Multimedia Đọc Báo in

Nỗi khốn khổ của người dân Ea Rớt

07:34, 08/03/2017

Cuộc sống của người dân thôn Ea Rớt (xã Cư Pui, huyện Krông Bông) đã khó khăn nay lại càng cơ cực hơn khi công trình hồ chứa nước Ea Rớt thuộc Dự án Hồ chứa nước Krông Pắc Thượng tích nước gây ngập cây trồng và đường đi.

Nước ngập đến “cổng trời”

Thôn Ea Rớt hiện có 192 hộ dân sống rải rác trên đỉnh núi Ea Lang. Muốn đến được Ea Rớt phải băng qua hơn 20 km đường núi chênh vênh, trong đó nguy hiểm nhất phải kể đến dốc Ea Lang mà người dân nơi đây thường gọi là dốc “cổng trời”. Đa số người dân nơi “cổng trời” thuộc diện hộ nghèo và đang phải sống trong cảnh “bốn không”: không đường, không điện, không nước sạch, không giấy tờ. Cuộc sống của bà con đã khó khăn lại càng thêm khổ bởi thời gian gần đây Ea Rớt đang bị cô lập khi công trình hồ chứa nước Ea Rớt tích nước gây ngập bốn bề, cản trở rất lớn đến sản xuất và sinh hoạt. Không chỉ vậy, nước dâng cao còn gây ngập các tuyến đường giao thông chính vào thôn và đường đi rẫy của người dân.

Hồ chứa nước Ea Rớt được xây dựng trên địa bàn huyện Ea Kar với mục đích cung cấp nước tưới, nước sinh hoạt và cải thiện môi trường cho người dân 2 huyện Ea Kar và Krông Pắc. Tuy nhiên, từ khi tiến hành ngăn dòng suối Ea Rớt thì nước dâng lên ngập một diện tích khá lớn thuộc địa phận huyện Krông Bông trong đó có thôn Ea Rớt. Ông Lò Tiến Dũng, trưởng thôn Ea Rớt cho biết, vào khoảng tháng 10-2016, nước hồ bắt đầu dâng cao làm ngập cây trồng và đường đi khiến người dân trong thôn bị cô lập.

Kinh tế còn khó khăn nhưng người dân thôn Ea Rớt vẫn phải góp tiền và ngày công để làm cầu tạm.
Kinh tế còn khó khăn nhưng người dân thôn Ea Rớt vẫn phải góp tiền và ngày công để làm cầu tạm.

“Hiện tại hàng hóa nông sản của người dân không thể mang ra chợ bán, các thương lái cũng không có đường đi vào thu mua vì nước ngập như sông. Người dân tuy khó khăn cũng phải góp tiền để làm bè cho người và phương tiện qua lại tạm thời, chứ vận chuyển hàng hóa là điều không thể. Nhiều hộ hết tiền, mắm muối cũng hết nhưng lúa, ngô không thể chở đi bán nên đành sống trong cảnh thiếu thốn đủ thứ” – anh Dương Văn Thành, một người dân trong thôn Ea Rớt than thở.

Ai chịu trách nhiệm?

Theo ông Nguyễn Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Cư Pui, xảy ra tình trạng trên là do khi thực hiện Dự án Hồ chứa nước Ea Rớt, chủ đầu tư không tính toán đến tác động, ảnh hưởng của dự án đối với cuộc sống của người dân. Hiện nay, những hộ dân bị ngập đất sản xuất và hoa màu đã được hỗ trợ, đền bù phần nào nhưng người dân trong thôn Ea Rớt vẫn bị cô lập vì không có đường đi. “Xã đã cử cán bộ về tận thôn để kiểm tra, nắm tình hình và làm tờ trình gửi UBND huyện Krông Bông, UBND tỉnh và Ban quản lý (BQL) Dự án Hồ chứa nước Krông Pắc Thượng (BQL Đầu tư - Xây dựng Thủy lợi 8 – Bộ NN - PTNT) có hướng giải quyết. Tuy nhiên, đến nay xã vẫn chưa nhận được bất kỳ trả lời nào của đơn vị trực tiếp liên quan” – ông Tâm nói.

Trả lời những phản ánh của người dân và chính quyền địa phương, ông Huỳnh Bài, Chủ tịch UBND huyện Krông Bông cho hay, hiện thôn Ea Rớt đang nằm ngoài vùng quy hoạch nên công tác hỗ trợ, đền bù gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng của dự án lại thuộc huyện Ea Kar. Đối với những hộ dân bị ngập đất sản xuất, UBND huyện Krông Bông đã cho rà soát, thống kê và gửi tờ trình đề nghị UBND huyện Ea Kar đền bù cho người dân. Còn việc người dân bị cô lập không có đường đi thì huyện cũng đành chịu vì phải chờ quy hoạch của Nhà nước.

Trong khi đó, ông Mai Quang Vượng, Giám đốc BQL Đầu tư - Xây dựng Thủy lợi 8 – chủ đầu tư xây dựng dự án hồ Ea Rớt, thì lại cho rằng, đơn vị chỉ có chức năng xây dựng công trình đầu mối và hệ thống kênh, khảo sát và thiết kế các chi tiết liên quan đến dự án, còn hợp phần giải phóng mặt bằng, đền bù, di dân tái định cư là do UBND huyện Ea Kar phụ trách. Hiện nay, công trình hoạt động theo thiết kế và quy hoạch của dự án, mực nước tại hồ đang ở mức dâng bình thường là 497,65 cao trình, thấp hơn mức cao trình đỉnh đập là 500,5 (mức này đã được cắm mốc đền bù). Ông Vượng cũng cho biết thêm, trước khi thực hiện, dự án chỉ đánh giá tác động của công trình đến môi trường chứ không tính toán đến tác động, ảnh hưởng đối với cuộc sống của người dân các vùng lân cận.

Về phía huyện Ea Kar, ông Nguyễn Văn Hà, Chủ tịch UBND huyện cho hay: Hiện công tác đền bù đất sản xuất cho người dân ở khu vực bị ngập đã được giải quyết theo mốc đền bù mà BQL Đầu tư - Xây dựng Thủy lợi 8 cắm. Chỉ riêng phần đường giao thông bị chia cắt ở thôn Ea Rớt, UBND huyện Ea Kar đã có đề xuất lên Bộ NN - PTNT trình Chính phủ bổ sung kinh phí để làm đường tránh cho người dân.       

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.