 1: Ồ ạt di cư tự phát đến Đắk Lắk

Là vùng đất đỏ bazan màu mỡ, khí hậu ôn hòa với nhiều loại cây trồng chủ lực, hiệu quả kinh tế cao, Đắk Lắk đã trở thành một trong những “miền đất hứa” thu hút hàng chục nghìn hộ dân ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước di cư tự do đến với mong muốn tìm cơ hội “đổi đời”.

60 tỉnh, thành có dân di cư đến Đắk Lắk

Krông Bông là một trong số những huyện trên địa bàn tỉnh có số lượng dân di cư tự phát đến khá đông. Từ năm 1996 đến nay, đã có 2.535 hộ với 16.607 khẩu chủ yếu là người Hmông, Mường, Dao, Tày, Nùng… di cư tự phát từ các tỉnh phía Bắc vào cư trú tại các xã Hòa Phong, Cư Pui, Cư Đrăm. Ông Nguyễn Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Cư Pui than phiền: Cư Pui là địa phương có đông dân di cư tự phát nhất huyện với 1.237 hộ, 7.997 khẩu, tập trung tại 6 thôn: Ea Lang, Ea Uôl, Cư Tê, Ea Bar, Ea Rớt, Cư Rang. Điều đáng quan ngại là số dân di cư tự phát đến xã có chiều hướng gia tăng bởi người đi trước rỉ tai, lôi kéo người đi sau rời quê tìm vùng đất mới để lập làng, lập nghiệp, gây rất nhiều khó khăn cho địa phương.

Người dân thôn Ea Rớt (xã Cư Pui, huyện Krông Bông) bất chấp nguy hiểm đi bè qua vùng nước ngập.
Người dân thôn Ea Rớt (xã Cư Pui, huyện Krông Bông) bất chấp nguy hiểm đi bè qua vùng nước ngập.

Tại huyện M’Đrắk hiện cũng có khoảng 1.977 hộ với 10.322 khẩu của các tỉnh Cao Bằng, Hà Giang, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Tuyên Quang… di cư vào sinh sống tại 5 xã Cư San, Cư Króa, Krông Á, Ea Mđoal, Ea Trang. Hay như huyện Ea Súp – một trong những địa phương của tỉnh “đau đầu” nhất với tình trạng di cư tự phát, bởi chỉ tính riêng từ năm 2005 đến nay đã có 844 hộ với 4.481 khẩu của nhiều tỉnh trong cả nước di cư ngoài kế hoạch đến sinh sống, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa của huyện. Hầu như năm nào huyện Ea Súp cũng có dân di cư tự phát đến, trong đó nhiều năm riêng số dân di cư đến đây còn nhiều hơn các huyện khác trong tỉnh cộng lại, chẳng hạn như: năm 2008 có 333 hộ với 1.982 khẩu, năm 2009 có 172 hộ với 865 khẩu, năm 2012 có 104 hộ với 487 khẩu. Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2018, huyện Ea Súp là địa phương duy nhất của tỉnh có dân di cư tự phát đến với 57 hộ, 308 khẩu.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, từ năm 1976 đến tháng 7-2018, toàn tỉnh có 59.702 hộ với 290.679 khẩu của 60 tỉnh, thành phố trong cả nước di cư đến cư trú tại 13 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, trong đó có 18.961 hộ, 99.957 khẩu là người dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Hmông, Tày, Nùng, Dao.

“Chật vật” nơi vùng đất mới

Với mong muốn tìm một vùng đất mới màu mỡ hơn để cải thiện cuộc sống, “nở mày nở mặt” với bà con ở quê nhưng phần lớn các hộ dân di cư tự phát đều đối mặt với nhiều khó khăn, thiếu thốn, chật vật.

Nằm cách trung tâm xã Cư Pui hơn 20 km với con đường độc đạo qua nhiều đèo dốc, đời sống của hơn 200 hộ dân, gần 1.300 khẩu di cư tự phát đến sinh sống ở thôn Ea Rớt được xem là khó khăn nhất huyện Krông Bông. Chị Sùng Thị Chợ, một người dân trong thôn than thở: “Việc đi lại của người dân vất vả lắm, mùa khô thì bụi mù mịt, mùa mưa phải gắn xích vào bánh xe máy mới leo dốc được. Phụ nữ không lái xe vững đành phải đi bộ. Vì vậy những đợt mưa dầm có khi cả tháng người dân không giao thương với bên ngoài, mọi thứ phải tự cung tự cấp”.

Trẻ em ở thôn Ea Rớt (xã Cư Pui, huyện Krông Bông) tự ở nhà chơi với nhau để bố mẹ lên rẫy.
Trẻ em ở thôn Ea Rớt (xã Cư Pui, huyện Krông Bông) tự ở nhà chơi với nhau để bố mẹ lên rẫy.

Không chỉ đường sá cheo leo, đèo dốc, lại do địa bàn thôn nằm trong vùng ngập nước của hồ Krông Pắc Thượng nên nhiều diện tích cây trồng và đường đi bị ngập, người dân phải bất chấp nguy hiểm để đi bè qua. Trưởng thôn Ea Rớt Vàng Seo Măng cho biết, hai năm gần đây người trong thôn phải liều mình đi bè qua vùng nước ngập sâu để lên rẫy hoặc ra trung tâm xã. Nhiều trường hợp đi đến giữa hồ thì bè lật, cả người và nông sản rớt xuống nước.

Tuy chưa có trường hợp nào thiệt mạng nhưng người dân trong thôn rất ám ảnh mỗi khi qua vùng nước sâu. Đường sá đi lại khó khăn, cuộc sống thiếu thốn trăm bề nên nhiều trẻ em trong thôn bỏ học sớm để lập gia đình hoặc phụ giúp bố mẹ làm nương rẫy”.

Không chỉ ở thôn Ea Rớt, xã Cư Pui mà phần lớn đời sống của những hộ dân di cư tự do ở các thôn, buôn khác trên địa bàn tỉnh cũng đều gặp rất nhiều khó khăn. Theo ông Hoàng Văn Páo, Trưởng buôn H’Mông, xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar, 2 buôn H’Mông ở xã Ea Kiết hiện có 168 hộ với 852 khẩu, 100% đều là người dân tộc thiểu số phía Bắc di cự tự do vào sinh sống từ năm 1999. Dù đã trải qua gần 20 năm nhưng hiện nay vẫn còn 89 hộ thuộc diện nghèo và cận nghèo. Người dân sinh sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp với quy mô nhỏ lẻ, nhiều năm liền sống trong tình trạng “5 không”, nhà cửa tạm bợ, việc giao lưu, trao đổi hàng hóa với bên ngoài rất hạn chế do cư trú trong khu vực biệt lập, giao thông bị chia cắt.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, đời sống của các hộ dân di cư tự phát gặp rất nhiều khó khăn, trình độ văn hóa thấp, đa phần không biết tiếng phổ thông, sinh sống biệt lập ở vùng sâu, vùng xa, làm tăng số hộ nghèo chung của tỉnh. Theo kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo đa chiều cuối năm 2017, toàn tỉnh có 66.956 hộ nghèo, chiếm 15,37%; 42.704 hộ cận nghèo, chiếm 9,8%. Huyện có hộ nghèo cao nhất là Ea Súp với 1.203 hộ, huyện M’Đrắk là 723 hộ…

(Còn nữa)

Kỳ 2: Nhiều khó khăn, hệ lụy

Nguyễn Xuân - Lê Lan


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.