Multimedia Đọc Báo in

Điều trị, kiểm soát đau cột sống bằng phương pháp y học cổ truyền

08:45, 13/01/2016
Đau cột sống là một trong những bệnh lý thường gặp nhất, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và sinh hoạt của con người. Thông thường khi mắc bệnh, bệnh nhân thường tìm đến phương pháp Tây y với mong muốn chấm dứt nhanh những cơn đau, song đây là căn bệnh dễ tái phát nếu không tuân thủ đúng lời khuyên của bác sĩ. Gần đây, nhiều bệnh nhân đã điều trị căn bệnh này bằng phương pháp y học cổ truyền và đạt được những kết quả khả quan.

Ông Phạm Quang Trác (59 tuổi, trú tại phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) đang điều trị bệnh đau cột sống tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh. Năm 2008, khi mới chớm bệnh, ông đã đi khám tại Bệnh viện Đa khoa thành phố và được chữa khỏi nhưng vì đặc thù công việc là chiết, ghép cây trồng, phải ngồi và khom lưng nhiều nên một thời gian sau bệnh cũ lại tái phát. Ông tìm đến Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh và được áp dụng phương pháp châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt kết hợp chiếu đèn hồng ngoại để điều trị bệnh. Sau 10-12 ngày hết bệnh, ông lại trở về với công việc và cuộc sống thường nhật. Ông Trác cho hay: “Sau một liệu trình điều trị thì cơ thể nhẹ nhõm và hết đau. Bác sĩ dặn về nhà phải nghỉ ngơi hợp lý, không được lao động nặng. Nhưng tôi là lao động chính trong gia đình không thể không làm việc, những lúc làm quá sức, bệnh tái phát thì tôi lại đến bệnh viện châm cứu”.

Châm cứu điều trị đau cột sống  tại  Bệnh viện  Y học  cổ truyền tỉnh.
Châm cứu điều trị đau cột sống tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh.

Cột sống gồm 33 đốt sống, bắt đầu từ đáy hộp sọ xuống tới thắt lưng, có vai trò như một cây trụ nâng đỡ cơ thể. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh đau cột sống nhưng chủ yếu là do lao động nặng nhọc, đặc thù công việc phải ngồi nhiều, cúi nhiều hay sinh hoạt, vận động sai tư thế… Biểu hiện ban đầu của bệnh là xuất hiện những cơn đau nhói hay đau âm ỉ, khó vận động, mất cảm giác. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh trở nặng, mất thời gian điều trị, dễ tái đi tái lại nhiều lần dẫn đến thoái hóa, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và khả năng làm việc, đặc biệt là người trong độ tuổi lao động. Trước đây, việc điều trị căn bệnh này bằng phương pháp y học cổ truyền chủ yếu là châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt, chiếu đèn hồng ngoại; thời gian điều trị từ 8-12 ngày tùy theo mức độ bệnh. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, bệnh nhân không được điều trị đầy đủ theo đúng quy trình khiến bệnh dễ tái phát. Hiện nay, việc điều trị và kiểm soát căn bệnh này đã được nền y học cổ truyền đi sâu hơn một bước bằng gói kỹ thuật cao châm cứu. Quy trình điều trị của gói kỹ thuật này gồm 5 bước, kéo dài trong vòng từ 7-10 ngày. Ưu điểm của nó là các bước được thực hiện theo một vòng tròn khép kín, không bị gián đoạn. Bệnh nhân được áp dụng đầy đủ, tuần tự, liên tục các bước gồm: châm cứu (điện châm, thủy châm); xoa bóp, bấm huyệt; tắm nước thuốc; chườm ngải; ăn nhẹ. Bên cạnh đó, thầy thuốc còn chú trọng đến tâm lý của người bệnh, luôn thăm hỏi, tư vấn, giúp người bệnh cảm thấy an tâm, tin tưởng khi chữa bệnh, góp phần mang lại hiệu quả cao trong quá trình điều trị. Bác sĩ Chuyên khoa I Nguyễn Như Hoàng Diệu, Bệnh viện Châm cứu Trung ương cho biết: “Sau khi áp dụng phương pháp điều trị này, hầu hết bệnh nhân đều cảm thấy sức khỏe được cải thiện rõ rệt, tinh thần sảng khoái, tỷ lệ khỏi bệnh ở giai đoạn đầu gần 100%. Điều này đòi hỏi thầy thuốc và người bệnh phải có sự gắn kết mật thiết, sẵn sàng đáp ứng những mong muốn của nhau trong điều trị bệnh”.

Đầu tháng 12 vừa qua, Bệnh viện Châm cứu Trung ương đã tiến hành chuyển giao gói kỹ thuật “tư vấn, điều trị và kiểm soát đau cột sống” cho Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh theo Đề án 1816 của Bộ Y tế. Đây là đơn vị đầu tiên trên địa bàn Tây Nguyên được chuyển giao gói kỹ thuật này, mang lại hy vọng cho người bệnh trong điều trị, kiểm soát bệnh đau cột sống.

Thu Huế - Đình Thi


Ý kiến bạn đọc