Multimedia Đọc Báo in

Cần hiểu đúng "cà phê sạch"

11:23, 23/04/2017
Thời gian gần đây, người uống cà phê đang có xu hướng tìm đến những sản phẩm cà phê nguyên chất với niềm tin rằng mình đang được thưởng thức cà phê sạch. Thế nhưng, như thế nào là “cà phê sạch” thì nhiều người lại đang rất mù mờ.
 
Thực tế hiện nay đã có rất nhiều quán cà phê kinh doanh và lấy biển hiệu, thông tin là cà phê sạch. Đây là xu hướng kinh doanh tất yếu khi người tiêu dùng đang ngày càng quan tâm đến chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm để bảo đảm sức khỏe. Theo quan điểm của các quán cà phê này, cà phê sạch được hiểu đơn giản là loại cà phê được tạo ra từ 100% hạt cà phê, không trộn lẫn bất kỳ loại hương liệu, hóa chất hay tạp chất nào khác. Điều này không sai, nhưng chưa hẳn đã hoàn toàn đúng. Bởi cà phê có sạch hay không còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó, quan trọng nhất là việc bảo đảm vệ sinh trong quá trình chế biến. Cũng là loại cà phê bột được tạo ra từ 100% hạt cà phê, nhưng nếu nguyên liệu đầu vào (hạt cà phê), công cụ chế biến, nhân công… không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm thì dù không trộn phụ gia vẫn chưa thể cho ra sản phẩm cà phê sạch. Trong khi đó, cà phê có trộn phụ gia, hương liệu, nhưng nếu phụ gia và hương liệu trong danh mục và mức độ cho phép thì cà phê này vẫn “sạch” như thường.
 
Nhân viên Công ty Cà phê An Thái trình diễn các kiểu pha chế cà phê theo từng “gu” thưởng thức
Nhân viên Công ty Cà phê An Thái trình diễn các kiểu pha chế cà phê theo từng “gu” thưởng thức
 
Ở Việt Nam, thói quen uống cà phê hay nói đúng hơn là “gu” uống cà phê rất đa dạng nên cà phê cũng vậy, đủ chủng loại. Và để đáp ứng nhu cầu của mỗi kiểu thưởng thức, nhà rang xay sẽ sử dụng phụ gia và hương liệu ở những mức độ khác nhau. Theo một nhà rang xay lâu năm tại TP. Buôn Ma Thuột, phụ gia thực phẩm được đưa vào với mục đích làm tăng hương, vị, màu sắc, độ bền trong bảo quản… của sản phẩm. Thậm chí phụ gia được sử dụng ở mức độ như thế nào, hàm lượng cafein đến đâu còn phụ thuộc vào thói quen uống cà phê của từng thị trường để người rang xay đưa vào, miễn làm sao vẫn bảo đảm đó là “cà phê sạch”. Vậy nên cà phê nguyên chất cũng chỉ là một cách uống cà phê trong muôn vàn kiểu uống cà phê của người Việt mà thôi. 
 
Đối với người tiêu dùng, nếu chỉ dựa vào cơ sở quan sát bên ngoài, cùng lắm cũng chỉ phân biệt được “cà phê nguyên chất” hoặc “cà phê trộn” và rất khó để khẳng định đâu là cà phê sạch. Bởi lẽ, cũng có cà phê nguyên chất bẩn, cà phê nguyên chất sạch và cà phê trộn bẩn, cà phê trộn sạch. Do vậy, khi lựa chọn sản phẩm cần tìm đến những thương hiệu có uy tín, đã được cơ quan chuyên môn kiểm chứng chất lượng. Những sản phẩm đáp ứng được yêu cầu như vậy hiện có rất nhiều trên thị trường Đắk Lắk nói riêng, cả nước nói chung.
 
Thực tế hiện nay, do không hiểu rõ về các khái niệm, người tiêu dùng dễ nhầm lẫn cà phê trộn là cà phê bẩn, nhiều cơ sở rang xay hiện nay còn cố tình đánh đồng hai khái niệm này để “đánh” vào tâm lý của người tiêu dùng. Cùng với đó, một số cơ sở rang xay chỉ sử dụng chất độn, hóa chất tạo mùi, vị, độ sánh đặc… mà hoàn toàn không có cà phê gây mất lòng tin đối với người tiêu dùng. Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, trong một đơn vị khối lượng sản phẩm, chỉ cần hàm lượng cafein từ 1% đã được công nhận đó là cà phê. Tuy nhiên, để đạt được hàm lượng cafein này, chất độn không thể quá nhiều trên 1 đơn vị khối lượng. Rõ ràng, cà phê có chất độn không phải là cà phê bẩn như lâu nay nhiều người vẫn lầm tưởng. Trong bối cảnh đó, mỗi nhà rang xay cần nâng cao chất lượng, chủ động công khai thông tin về sản phẩm, nhất là thông tin về hàm lượng cafein và liên hệ với các cơ quan quản lý Nhà nước để được kiểm tra, chứng nhận về an toàn thực phẩm. Có như vậy, sản phẩm làm ra mới có thể đứng vững được trên thị trường và “cà phê bẩn” sẽ dần tự bị loại bỏ. 
 
Giang Nam

Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.