Multimedia Đọc Báo in

Ẩn họa từ trào lưu "Anti vắc xin"

10:45, 15/03/2019

Chỉ vì cha mẹ “anti vắc xin” (tẩy chay vắc xin), nhiều trẻ đã bị tước đi miễn dịch chủ động và mắc phải các bệnh truyền nhiễm. Song đáng nói hơn, về lâu dài hành vi “anti vắc xin” của nhiều người còn gây hệ lụy cho cả cộng đồng…

Cha mẹ “tẩy chay”, con gánh hậu quả

Nghe mọi người rỉ tai nhau không nên cho con tiêm vắc xin vì sau tiêm trẻ hay bị sốt, ốm, lại thấy con trai không được “phổng phao” như trẻ cùng trang lứa nên lúc con đã hơn 9 tháng tuổi chị H’Blanh Êban (ở thôn 7, xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột) vẫn nhất định không đưa đi tiêm vắc xin phòng bệnh sởi. Một thời gian dài không thấy con đau bệnh gì chị H’Blanh cũng yên tâm với quyết định của mình. Đến khi bé vừa đầy 14 tháng tuổi bị sốt cao, tiêu chảy, chị H’Blanh cứ nghĩ con bị ốm do thời tiết nên chỉ đi mua thuốc hạ sốt cho uống, sau 2 ngày cơn sốt không giảm mới đưa con đến Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột. Lúc bác sĩ thăm khám và kết luận cháu bé bị bệnh sởi, chị H’Blanh mới thấy hối hận, giãi bày: “Cứ nghĩ không tiêm vắc xin phòng bệnh cũng chẳng sao, đâu biết vì vậy mà con dễ dàng lây bệnh sởi. Ở thôn tôi, nhiều người không cho con tiêm vắc xin phòng sởi lắm vì ai cũng lo tiêm về con bị đau, bị sốt”.

Trẻ mắc sởi do không tiêm vắc xin phòng bệnh điều trị tại Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.
Trẻ mắc sởi do không tiêm vắc xin phòng bệnh điều trị tại Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.

Cũng ở trong tình cảnh tương tự, chị H’Nuăl Ktul (ở buôn Kô Sia, phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột) không cho con tiêm vắc xin phòng bệnh sởi lúc 9 tháng tuổi dẫn đến hậu quả con trai chị bị mắc bệnh sởi kèm theo biến chứng viêm phổi nặng khi mới chỉ 11 tháng tuổi. Thấy con mệt mỏi, vật vã vì bệnh suốt mấy ngày liền, chị H’Nuăl vô cùng áy náy: “Giá như tôi đừng dại dột lo sợ không đâu thì giờ con đâu phải điều trị bằng kháng sinh liều cao thế này. Cứ nghe người ta nói tiêm vắc xin vào trẻ con hay bị sốt, có đứa còn co giật nên tôi mới không đưa cháu đi tiêm, bây giờ thì hậu quả rành rành trước mắt”.

 

Theo PGS, TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), “anti vắc xin” không chỉ tạo ra nguy hiểm khi trẻ có nguy cơ cao bị mắc bệnh do không có miễn dịch bảo vệ, mà còn ảnh hưởng tới cả một thế hệ. Tiêm vắc xin phòng bệnh không chỉ là quyền lợi và trách nhiệm của mỗi cá nhân, mà còn là trách nhiệm đối với cộng đồng và xã hội.

 
 

Trường hợp của 2 bé trai nói trên chỉ là số ít trong rất nhiều trẻ trên địa bàn tỉnh mắc bệnh sởi do không được cha mẹ đưa đi tiêm vắc xin phòng bệnh theo lịch. Theo Bác sĩ Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, tại Đắk Lắk, trào lưu “anti vắc xin” chưa nổi lên một cách rầm rộ, tuy nhiên trong cộng đồng dân cư vẫn có rải rác các trường hợp “anti vắc xin”. Vì vậy hiện nay ngành Y tế đang tập trung truyền thông làm sao cho người dân hiểu được lợi ích của vắc xin, hiểu được tiêm vắc xin là biện pháp an toàn nhất, hữu hiệu nhất để chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, phòng chống các dịch bệnh truyền nhiễm. Ngoài công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, ngành cũng tổ chức truyền thông theo từng nhóm người nhỏ, nhóm người có nguy cơ dấy lên trào lưu “anti vắc xin” hay những nơi người dân chưa nhận thức đầy đủ về vắc xin.

