Multimedia Đọc Báo in

Ðồng nhiễm lao ở người nhiễm HIV

07:56, 19/05/2019

Người nhiễm HIV/AIDS bị suy giảm hệ thống miễn dịch dẫn tới nguy cơ bị mắc nhiều loại nhiễm trùng cơ hội khác nhau, trong đó đồng nhiễm lao/HIV là một vấn đề ảnh hưởng lớn đến sức khỏe bệnh nhân.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), HIV là yếu tố nguy cơ cao nhất đối với sự tiến triển bệnh lao ở những người nhiễm vi khuẩn lao mới hoặc tiềm ẩn. Nguy cơ tiến triển bệnh lao ở người nhiễm HIV cao gấp 20 - 37 lần so với người không nhiễm HIV. Bệnh lao là nguyên nhân gây tử vong cho hơn 1/4 số người nhiễm HIV.

Bác sĩ  Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh khám cho một bệnh nhân đồng nhiễm lao/HIV.
Bác sĩ Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh khám cho một bệnh nhân đồng nhiễm lao/HIV.

Người nhiễm HIV bị suy giảm miễn dịch dẫn đến dễ mắc bệnh lao; khi người nhiễm HIV đã mắc bệnh lao thì cơ thể suy yếu, tạo môi trường làm tăng tiến triển của nhiễm HIV, làm cho suy giảm miễn dịch càng nặng hơn. Tuy nhiên, phần lớn những người nhiễm HIV/AIDS ít quan tâm đến nguy cơ mắc bệnh lao và không kịp thời điều trị. Nếu bệnh nhân tử vong cũng không tìm nguyên nhân vì sao, gia đình người bệnh thường cho rằng do bị HIV/AIDS, suy giảm hệ miễn dịch nên bệnh tiến triển nặng và tử vong. Chính suy nghĩ này đã khiến gia đình bệnh nhân chủ quan và vô tình tạo điều kiện cho bệnh lao có môi trường lây nhiễm trong cộng đồng dân cư. 

Bên cạnh đó, việc chẩn đoán lao ở người nhiễm HIV thường khó khăn hơn ở người không nhiễm, dễ bị lẫn lộn với triệu chứng của nhiều loại nhiễm trùng cơ hội khác xảy ra đồng thời với lao. Ở người nhiễm HIV thì ngoài lao phổi còn gặp nhiều thể bệnh lao ngoài phổi khác như: lao màng não, lao hạch, lao da, lao xương, lao màng tim - màng phổi - màng bụng... Theo số liệu thống kê qua điều trị bệnh nhân nhiễm HIV tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, năm 2018 có 8 bệnh nhân nhiễm HIV đồng nhiễm lao, trong đó lao phổi 4 trường hợp, lao hạch 2 trường hợp, lao màng não 2 trường hợp.

Từ thực tế này cho thấy, vấn đề kiểm soát, ngăn ngừa bệnh lao với người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS còn gặp nhiều khó khăn, rất cần sự hợp tác từ phía gia đình, người thân người bệnh. Việc điều trị đồng thời cả thuốc kháng lao và thuốc kháng virus ARV dễ ảnh hưởng tới tuân thủ điều trị, làm gia tăng tương tác thuốc cũng như tăng nguy cơ gây độc tính đối với gan, đặc biệt là ở người đồng nhiễm lao/HIV với viêm gan virus B/C. Ngoài ra, do tác dụng phụ của thuốc và do tuân thủ điều trị không tốt, lao kháng thuốc và HIV kháng thuốc là những thách thức lớn trong điều trị đồng nhiễm lao/HIV.

HIV và bệnh lao có mối liên quan chặt chẽ với nhau. Muốn thành công trong phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống lao cần thực hiện các hoạt động phối hợp trong chẩn đoán, điều trị và dự phòng để người nhiễm HIV được chẩn đoán và điều trị lao sớm. Để dự phòng mắc lao ở người nhiễm HIV, cần điều trị sớm bằng thuốc kháng HIV (ARV) và điều trị dự phòng bằng thuốc Isoniazid (INH) ở người nhiễm HIV không mắc lao tiến triển. Để đạt được mục tiêu không có người tử vong liên quan đến AIDS, việc điều trị bằng thuốc kháng HIV kịp thời và chẩn đoán, điều trị, dự phòng lao ở người nhiễm HIV là hết sức cần thiết. Do vậy, nếu người bệnh nhiễm HIV có các triệu chứng nhiễm lao (ho kéo dài hơn 3 tuần, đau ngực, đổ mồ hôi trộm về đêm, sốt, ớn lạnh, sụt cân…), cần được đưa đến cơ sở y tế gần nhất để chẩn đoán, điều trị bằng ARV và INH sớm nhất có thể.

Nguyễn Công Thành


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.