Multimedia Đọc Báo in

Nhiều thách thức chờ đợi tân Tổng thống Mỹ Joe Biden

08:38, 22/01/2021

Ngày 20-1, Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden đã làm lễ nhậm chức tại Điện Capitol ở thủ đô Washington, chính thức trở thành Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ.

Đảo ngược nhiều chính sách của người tiền nhiệm

Phát biểu sau khi chính thức tuyên thệ nhậm chức trở thành Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ, ông Joe Biden khẳng định nước Mỹ đã vượt qua được những thách thức và nền dân chủ đã giành chiến thắng.

Tổng thống Biden khẳng định chính quyền mới sẽ hướng về phía trước với đầy sự khẩn trương, trong lúc dịch bệnh đang "rình rập đất nước" và đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm nghìn người. Ông cũng cam kết sẽ trở thành vị tổng thống của tất cả người dân Mỹ, kêu gọi người dân cùng đoàn kết lại để vượt qua những thách thức mà đất nước đang phải đối mặt.

Cùng ngày 20-1, ngay sau khi tiếp quản Nhà Trắng, tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bắt đầu ký 15 sắc lệnh hành pháp nhằm giải quyết những vấn đề như đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu và bất bình đẳng giữa các sắc tộc, đồng thời đảo ngược một số chính sách đã được người tiền nhiệm Donald Trump triển khai. Các sắc lệnh, nhằm hiện thực hóa cam kết hành động nhanh chóng trong ngày đầu tiên trên cương vị Tổng thống Mỹ, khởi đầu tiến trình đưa Washington quay trở lại tham gia Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và bao gồm quyết định hủy bỏ giấy phép của Tổng thống cho triển khai xây dựng đường ống dẫn dầu Keystone XL.

Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên thệ nhậm chức. Ảnh: CNN
Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên thệ nhậm chức. Ảnh: CNN

Các biện pháp mà ông Biden đang triển khai sẽ chấm dứt lệnh cấm đi lại mà cựu Tổng thống Trump đặt ra đối với một số quốc gia có đa số người dân theo đạo Hồi. Tân Tổng thống Biden cũng kêu gọi chính quyền của ông đẩy mạnh chương trình DACA dành cho những người nhập cư được đưa tới Mỹ là trẻ em. Bên cạnh đó, ông chủ mới của Nhà Trắng cũng ra lệnh đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách xã hội tại mọi tòa nhà liên bang và khu vực liên bang, đồng thời sẽ chấm dứt tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia - vốn là cơ sở để chuyển một số khoản ngân sách liên bang sang dự án xây dựng bức tường dọc biên giới với Mexico.

Đối mặt với hàng loạt thách thức

Ngay khi bắt đầu nhiệm kỳ mới, chính quyền của ông Biden sẽ phải đối mặt với một loạt các thách thức cả về đối nội và đối ngoại.

"Để vượt qua những thách thức, để tìm lại "linh hồn" và đảm bảo tương lai của nước Mỹ, chúng ta cần nhiều hơn những lời nói. Chúng ta cần đến một thứ luôn bị lảng tránh khi nhắc đến dân chủ: đó là sự đoàn kết”.
Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden

Về đối nội, thách thức trước tiên và trên hết của Chính quyền Biden - Harris chính là xử lý đại dịch Covid-19 và những hệ lụy, đặc biệt là về kinh tế - xã hội mà dịch bệnh gây ra. Ông Biden sẽ phải chèo lái “con tàu” kinh tế Mỹ đi qua giai đoạn khó khăn này, thông qua kế hoạch chi tiêu 1.900 tỷ USD được công bố hồi giữa tháng này. Chính quyền của ông Joe Biden cũng sẽ phải đối phó với các công ty công nghệ lớn; cân nhắc lại các chính sách thuế; tăng cường giám sát chặt chẽ hơn hệ thống tài chính của nước Mỹ; giảm bớt gánh nặng nợ hộ gia đình. Đồng thời, chính quyền mới cũng sẽ tiến hành điều chỉnh ngành năng lượng khi mục tiêu của tân Tổng thống về một hệ thống điện không phát thải carbon vào năm 2035 sẽ buộc ngành năng lượng Mỹ phải trải qua một cuộc cải cách triệt để.

