Multimedia Đọc Báo in

Thận trọng khi sử dụng kính áp tròng để làm đẹp

06:38, 06/12/2020

Thời gian gần đây, việc sử dụng kính áp tròng (lens) đã trở nên phổ biến trong giới trẻ bởi tính tiện lợi, thẩm mỹ.

Hiện trên thị trường có rất nhiều loại kính áp tròng với mẫu mã, màu sắc đa dạng, giá cả phải chăng để đáp ứng nhu cầu làm đẹp của giới trẻ. Tuy nhiên, nếu quá lạm dụng kính áp tròng, hoặc sử dụng, vệ sinh, bảo quản kính không đúng cách hoặc sử dụng kính với thông số không phù hợp với tình trạng mắt có thể dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm.

Muốn diện mạo của mình xinh đẹp hơn trong ngày cưới, chị Nguyễn Thị Phương (trú TP. Buôn Ma Thuột) đã đặt mua kính áp tròng từ một cửa hàng trên mạng Internet với giá 150.000 đồng/cặp. Khi đeo kính vào mắt, chị thấy mắt mình to hơn, màu sắc của mắt cũng thay đổi khiến khuôn mặt đẹp hơn. “Lúc mới đeo kính áp tròng, tôi thấy khá bình thường. Thế nhưng, chỉ vài giờ sau đám cưới, mắt tôi bắt đầu có cảm giác ngứa, rát khiến tôi dụi mắt liên tục, nước mắt cứ chảy ra, mắt đỏ ngầu. Mặc dù đã tháo kính ra, dùng nước nhỏ mắt nhưng tình trạng vẫn không thuyên giảm. Đến khám tại bệnh viện thì tôi được bác sĩ cho biết bị trầy xước giác mạc do đeo kính áp tròng không đúng cách”, chị Phương chia sẻ.

Sử dụng kính áp tròng không đúng cách để làm đẹp tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho mắt.
Sử dụng kính áp tròng không đúng cách để làm đẹp tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho mắt.

Theo thạc sĩ, bác sĩ Lê Dương Thùy Linh, Trưởng khoa Khám – Cấp cứu – Cận lâm sàng (Bệnh viện Mắt tỉnh), kính áp tròng là một thấu kính rất mỏng, trong suốt hoặc có màu được đặt trực tiếp lên bề mặt giác mạc để điều chỉnh tật khúc xạ ở mắt. Kính có hai loại là kính áp tròng cứng và mềm. Hiện nay, kính áp tròng mềm được giới trẻ sử dụng phổ biến bởi tính tiện dụng của nó. Ngoài việc giúp khắc phục các tật khúc xạ của mắt, kính áp tròng mềm còn được sử dụng như một loại phụ kiện để làm đẹp cho mắt, giúp mắt to hơn, long lanh và thay đổi màu sắc của mắt.

Trước khi sử dụng kính áp tròng, nên đến các cơ sở chuyên khoa để được tư vấn, thăm khám, lựa chọn loại kính phù hợp, đồng thời được hướng dẫn cách đeo tháo, vệ sinh, bảo quản kính đúng cách nhằm đảm bảo an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất những biến chứng do việc đeo kính áp tròng mang lại.

Tuy nhiên, không phải ai cũng biết sử dụng và bảo quản loại kính đặc biệt này đúng cách. Kính áp tròng mềm được làm bằng các chất liệu ngậm nước, được bảo quản trong dung dịch riêng và có một số loại chỉ dùng một lần. Do đó, việc sử dụng, bảo quản kính không bảo đảm vệ sinh sẽ rất dễ dẫn đến sự xâm nhập của vi khuẩn, nấm, các tác nhân gây bệnh làm mắt bị viêm kết mạc, loét giác mạc. Từ chất lượng kính đến dung dịch sát khuẩn đều có thể là nguồn viêm nhiễm, chứa vi khuẩn gây hại cho mắt. Bên cạnh đó, đối với loại kính áp tròng làm thay đổi màu mắt, thuốc nhuộm và sơn độc hại dùng trong kính có thể bị rò rỉ vào mắt gây tắc nghẽn ở mắt, làm mắt thiếu oxy. Tình trạng thiếu oxy nghiêm trọng sẽ làm cho mắt bị biến dạng và nhiễm trùng, gây các bệnh nghiêm trọng như thủng giác mạc mắt và có nguy cơ bị mù mắt vĩnh viễn. Kính áp tròng mềm còn làm giảm lượng nước mắt vào giác mạc vì kính áp tròng mềm là dạng ngậm nước, nó sẽ hấp thụ hầu hết nước mắt của người đeo khiến mắt bị thiếu nước gây ra hội chứng khô mắt dẫn đến ngứa, cảm giác nóng rát và đỏ mắt. Nếu mắt quá khô sẽ dẫn đến sẹo giác mạc.

Ngoài ra, có nhiều người đeo kính và tháo kính không đúng cách, vô tình dùng tay hoặc móng quay quá dài chọc vào mắt, hoặc dùng kính có thông số không phù hợp khiến mắt bị tổn thương trầy, xước giác mạc. Thực tế hiện nay, do nhu cầu của giới trẻ nên thị trường đang bán rất nhiều loại kính áp tròng trôi nổi, kém chất lượng, khi dùng sẽ gây hại cho đôi mắt. Do đó, bác sĩ khuyến cáo, mọi người không nên tự ý mua và sử dụng các loại kính áp tròng. Khi có những biểu hiện bất thường như đỏ mắt, đổ gèn, đau nhức, nhìn mờ… thì cần ngừng đeo kính áp tròng ngay và đến khám tại các cơ sở chuyên khoa mắt để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Phương Nhiên


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.