Multimedia Đọc Báo in

Lo ngại hoạt động hạt nhân tại Iran

07:13, 08/01/2021

Thông tin về hoạt động hạt nhân của Iran đang gây những lo ngại trong chính giới và các phương tiện thông tin truyền thông nói chung.

Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI) Ali Akbar Salehi ngày 5-1 tuyên bố nước này sẽ sản xuất tới 9 kg urani đã được làm giàu với độ tinh khiết 20% mỗi tháng.

Theo hãng thông tấn IRNA, ông Salehi cho biết: "Nhiều hoạt động quy mô lớn đang được AEOI triển khai, trong đó bao gồm việc xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân ở Bushehr (ở miền Nam Iran). Đây là hai dự án công nghiệp lớn nhất trong nước, với chi phí xây dựng khoảng 10 tỷ USD".

Tuyên bố trên được Giám đốc AEOI Ali Akbar Salehi đưa ra trong bối cảnh Iran ngày 4-1 đã khởi động tiến trình làm giàu urani ở mức 20% - một mức làm giàu cao chưa từng thấy, vượt xa ngưỡng cam kết trong thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) mà Tehran và Nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc và Đức) đã ký kết năm 2015.

Đây được xem là một phần trong Kế hoạch Hành động Chiến lược của Iran nhằm chống lại các lệnh trừng phạt đã được Quốc hội nước này thông qua vào tháng 12-2020.

Bên trong cơ sở làm giàu urani Fordow của Iran tại thành phố Qom. Ảnh: AFP/TTXVN
Bên trong cơ sở làm giàu urani Fordow của Iran tại thành phố Qom. Ảnh: AFP/TTXVN

Tehran phê chuẩn điều luật trước đó đã được cơ quan lập pháp của nước này thông qua về việc chống lại các biện pháp trừng phạt của Mỹ, trong đó quy định làm giàu uranium ở mức 20%. Luật được thông qua ở Iran cũng quy định việc chính phủ không chấp hành thỏa thuận bổ sung của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) về xác minh sản xuất hạt nhân mở rộng trong trường hợp các bên không tuân thủ cam kết của thỏa thuận trong vòng hai tháng sau khi “luật có hiệu lực". Việc thông qua văn kiện đã được chuẩn bị trong một thời gian dài, nhưng liên quan đến vụ ám sát nhà vật lý hạt nhân Mohsen Fahridzadeh, Quốc hội Iran đã xem xét luật này một cách nhanh chóng.

Trong một chia sẻ trên mạng xã hội Twitter ngày 4-1, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cho biết việc Iran tiếp tục làm giàu urani với độ tinh khiết 20% đã được Quốc hội nước này phê chuẩn. Ngoài ra, Tehran cũng đã thực hiện đúng quy trình thông báo tới IAEA về kế hoạch này. Ông Zarif khẳng định quyết định trên hoàn toàn phù hợp với nội dung nêu trong đoạn thứ 36 của JCPOA, sau nhiều năm một số bên khác tham gia JCPOA không tuân thủ thỏa thuận. Mặc dù vậy, Ngoại trưởng Iran cũng nêu rõ nước này hoàn toàn có thể hủy bỏ các biện pháp hạt nhân, nếu tất cả các bên khác tham gia JCPOA cùng tuân thủ đầy đủ thỏa thuận này.

Cộng đồng quốc tế ngay lập tức đã có những phản ứng đối với động thái hạt nhân của Iran. Ngày 4-1, Liên hiệp quốc kêu gọi Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân ký kết năm 2015 với Nhóm P5+1 (gồm 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc và Đức). Phát biểu tại cuộc họp báo trực tuyến, ông Farhan Haq - phó phát ngôn viên của Tổng Thư ký Liên hiệp quốc cho biết Liên hiệp quốc đã tuyên bố rõ rằng các bên liên quan thỏa thuận hạt nhân JCPOA cần tiếp tục tuân thủ cam kết, đồng thời kêu gọi Iran hợp tác với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).

Israel ngày 4-1 kêu gọi cộng đồng quốc tế "phản ứng kiên quyết" với Iran sau khi Tehran công bố quyết định làm giàu urani ở mức 20%. Bộ Ngoại giao Israel cho rằng việc Iran tuyên bố khôi phục hoạt động làm giàu urani mức 20% là "một hồi chuông cảnh tỉnh đối với chủ trương tiếp cận hòa bình với Iran".

Bên trong một nhà máy điện hạt nhân ở miền Nam Iran.
Bên trong một nhà máy điện hạt nhân ở miền Nam Iran.

Liên minh châu Âu (EU) cũng lên tiếng cảnh báo động thái trên của Iran sẽ làm "chệch hướng đáng kể" các cam kết của chính quyền Tehran trong JCPOA. Liên minh châu Âu (EU) cũng tuyên bố sẽ "tăng gấp đôi nỗ lực" để cứu vãn JCPOA. Phát biểu với báo giới, người phát ngôn của EU - ông Peter Stano, cho biết các hành động của Iran sẽ có tác động nghiêm trọng tới mục tiêu không phổ biến vũ khí hạt nhân. Theo ông Stano, các nước đang rất lưu tâm tới việc giải cứu thỏa thuận trên, theo đó khối liên minh 27 quốc gia này sẽ gia tăng các nỗ lực của mình để đảm bảo rằng tất cả các bên tham gia đều tuân thủ các cam kết trong thỏa thuận mang tính bước ngoặt JCPOA.

Ngày 5-1, Ủy ban châu Âu (EC) đã bày tỏ lấy làm tiếc về việc Iran nối lại việc làm giàu urani lên mức 20% tại cơ sở hạt nhân Fordow. Phát biểu tại một cuộc họp báo, người phát ngôn của EC cho biết: "Chúng tôi bày tỏ quan ngại sâu sắc về các biện pháp Iran đã thực hiện. Hành động này vi phạm các cam kết hạt nhân của Iran và sẽ gây ra các tác động nghiêm trọng. Điều đó thật đáng tiếc... song việc chúng ta duy trì thỏa thuận cũng là điều rất quan trọng".

Căng thẳng liên quan JCPOA gia tăng kể từ tháng 5-2018, khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân này và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Iran nhằm gây áp lực buộc Tehran đàm phán lại thỏa thuận. Đáp lại, Iran đã giảm một số cam kết trong thỏa thuận, đồng thời tăng mức làm giàu urani. JCPOA quy định Iran chỉ được làm giàu urani ở mức 3,67%, thấp hơn mức 20% mà Iran đã thực hiện trước khi thỏa thuận được ký kết. Mức làm giàu urani để chế tạo vũ khí hạt nhân là 90%. Được biết, quá trình làm giàu từ mức 20% lên đến 90% có thể không quá khó với kỹ thuật hiện nay của Iran, dự kiến sẽ diễn ra trong vài tuần hoặc vài tháng (nghĩa là Iran thực sự đã công bố sản xuất uranium cấp vũ khí).

Hồng Hà (Theo TTXVN, VOV)

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.