Các doanh nghiệp ngành giao thông Mỹ cũng đang kỳ vọng vào lời cam kết của ông Biden về việc sửa chữa và mở rộng các tuyến đường cao tốc, đường sắt, hệ thống vận chuyển và nhiều cơ sở hạ tầng khác của nước Mỹ. Tuy nhiên, lĩnh vực giao thông là một ngành "đóng góp" nhiều vào quá trình biến đổi khí hậu - trong khi ông Biden đã cam kết sẽ tích cực tìm cách giải quyết vấn đề này. Tìm được cách cân bằng những cam kết trên mà không gây ra tình trạng mất việc diện rộng sẽ là một thách thức lớn cho ông Biden và chính quyền mới.

Một thách thức nữa vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài, đó là hàn gắn những chia rẽ sâu sắc trong đời sống chính trị - xã hội và đoàn kết nước Mỹ, sau một mùa vận động tranh cử 2020 gây tranh cãi và kéo dài nhất trong lịch sử hiện đại. Cùng với đó là những nguy cơ thường trực bất ổn an ninh và xung đột do chính các nhân tố bên trong gây ra, trong bối cảnh xung đột đảng phái và sắc tộc tại Mỹ hiện ở mức cao hơn bao giờ hết.

Nhiều thách thức chờ đợi tân Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: AFP/TTXVN
Nhiều thách thức chờ đợi tân Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: AFP/TTXVN

Về đối ngoại, thông điệp xuyên suốt mà ông Joe Biden nêu lên trong chiến dịch vận động tranh cử vừa qua, đó là “nước Mỹ đã trở lại” để sẵn sàng lãnh đạo thế giới chứ không thoái lui. Tân Tổng thống Biden cũng cam kết sẽ đảo ngược chính sách “Nước Mỹ trước tiên” của chính quyền Donald Trump, mà ông Biden gọi là “Nước Mỹ một mình”. Theo đó, Mỹ sẽ không "nắn gân" đồng minh, không tôn vinh chủ nghĩa dân túy và sẽ không rút khỏi các cam kết quốc tế. Thay vào đó, nước Mỹ sẽ quay trở lại chính sách truyền thống kể từ sau Chiến tranh Lạnh, đó là củng cố các mối quan hệ đồng minh và chủ nghĩa đa phương, lấy giá trị dân chủ làm nguyên tắc cốt lõi để tập hợp lực lượng. Tuy vậy, sau bốn năm dưới thời chính quyền Donald Trump, cả ba trụ cột trong chính sách đối ngoại của Mỹ, gồm chủ nghĩa đa phương, quan hệ đồng minh và giá trị dân chủ đã bị mai một tới mức mà nhiều chuyên gia cho rằng không thể khôi phục được.

Có lẽ vấn đề đối ngoại nổi cộm nhất, cấp bách nhất là ứng xử và giải quyết các mối quan hệ với Trung Quốc. Quan hệ Mỹ - Trung hiện đang ở trạng thái đối đầu toàn diện và việc chính quyền tiền nhiệm thực thi chính sách rất cứng rắn đối với Trung Quốc cho đến tận giờ phút cuối đã nhận được sự đồng thuận của cả hai đảng trong Quốc hội và đa số người dân Mỹ.

Ngoài ra, còn có rất nhiều các thách thức khác đòi hỏi chính quyền Tổng thống Biden phải nỗ lực giải quyết. Khó khăn chồng chất, nhưng vượt lên tất cả, người dân Mỹ vẫn mong đợi một niềm hy vọng về tinh thần hòa giải, đoàn kết đưa nước Mỹ tiến lên.

Hồng Hà (Theo TTXVN, VOV)

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.