Multimedia Đọc Báo in

Tác hại khi lạm dụng thuốc chống say tàu xe

09:02, 13/07/2019

Trước những chuyến đi xa, những người mắc chứng say tàu xe thường ra các tiệm thuốc tây mua thuốc uống để hạn chế các triệu chứng say tàu xe. Tuy nhiên, ít người biết rằng thường xuyên uống thuốc chống say tàu xe tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đối với sức khỏe, nhất là ở trẻ em, phụ nữ có thai, phụ nữ đang cho con bú và người có bệnh gan, thận…

Bị say xe khủng khiếp nên mỗi lần đi du lịch với gia đình và bạn bè, em Nguyễn Thị Bích Ly (phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột) lại đến tiệm thuốc tây mua chống say xe về uống. “Mỗi lần mua là tiệm thuốc lại bán cho một loại khác nhau. Em cũng thắc mắc, băn khoăn về tác dụng phụ của những loại thuốc này song vì say xe nên trước mắt em cứ uống cho đỡ mệt đã”, em Ly chia sẻ.

Chị Hoàng Thị Thu Hiền (trú xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột) có hai đứa con thì cả hai đều bị say xe. Mỗi lần cho con về quê nội ở Quảng Nam chơi, chị thường mua thuốc uống hoặc miếng dán chống say xe cho các con dùng. Có lần, bé Minh con chị mới 8 tuổi sau khi dán miếng dán chống say xe thì có biểu hiện chóng mặt, hoảng loạn, tim đập nhanh, khó thở. Chị Hiền đưa con vào bệnh viện khám thì các bác sĩ cho biết bé bị tác dụng phụ về mặt thần kinh của thuốc chống say xe.

Khi cho trẻ đi tàu, xe nên lựa chọn phương pháp chống say xe  bằng thảo dược để tránh tác dụng phụ nguy hiểm.
Khi cho trẻ đi tàu, xe nên lựa chọn phương pháp chống say xe bằng thảo dược để tránh tác dụng phụ nguy hiểm.

Theo ông Nguyễn Đình Diệm, Phó trưởng Phòng Nghiệp vụ dược (Sở Y tế), hiện nay thị trường dược phẩm có nhiều loại thuốc chống say tàu xe với nhiều cơ chế tác dụng khác nhau. Tuy nhiên, không phải đối tượng nào cũng dùng được các loại thuốc này bởi ngoài tác dụng chống say tàu xe, các loại thuốc này còn có nhiều tác dụng phụ như: Khô miệng, buồn ngủ, mất định hướng, nhìn mờ, táo bón, rối loạn tâm thần; ít gặp hơn là lú lẫn, khó tiểu… Trong đó, có những loại thuốc không sử dụng cho trẻ em, đặc biệt trẻ sơ sinh, trẻ sinh thiếu tháng, phụ nữ có thai, phụ nữ đang cho con bú. Có những loại thuốc chống say tàu xe chuyển hóa qua gan, thận nên phải thận trọng khi dùng cho người bị rối loạn chức năng gan, thận, rối loạn chuyển hóa, người già. Đặc biệt, những người có tiền sử bệnh tim mạch, tiêu hóa cần tư vấn ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thuốc chống say tàu xe.

Để thuận tiện, nhiều người thường lựa chọn miếng dán chống say tàu xe thay cho thuốc uống và nghĩ rằng để có tác dụng tốt cần dùng 2 - 3 miếng dán hoặc sử dụng cùng lúc với thuốc uống mà không biết rằng sai lầm đó có thể dẫn tới những phản ứng nguy hiểm cho cơ thể. Nếu sử dụng nhiều miếng dán cùng một lúc sẽ gây ra tình trạng dùng thuốc quá liều. Lúc này, thuốc sẽ ngấm hết qua da và thẩm thấu vào máu với liều lượng rất cao, nhẹ thì chóng mặt, hoa mắt, ói mửa, nặng thì có thể dẫn tới nguy kịch. Đặc biệt, không được dùng cả miếng dán và uống thuốc chống say xe. Việc sử dụng tùy tiện nhiều loại thuốc này sẽ khiến thần kinh trung ương và toàn thân bị chi phối, có thể dẫn đến tai biến, ngộ độc và những biến chứng nguy hiểm khó lường khác.

“Để tránh các tác dụng phụ không mong muốn của thuốc tây, tốt nhất những người hay say tàu xe nên lựa chọn phương pháp chống say bằng thảo dược như tinh dầu, trà gừng, kẹo gừng… Trước khi bắt đầu chuyến đi, hãy uống một ly trà gừng ấm hoặc nướng gừng rồi ngậm từng lát; lên xe nên chọn chỗ ngồi nơi thoáng, mát; khi xe di chuyển nên nhìn phong cảnh trước mặt, không nên nhìn sang hai bên, không đọc sách báo, xem điện thoại trên tàu xe”, ông Diệm khuyên.

Phương Nhiên


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.