Đừng “quay lưng” với vắc xin

Bác sĩ Phạm Văn Lào khẳng định: “Cho đến hiện tại, vắc xin được xem là thành tựu lớn nhất của ngành Y tế trong thế kỷ 20 và những năm đầu thế kỷ 21. Việc tiêm vắc xin là biện pháp hữu hiệu nhất, rẻ nhất, an toàn nhất để bảo vệ sức khỏe của người dân đối với những loại bệnh có trong chương trình tiêm chủng mở rộng hoặc những bệnh có vắc xin dự phòng”.

Trên thực tế, thành công của công tác tiêm chủng mở rộng đã đem lại những hiệu quả to lớn, làm thay đổi cơ bản cơ cấu bệnh tật ở trẻ em Việt Nam. Cụ thể, nhờ có vắc xin, Việt Nam đã thanh toán bệnh bại liệt (năm 2000), đạt mục tiêu loại trừ uốn ván sơ sinh (năm 2005), tỷ lệ mắc các bệnh thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng cũng giảm mạnh (số liệu so sánh tỷ lệ mắc bệnh trên 100.000 dân của năm 2010 với năm 1984 cho thấy, bệnh bạch hầu giảm 585 lần, ho gà giảm 937 lần, uốn ván sơ sinh giảm 59 lần, sởi giảm 573 lần).

Theo các chuyên gia y tế, hiện nay công tác tiêm chủng mở rộng luôn đảm bảo 3 yêu cầu: nâng cao tỷ lệ tiêm chủng, nâng cao chất lượng tiêm chủng, đảm bảo an toàn tiêm chủng. Trước khi đưa vào sử dụng, tất cả các loại vắc xin đều phải trải qua quá trình kiểm định nghiêm ngặt về tính an toàn và hiệu lực. Song, cũng giống như thuốc chữa bệnh, vắc xin dù có tốt đến đâu cũng không thể bảo đảm an toàn tuyệt đối như mong muốn, bởi tiêm vắc xin tức là đưa một kháng nguyên lạ vào trong cơ thể để tạo miễn dịch chủ động và mỗi cơ thể sẽ có sự tiếp nhận khác nhau. Thông thường hầu hết các trường hợp tiêm vắc xin đều có các phản ứng nhẹ như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm và tự khỏi trong vòng 24 tiếng. Nhưng bên cạnh đó cũng có một số rất ít trường hợp có phản ứng mạnh với vắc xin như sốt cao, co giật, quấy khóc kéo dài, tím tái, thậm chí sốc phản vệ. Nhiều trường hợp cùng tiêm một lô vắc xin hay cùng một lọ vắc xin lại có trẻ phản ứng rất nghiêm trọng trong khi các trẻ khác hoàn toàn bình thường, đó là do phản ứng cá thể cơ địa của từng người, hoàn toàn không phải do chất lượng vắc xin. Vì thế, các chuyên gia y tế khuyến cáo, các bậc cha mẹ cần đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch để bảo vệ cho từng cá nhân và cả cộng đồng, bởi hiện nay nguy cơ của các dịch bệnh truyền nhiễm vẫn tiềm ẩn, nhất là khi nguy cơ vi rút bại liệt xâm nhập từ các nước lưu hành bại liệt vào Việt Nam là rất lớn, uốn ván vẫn là bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất trong các bệnh có vắc xin phòng, đặc biệt là bệnh dịch sởi đang hoành hành ở nhiều nước và 44 tỉnh, thành phố của Việt Nam.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.