Multimedia Đọc Báo in

Kỳ công bảo tồn loài lan quý

08:35, 31/01/2019

TS. Phan Xuân Huyên, Trưởng Phòng Công nghệ Thực vật (Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên) đã có 20 năm theo đuổi niềm đam mê nghiên cứu và thành công trong việc nuôi trồng Lan Gấm ở điều kiện ngoài vườn ươm.

Lan Gấm (Anoectochiulus sp) lâu nay được biết đến là một loại thảo dược quý nhưng bị khai thác một cách triệt để dẫn đến cạn kiệt và có nguy cơ tuyệt chủng. Tuy nhiên, việc nghiên cứu nuôi trồng nhân tạo loại cây đã đưa vào Sách đỏ Việt Nam này trong môi trường tự nhiên chưa thực hiện được. Đây là điều thôi thúc TS. Huyên kỳ công nghiên cứu để xây dựng hoàn chỉnh quy trình nuôi trồng cây Lan Gấm ngoài vườn ươm. Trong tự nhiên, Lan Gấm thường mọc dưới tán rừng, ở độ cao lý tưởng từ 1.000 m trở lên, ưa ánh sáng thấp, độ ẩm cao, bởi vậy, anh và cộng sự phải tạo một khu “rừng” nhân tạo cho cây sinh trưởng. “Rừng” này có môi trường, nhiệt độ như rừng tự nhiên nhờ mái che điều chỉnh ánh sáng, hệ thống tưới, phun sương để duy trì độ ẩm tốt nhất. 

TS. Phan Xuân Huyên bên vườn ươm  Lan Gấm.   Ảnh: Ngọc Ngà
TS. Phan Xuân Huyên bên vườn ươm Lan Gấm. Ảnh: Ngọc Ngà

Công đoạn khó nhất trong quá trình triển khai là duy trì sự sinh trưởng, phát triển của cây sau khi chuyển từ ống nghiệm ra vườn ươm, bởi cây cấy mô được nuôi cấy trên môi trường thạch khi chuyển ra điều kiện vườn ươm trồng trên giá thể mới, độ ẩm ở vườn ươm thấp và có sự dao động trong ngày, dẫn đến cây con dễ bị héo. Do đó, trong thời gian đầu cần phải che chắn và phun sương giữ ẩm cho cây một cách kỹ lưỡng. Bên cạnh đó, giá thể nuôi cây phải dùng 90% vụn xơ dừa trộn với 10% tro trấu thì cây mới thích nghi tốt. Đồng thời, nhiệt độ, ánh sáng, phân bón phải tính toán để điều chỉnh phù hợp và việc phòng trừ sâu bệnh cho cây được thực hiện bằng các phương pháp an toàn sinh học... Nhờ đó, Lan Gấm đạt tỷ lệ sống 100%, cây sinh trưởng, phát triển tốt, cây mẹ 18 tháng tuổi có khả năng ra hoa, cây con từ 3 - 4 tháng tuổi cho hoa tương tự như cây mọc trong tự nhiên.

Trên cơ sở những nghiên cứu bước đầu, năm 2015, TS. Phan Xuân Huyên đã triển khai đề tài khoa học cấp tỉnh Ứng dụng công nghệ sinh học trong nhân giống Lan Gấm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Sau 3 năm thực hiện, anh và cộng sự đã điều tra khảo sát và tuyển chọn được 2 loại Lan Gấm (Anoectochilus lylie Rolfe Donnie và loại Anoectochilus roxburhii) tại vườn Quốc gia Chư Yang Sin, qua đó bảo tồn nguồn gen 2 loại Lan Gấm có giá trị dược liệu cao này.

Bên cạnh đó, đề tài cũng đã xây dựng quy trình kỹ thuật nhân giống Lan Gấm có tính ứng dựng cao trong thực tế. Theo đó, 15.000 cây Lan Gấm được nhóm nghiên cứu đưa vào trồng thương phẩm tại xã Yang Mao (huyện Krông Bông), xã Ea Nuôl (huyện Buôn Đôn) hiện đang sinh trưởng, phát triển tốt. TS. Huyên cho biết, từ sự thành công trong việc nghiên cứu xây dựng quy trình kỹ thuật nuôi trồng nhân tạo cây Lan Gấm ở điều kiện ngoài vườn ươm, thời gian tới, quy trình này có thể chuyển giao cho các trung tâm ứng dụng nghiên cứu và ứng dựng khoa học công nghệ để sản xuất Lan Gấm. Điều này sẽ mở ra triển vọng trồng Lan Gấm thương phẩm để phục vụ sản xuất tân dược và các loại thực phẩm chức năng từ loại thảo dược quý này.

Ở Việt Nam, Lan Gấm có khoảng 12 loài, trong đó có 3 loài có giá trị dược liệu, làm cây cảnh với giá trị kinh tế cao. Trong ngành y học Lan Gấm được mệnh danh là vua của các loài thảo dược, có tác dụng bảo vệ gan, phòng ngừa và hỗ trợ điều trị ung thư, bệnh tiểu đường, điều trị các bệnh tim mạch, chống oxy hóa, tăng cường miễn dịch, kháng viêm.


Minh Thông

 


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) Kết quả kinh tế - xã hội quý I/2024 của tỉnh Đắk Lắk
Ngay từ đầu năm 2024, bám sát các nội dung chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh Đắk Lắk đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong quý I/2024 tiếp tục phát triển ổn định; một số chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch đề ra.