Multimedia Đọc Báo in

Cẩn thận với bệnh tiểu đường ở trẻ em

08:42, 13/10/2019

Hiện nay số lượng trẻ em mắc bệnh tiểu đường đang có xu hướng gia tăng. Tuy nhiên, nhiều người vẫn cho rằng tiểu đường là căn bệnh chỉ xuất hiện ở người trưởng thành nên thường chủ quan không đưa con đi khám khi con có biểu hiện mắc bệnh, đến khi phát hiện thì bệnh đã nặng khiến sức khỏe trẻ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Khi lên 4 tuổi, cậu con trai của chị T.T.V (ở huyện Ea Kar) bắt đầu có biểu hiện đòi ăn nhiều, thậm chí ngay sau khi vừa ăn xong bé vẫn kêu đói. Mặc dù ăn nhiều nhưng bé lại sút cân bất thường, thường xuyên mệt mỏi. Nghĩ con có vấn đề về tiêu hóa nên chị V. liên tục thay đổi các món ăn, mua thuốc bổ cho con uống.

Thấy tình trạng của con ngày một nặng, chị mới đưa con đi khám tại bệnh viện. “Thật sự tôi rất bất ngờ khi bác sĩ thông báo kết quả xét nghiệm cho thấy con tôi bị tiểu đường tuýp 1. Tôi luôn nghĩ chỉ người lớn tuổi mới mắc phải bệnh này, không ngờ con mình mới bé tí đã bị bệnh. Từ khi phát hiện mắc bệnh đến nay, cháu liên tục phải vào bệnh viện đúng lịch trình đề điều trị, cung cấp insulin cho cơ thể. Nhìn con vật lộn với bệnh tật, tôi rất xót xa”, chị V. tâm sự.

Trẻ bị bệnh tiểu đường đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.
Trẻ bị bệnh tiểu đường đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.

Cùng hoàn cảnh với chị V., anh N.V.K (trú phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột) cũng không nghĩ con mắc tiểu đường nên chủ quan không đưa con đi khám. Tới khi cháu bị nhiễm trùng, mắt nhìn mờ, đưa con đến bệnh viện thì gia đình anh mới tá hỏa vì con mắc bệnh tiểu đường. Anh K. bộc bạch: “Thật sự rất sốc và căng thẳng. Sau khi được các bác sĩ tư vấn và tìm hiểu về căn bệnh này đối với trẻ em, tôi cùng mọi người trong gia đình xác định tư tưởng cùng con sống chung với bệnh và đây thật sự sẽ là một cuộc chiến rất dài”.

Hiện nay, tại Đắk Lắk, tỷ lệ trẻ em mắc tiểu đường tuýp 1 đang gia tăng nhanh, chỉ tính riêng tại Khoa Nhi tổng hợp, thời điểm này các bác sĩ đang tiến hành điều trị cho 25 bệnh nhi mắc bệnh, trong đó nhỏ tuổi nhất là bệnh nhi 4 tháng tuổi, lớn nhất là 15 tuổi.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Thúy Minh, Trưởng Khoa Nhi tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên), tiểu đường (hay còn gọi là đái tháo đường) là một bệnh về nội tiết tố, có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào kể cả trẻ nhỏ. Tiểu đường có hai tuýp là tuýp 1 và tuýp 2; trong đó, tiểu đường tuýp 1 chủ yếu xảy ra ở trẻ nhỏ, thanh thiếu niên. Tiểu đường tuýp 1 là do tuyến tụy không sản xuất được insulin khiến quá trình chuyển hóa đường trong máu bị rối loạn làm cho lượng đường trong máu luôn ở mức cao. Đây là một trong những nguyên nhân chính gây suy thận, huyết áp và các bệnh lý về tim mạch.

Theo bác sĩ Minh, khi mắc tiểu đường tuýp 1, trẻ phụ thuộc insulin gần như suốt đời. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho trẻ như làm tổn thương các cơ quan, mạch máu, khiến trẻ dễ rơi vào tình trạng hôn mê, bị nhiễm trùng, tổn thương thận… Nguyên nhân khiến trẻ mắc bệnh có thể là do di truyền, mắc bệnh tự miễn hoặc do trẻ mắc một vài bệnh lý như nhiễm khuẩn, nhiễm các virus khác, cũng có thể do tác động của môi trường. Thực tế, chưa có kết luận chính xác về nguyên nhân gây ra tiểu đường tuýp 1. Do đó, khi trẻ có các biểu hiện như ăn nhiều, sút cân nhanh, đi tiểu nhiều, mệt mỏi, phụ huynh nên đưa trẻ tới các cơ sở y tế để được khám, phát hiện bệnh và điều trị kịp thời. Cha mẹ cần lưu ý tuân thủ chặt chẽ quá trình điều trị, thiết lập chế độ ăn uống dinh dưỡng cân bằng tốt cho sức khỏe, đặc biệt là ăn nhiều chất xơ và carbohydrates, hạn chế ăn bánh kẹo ngọt. Đồng thời giúp con có những hiểu biết về phản ứng của cơ thể trong việc ăn uống, tiếp nhận insulin và ăn đồ ngọt điều độ ở mức có thể.

Phương Nhiên


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.