Multimedia Đọc Báo in

Không nên chủ quan khi bệnh sốt xuất huyết giảm

09:47, 22/11/2017

Theo nhận định của ngành Y tế, bệnh sốt xuất huyết (SXH) tuy giảm mạnh nhưng nguy cơ bùng phát rất cao, bởi theo chu kỳ hằng năm, tháng 11 vẫn là thời điểm xuất hiện đỉnh dịch. Do đó, người dân cần hết sức cẩn thận để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh.

Tính từ đầu năm đến thời điểm này, toàn tỉnh ghi nhận gần 2.100 ca bệnh SXH, giảm 7 lần so với cùng kỳ năm 2016. Điều đáng nói, trong những tuần gần đây số mắc SXH trên địa bàn tỉnh liên tục giảm. Nếu trước đây mỗi tuần toàn tỉnh ghi nhận khoảng 70 ca bệnh/tuần, cao điểm lên tới 100 ca bệnh/tuần thì nay chỉ dao động từ 15-20 ca bệnh/tuần. Đặc biệt, trong những ngày gần đây nhất, một số địa phương đã không ghi nhận ca bệnh mới, như: Krông Bông, Cư Kuin, M’Đrắk, Buôn Đôn…

Cộng tác viên y tế của thị trấn M'Đrắk (huyện M'Đrắk) hướng dẫn người dân  các biện pháp phòng bệnh SXH.
Cộng tác viên y tế của thị trấn M'Đrắk (huyện M'Đrắk) hướng dẫn người dân các biện pháp phòng bệnh SXH.

Theo bác sĩ Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, số lượng bệnh nhân giảm nhưng chưa hẳn là đã hết dịch. Bởi trên thực tế, thời điểm cuối mùa bệnh, nhiều người dân thường chủ quan nên khi phát hiện bệnh thường ở giai đoạn nặng. Hơn nữa, người đã mắc SXH rồi vẫn có khả năng mắc bệnh lại và mức độ bệnh lần sau sẽ nguy hiểm hơn lần trước.

Các chuyên gia y tế cho biết, thời tiết se lạnh kèm theo mưa là điều kiện thuận lợi để muỗi vằn truyền bệnh SXH sinh trưởng mạnh. Vì vậy, người dân không được chủ quan, phải chủ động loại bỏ các dụng cụ chứa nước đọng, vệ sinh môi trường, để không còn môi trường cho muỗi truyền bệnh sinh sống. 

Từ đầu năm đến nay, ngành Y tế đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, địa phương tích cực tuyên truyền đến các hộ gia đình về cách làm vệ sinh, diệt lăng quăng (bọ gậy), hạn chế muỗi sinh trưởng để phòng chống bệnh SXH. Tuy nhiên, qua kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch SXH tại hộ gia đình ở một số địa phương cho thấy, nhiều hộ gia đình chưa quan tâm đến việc dọn vệ sinh trong và xung quanh khu vực nhà ở mà vẫn trông chờ vào các hoạt động phòng chống dịch của chính quyền và cơ quan chức năng. Thậm chí, khi dịch bệnh lắng xuống, việc tổng vệ sinh khu phố, thôn, buôn ở nhiều nơi chỉ mang tính hình thức. Đây là điều mà ngành Y tế lo ngại nhất, bởi dù số ca mắc SXH liên tục giảm, nhưng thời tiết hiện nay vẫn tạo điều kiện thuận lợi để muỗi truyền bệnh phát triển và nguy cơ dịch bệnh bùng phát rất cao nếu lơi lỏng các biện pháp phòng chống.

Một trường hợp mắc SXH điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Một trường hợp mắc SXH điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Rõ ràng, để kiểm soát dịch bệnh, ngoài nỗ lực của ngành Y tế còn cần ý thức tự giác của mỗi cá nhân, hộ gia đình. Theo đánh giá của ngành chức năng, chỉ cần khoảng 10% số hộ gia đình trên địa bàn tỉnh không hợp tác với ngành Y tế trong phòng chống dịch, không chủ động diệt muỗi, lăng quăng thì muỗi ở những gia đình này sẽ tiếp tục sinh đẻ và tràn sang khu vực xung quanh. Và như vậy dịch bệnh vẫn ẩn chứa và có nguy cơ bùng phát.

Trước những diễn biến bất thường của thời tiết và thời điểm đỉnh dịch đang tiếp diễn, để khống chế dịch bệnh SXH bùng phát trở lại, ngành Y tế tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác giám sát ca bệnh, theo dõi và xử lý ổ dịch kịp thời, hiệu quả, nhất là với những ổ dịch mới phát sinh. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn người dân nâng cao ý thức vệ sinh môi trường tại gia đình và cộng đồng để diệt lăng quăng, diệt muỗi, phòng bệnh SXH.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.