Multimedia Đọc Báo in

Những điều cần biết về bệnh bạch hầu

10:08, 12/07/2020

Bệnh bạch hầu - tác nhân gây bệnh và đường lây lan

Bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở đường hô hấp như amiđan, hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh đôi khi xuất hiện ở da, các niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục.

Tác nhân gây bệnh là vi khuẩn bạch hầu, có tên khoa học là Corynebacterium diphtheria. Vi khuẩn này tiết ra các độc tố gây tổn thương nhiều tổ chức và cơ quan của cơ thể. Người mang vi khuẩn bạch hầu có dấu hiệu bệnh được gọi là người bệnh và người mang vi khuẩn bạch hầu nhưng không có dấu hiệu bệnh được gọi là người lành mang trùng.

Bệnh bạch hầu có thể lây truyền trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp hoặc gián tiếp khi tiếp xúc với đồ chơi, vật dụng có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu. Sau khoảng 2 tuần nhiễm vi khuẩn, bệnh nhân đã có thể lây nhiễm cho người khác. Vì bệnh lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp nên tốc độ lây lan rất nhanh. Bệnh đôi khi xâm nhập qua vùng da tổn thương gây bệnh bạch hầu da.

Vì vậy, khi biết chắc mình đã tiếp xúc gần với người bệnh bạch hầu, bạn cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được làm xét nghiệm xem có mắc bệnh hay không. Tùy theo mức độ tiếp xúc, bạn có thể được cho uống thuốc điều trị dự phòng ngay, tránh bệnh khởi phát.

Ảnh minh họa (Nguồn Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn Internet)

Đối tượng dễ mắc bệnh

Bệnh bạch hầu thường gặp ở trẻ em và người lớn không được tiêm vắc xin bạch hầu hay tiêm không đủ số mũi hoặc không được tiêm nhắc lại. Những người (mọi lứa tuổi) có tiếp xúc với người bị bệnh bạch hầu, hoặc đi du lịch đến nơi đang có dịch bệnh nhưng chưa được tiêm ngừa vắc xin là những đối tượng nguy cơ.

Trẻ sơ sinh đến 6 tháng tuổi thường không mắc bệnh do trẻ nhận được kháng thể chống bệnh bạch hầu từ mẹ truyền sang lúc mang thai. Tuy nhiên, lượng kháng thể này sẽ giảm dần và mất đi khi trẻ trên 6 tháng, do đó trẻ sẽ có nguy cơ mắc bệnh nếu không được tiêm ngừa vắc xin.

Miễn dịch bảo vệ sau tiêm vắc xin thường kéo dài khoảng 5 - 10 năm, hiệu quả bảo vệ của vắc xin lên đến 97% nhưng giảm dần theo thời gian. Do vậy, nếu không tiêm nhắc lại chúng ta vẫn có thể mắc bệnh.

Triệu chứng bệnh

Triệu chứng bệnh thay đổi tùy theo vị trí và độ nặng của nhiễm trùng tại chỗ, tuổi tác của người bệnh, các bệnh có sẵn từ trước hoặc các bệnh toàn thân xảy ra cùng lúc.

Các triệu chứng khởi đầu phải lưu ý là: sốt nhẹ, đau họng, ho, khàn tiếng, chán ăn. Sau 2 - 3 ngày, xuất hiện màng giả ở mặt sau hoặc hai bên thành họng. Khi có những triệu chứng này, phải nhanh chóng đến cơ sở y tế để được thăm khám, xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị kịp thời. Giai đoạn khởi đầu thường dễ nhầm lẫn với viêm họng hay viêm amiđan thông thường, tuy nhiên ta cần nghĩ đến bạch hầu nếu đang trong mùa dịch hay người bệnh đang trong vùng dịch hoặc có tiếp xúc với người bệnh.

