Multimedia Đọc Báo in

Cẩn trọng với bệnh viêm não Nhật Bản

09:10, 20/10/2017

Viêm não Nhật Bản là một trong những bệnh nguy hiểm, gây tỷ lệ tử vong cao hoặc để lại những di chứng nặng nề ở trẻ nhỏ. Biện pháp phòng bệnh quan trọng nhất là tiêm chủng.

Song, hầu hết số trẻ mắc bệnh trên địa bàn trong thời gian qua đều do không tiêm vắc xin phòng bệnh hoặc tiêm chưa đủ số mũi quy định.

Buổi sáng thức dậy, thấy con trai Lê Chí Quốc Dũng (sinh năm 2006) bị sốt và kêu đau đầu, tê bàn chân trái, yếu tay trái, vợ chồng anh Lê Chí Tiến, ở thôn 4, xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột vội vàng đưa con đến khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Một ngày sau đó, thấy bệnh tình của con không thuyên giảm, gia đình xin chuyển vào điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng I (TP. Hồ Chí Minh).

Tại đây, xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của Dũng cho kết quả dương tính với viêm não Nhật Bản B. Tuy nhiên, khi hỏi về lịch sử tiêm chủng của Dũng, vợ chồng anh Tiến đều lắc đầu không nhớ nổi con mình đã được tiêm vắc xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản hay chưa. Anh Tiến chia sẻ: “Chỉ vì mải lo làm ăn, buôn bán, ít có thời gian chăm lo con cái nên cũng không để ý nhiều đến việc tiêm phòng cho cháu. Mới đây do sửa nhà nên sổ tiêm chủng của cháu cũng bị thất lạc luôn. Giờ biết được nguyên nhân chủ yếu khiến con mắc bệnh là do chưa được tiêm phòng, tôi ân hận lắm. May mắn là con tôi đã thoát cơn nguy kịch và chập chững đi lại được”.

Tiêm  bổ sung vắc xin viêm não Nhật Bản cho trẻ  từ 6-15 tuổi trên địa bàn  xã Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột).
Tiêm bổ sung vắc xin viêm não Nhật Bản cho trẻ từ 6-15 tuổi trên địa bàn xã Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột).

Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 5 trường hợp mắc viêm não Nhật Bản, trong đó có 1 trường hợp tử vong (cũng ở xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột). Điều đáng nói cả 5 trường hợp nói trên đều chưa tiêm phòng vắc xin hoặc chưa tiêm đủ 3 mũi vắc xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản.

Trước diễn biến phức tạp của bệnh viêm não Nhật Bản tại địa phương, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã phối hợp với các ngành chức năng và các địa phương, nhất là những địa bàn có người mắc bệnh để kịp thời tuyên truyền các biện pháp phòng chống bệnh viêm não Nhật Bản cho người dân; vận động nhân dân không nuôi gia súc dưới gầm sàn nhà ở; phát quang bụi cây quanh nhà, dọn vệ sinh môi trường, đưa con em đi tiêm đủ liều vắc xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản theo lịch tiêm chủng; tập huấn về giám sát phát hiện, kỹ năng truyền thông và vận động cho cán bộ y tế cơ sở, phác đồ cấp cứu và điều trị để nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị ở tất cả các tuyến nhằm hạn chế thấp nhất tử vong do viêm não Nhật Bản.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, tiêm vắc xin là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng chống viêm não Nhật Bản. Cụ thể: mũi 1 tiêm khi trẻ 1 tuổi; mũi 2 tiêm sau mũi 1 từ 1- 2 tuần; mũi 3 tiêm cách mũi 2 một năm; sau đó, cứ 3 – 4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ đủ 15 tuổi. Nếu chỉ tiêm mũi 1 thì không có hiệu lực bảo vệ; mũi 2 hiệu lực bảo vệ khoảng 80%. Tiêm đầy đủ 3 mũi có thể bảo vệ từ 85 – 95%.

Cùng với đó, ngành Y tế tỉnh đã tổ chức chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin viêm não Nhật Bản cho trẻ tại 4 địa phương có nguy cơ cao về viêm não Nhật Bản của tỉnh (gồm: TP. Buôn Ma Thuột và các huyện Krông Ana, Lắk, Krông Bông) với mục tiêu phấn đấu đạt 98% số trẻ được bảo vệ bằng vắc xin viêm não Nhật Bản. Theo dự kiến, chiến dịch được kéo dài tới hết ngày 31-10, tổng số đối tượng được tiêm khoảng 70.000 trẻ với 120.000 mũi tiêm.

Bác sĩ Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: viêm não Nhật Bản là bệnh cấp tính lây truyền qua đường máu do vi rút viêm não Nhật Bản gây nên. Bệnh khởi phát với biểu hiện sốt cao và kèm theo rét run, đau đầu, mệt lả, buồn nôn hoặc nôn. Giai đoạn này kéo dài từ 1 đến 6 ngày. Tiếp đến là các biểu hiện rất điển hình như tiếp tục sốt cao kèm co giật, rối loạn ý thức, kích thích, vật vã, ngủ gà, lơ mơ, hôn mê, cứng gáy… Bệnh được xác định là không lây truyền từ người sang người mà qua trung gian là chủng muỗi Culex (loại muỗi hoạt động mạnh vào lúc chập tối). Đến nay, bệnh viêm não Nhật Bản chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa được bằng cách tiêm vắc xin phòng bệnh đúng liều, đúng thời gian và diệt muỗi.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.