Multimedia Đọc Báo in

Cảnh báo gia tăng số mắc và tử vong do bệnh dại

19:31, 15/11/2017

Nếu như năm 2015 và 2016 toàn tỉnh không ghi nhận trường hợp mắc bệnh dại, thì chỉ trong vòng từ đầu tháng 8-2017 đến nay, toàn tỉnh đã xảy 4 trường hợp tử vong do bị chó, mèo dại cắn, cào.

Cái chết thương tâm của bệnh nhân P.Đ.T. (sinh năm 1993), ở thôn 6, xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin sau khi lên cơn dại cách đây khoảng 1 tháng là bài học đau lòng cho mọi người. Theo thông tin từ ngành Y tế, trong vòng 5 tháng trước, T. đã 2 lần bị chó cắn, mèo cào nhưng chủ quan không đi tiêm phòng. Chỉ đến khi T. phát bệnh, có các biểu hiện của chứng dại như sợ nước, sợ ánh sáng, hoảng loạn, gia đình mới cuống cuồng đưa đến bệnh viện để cứu chữa nhưng không còn kịp nữa.

Cũng như vậy, 3 trường hợp khác cũng lên cơn dại và tử vong xuất phát từ nguyên nhân bị chó, mèo cào, cắn nhưng không đến cơ sở y tế tiêm vắc xin phòng bệnh dại.

Tiêm vắc xin là biện pháp hữu hiệu để dự phòng bệnh dại (Ảnh minh họa).
Tiêm vắc xin là biện pháp hữu hiệu để dự phòng bệnh dại (Ảnh minh họa)

Bác sĩ Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết, nguy cơ tiếp tục có người tử vong do bệnh dại trên địa bàn tỉnh là rất lớn. Bởi số bệnh nhân tử vong vì bệnh dại chủ yếu sống ở khu vực nông thôn, vùng khó khăn. Đây cũng là những nơi có tỷ lệ tiêm phòng dại cho đàn vật nuôi thấp, trong khi người dân vẫn có thói quen thả rông chó, chủ quan không đi tiêm phòng khi bị vật nuôi cắn. Thống kê cho thấy, hiện đàn chó của địa phương được tiêm phòng đạt tỷ lệ rất thấp 41.000/360.000 con (đạt khoảng 11%).

Theo bác sĩ Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 2.800 trường hợp nghi bị chó dại cắn đến các cơ sở y tế để tiêm phòng và điều trị dự phòng bệnh dại. 

Trước nguy cơ gia tăng số người tử vong do bệnh dại, ngành Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh dại; tập trung giám sát, điều tra tình hình dịch bệnh, chú trọng các ca phơi nhiễm trên địa bàn, thông báo với cơ quan thú y tiêm vắc xin dại bổ sung cho đàn chó, mèo tại các địa phương có trường hợp tử vong. Đồng thời, đặt 13 điểm tiêm vắc xin phòng dại tại trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố (riêng TP. Buôn Ma Thuột có 2 địa điểm tiêm); hỗ trợ tiêm miễn phí 200 liều vắc xin phòng dại cho người nghèo, cận nghèo và đối tượng chính sách bị chó, mèo nghi dại cắn.

Theo các chuyên gia y tế, dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, gây viêm não tủy cấp tính do vi rút, lây truyền từ động vật mắc bệnh (chó, mèo) sang người qua vết thương hở, nếu không tiêm phòng sẽ tử vong. Thời gian ủ bệnh từ vài tuần đến hàng năm tùy theo vị trí vết cắn. Tuy nhiên, bệnh có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vắc xin. Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm trên vùng da bị trầy xước, kể cả khi đang chơi đùa với những con vật này, người dân cần rửa sạch vết thương bằng muối pha loãng và xà phòng, sau đó đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn tiêm vắc xin phòng bệnh dại.

Các chuyên gia y tế cũng lưu ý, chó sắp lên cơn dại thường có biểu hiện bất thường như chảy nhiều nước bọt, nằm yên một chỗ, có thể lừ đừ hoặc có khi kích động chạy rông, cắn xé hoảng loạn, liệt chân… Đặc biệt, chó không có triệu chứng dại cũng có thể mang siêu vi trùng, nhất là chó con. Do đó, để phòng bệnh, chủ nuôi chó phải nuôi nhốt, rọ mõm và tiêm phòng dại cho vật nuôi định kỳ, không nên để chó chạy rông.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.