Nếu bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị trễ, bệnh phát triển thành thể bệnh nặng với tình trạng nhiễm độc nặng: màng giả lan nhanh, kèm theo xuất huyết và hoại tử nhiều vùng mô xung quanh, hơi thở hôi, hạch cổ, hạch dưới hàm và mô quanh các hạch sưng to làm vùng cổ sưng to (thường gọi là cổ “bạnh”), xuất huyết dưới da, xuất huyết tiêu hóa… và diễn tiến đến tử vong.

Sau khi mắc bệnh, người bệnh sẽ có miễn dịch suốt đời. Tuy nhiên với những nhóm người suy giảm miễn dịch thì tỷ lệ tái nhiễm bệnh khoảng 2 – 5%.

Biến chứng thường gặp nhất của bệnh bạch hầu là viêm cơ tim và viêm dây thần kinh. Viêm cơ tim có thể xảy ra trong giai đoạn toàn phát của bệnh hoặc cũng có thể xảy ra chậm vài tuần sau khi bệnh đã khỏi. Nếu viêm cơ tim xuất hiện sớm trong những ngày đầu của bệnh, tiên lượng thường rất nặng, tỷ lệ tử vong rất cao. Viêm dây thần kinh thường ảnh hưởng đến dây thần kinh vận động và thường hồi phục hoàn toàn. Các biến chứng khác có thể xảy ra như viêm kết mạc mắt hoặc suy hô hấp do tắc nghẽn đường hô hấp có thể xảy ra ở trẻ em, đặc biệt là nhũ nhi.

Tỷ lệ tử vong do bệnh bạch hầu khoảng 5 - 10%, có thể tăng cao đến 20% ở trẻ em dưới 5 tuổi và người lớn trên 40 tuổi. Tỷ lệ này dường như không thay đổi trong 50 năm qua.

Phòng ngừa

Cách tốt nhất để phòng bệnh bạch hầu là tiêm ngừa vắc xin bạch hầu. Tại Việt Nam, hiện không có vắc xin phòng bệnh bạch hầu đơn thuần, chỉ có vắc xin phối hợp để ngừa chung với các bệnh khác trong đó có thành phần kháng nguyên bạch hầu như: Vắc xin 2 trong 1 (vắcxin Td) phòng 2 bệnh: bạch hầu, uốn ván; vắc xin 3 trong 1 (Adacel, Boostrix) phòng 3 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván; vắc xin 4 trong 1 (Tetraxim) phòng 4 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt; vắc xin 5 trong 1 (Pentaxim) phòng 5 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm phổi - viêm màng não do Hib; vắc xin 5 trong 1 (Quinvaxem, Combe Five) phòng 5 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm phổi - viêm màng não do Hib, viêm gan B; vắc xin 6 trong 1 (Infanrix Hexa, Hexaxim) phòng 6 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm phổi -viêm màng não do Hib, viêm gan B.

Đối với các loại vắc xin: 4 trong 1, 5 trong 1 hoặc 6 trong 1 được tiêm cho trẻ từ 2 tháng trở lên theo lịch tiêm chủng quốc gia (lúc 2 tháng, 3 tháng, 4 tháng và nhắc lại lúc 16 - 18 tháng).

Các loại 2 trong 1 (vắc xin Td) hay 3 trong 1 (Adacel, Boostrix) được tiêm nhắc cho trẻ từ 4 tuổi trở lên hoặc người lớn và thường được khuyến cáo tiêm nhắc mỗi 10 năm một lần.

Ngoài ra, việc mang khẩu trang, rửa tay, giữ gìn vệ sinh trong ăn uống, sinh hoạt, giữ khoảng cách nơi đông người… là biện pháp không thể thiếu trong phòng ngừa bệnh bạch hầu nói riêng và các bệnh lý truyền nhiễm nói chung.

PGS.TS.BS. Bùi Quốc Thắng

(Nguyên Phó Trưởng bộ môn Hồi sức cấp cứu, giảng viên bộ môn Nhi, Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh)


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.