Multimedia Đọc Báo in

Đại hội đồng Liên hiệp quốc: Cam kết ủng hộ chủ nghĩa đa phương

06:11, 04/10/2020
Sáng 30-9 (giờ Việt Nam), Phiên thảo luận chung cấp cao của Đại hội đồng Liên hiệp quốc khóa 75 đã bế mạc tại trụ sở Liên hiệp quốc ở New York (Mỹ), với một tín hiệu tích cực khi đa số các nhà lãnh đạo trên thế giới và đại diện các quốc gia tham dự đều bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với chủ nghĩa đa phương và Liên hiệp quốc.

Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên hiệp quốc diễn ra trong một tuần từ ngày 22 đến 29-9, với chủ đề “Tương lai chúng ta muốn, Liên hiệp quốc chúng ta cần: Tái khẳng định cam kết chung đối với chủ nghĩa đa phương - ứng phó với Covid-19 thông qua hành động đa phương hiệu quả”. Do tác động của đại dịch Covid-19, Phiên thảo luận chung được tổ chức theo hình thức lãnh đạo cấp cao các nước ghi hình phát biểu trước để phát trực tiếp tại Trụ sở Liên hiệp quốc (tại New York, Hoa Kỳ). Hơn 170 lãnh đạo cấp cao các nước đã gửi thông điệp đến phiên họp đặc biệt này. Đây là sự kiện quốc tế quan trọng thu hút sự quan tâm, theo dõi rộng rãi của cộng đồng quốc tế.

Tại phiên thảo luận, Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres bày tỏ lo ngại cạnh tranh và nghi kỵ giữa các nước lớn sẽ đẩy thế giới đến một cuộc chiến tranh lạnh mới với những hệ lụy tiêu cực đối với hòa bình, an ninh và phát triển thế giới, cũng như Liên hiệp quốc.

Quang cảnh phiên thảo luận chung của Đại hội đồng Liên hiệp quốc khóa 75.  Ảnh: TTXVN
Quang cảnh phiên thảo luận chung của Đại hội đồng Liên hiệp quốc khóa 75. Ảnh: TTXVN

Trong thông điệp của mình, lãnh đạo các nước chia sẻ những tác động chưa từng có tiền lệ của đại dịch Covid-19; khẳng định cam kết mạnh mẽ thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, ủng hộ vai trò của Liên hiệp quốc, tăng cường đoàn kết và hỗ trợ lẫn nhau trong phòng chống đại dịch, phục hồi tăng trưởng, phát triển hậu Covid-19, ứng phó hiệu quả với các thách thức toàn cầu.

Các nước khẳng định Hiến chương Liên hiệp quốc tiếp tục là nền tảng quan trọng nhằm xây dựng một thế giới hòa bình, hữu nghị, phát triển và tiến bộ. Nhiều nước cũng cho rằng cần cải tổ mạnh mẽ các cơ chế quản trị toàn cầu, trong đó có Liên hiệp quốc và Hội đồng Bảo an, để có thể xử lý những thách thức, đáp ứng sự trông đợi của người dân và các nước.

Phát biểu bế mạc Phiên thảo luận chung, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hiệp quốc khóa 75 Volkan Bozkir cho biết trong các bài phát biểu gửi tới phiên thảo luận, đa số các lãnh đạo thế giới đã khẳng định cam kết đối với chủ nghĩa đa phương và Liên hiệp quốc. Theo ông Bozkir, nhiều nhà lãnh đạo đã công nhận rằng chủ nghĩa đa phương là hệ thống hiệu quả nhất để giải quyết các thách thức toàn cầu như đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 và tình trạng biến đổi khí hậu.

Ông Bozkir cho biết các nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu chính phủ và các bộ trưởng đã đề ra một chương trình nghị sự hoàn chỉnh, không chỉ hỗ trợ các ưu tiên đặt ra, mà còn cung cấp hướng dẫn cụ thể về các bước đi cần thiết để vượt qua những thách thức mà thế giới đang phải đối mặt. Các nhà lãnh đạo nhất trí cho rằng các giải pháp chỉ có thể đến từ các hành động đa phương, với Liên hiệp quốc là trung tâm.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có thông điệp quan trọng gửi tới hội nghị, trong đó nhấn mạnh cơ chế đa phương toàn cầu và khu vực phải được tôn trọng và phát huy. Trên tinh thần đó, các nước cần một Liên hiệp quốc cho tương lai phải thực sự là tổ chức gắn kết, ở đó mỗi thành viên, không phân biệt lớn nhỏ, giàu nghèo, được đóng góp tiếng nói về những vấn đề cùng quan tâm và cũng là "vườn ươm" cho những sáng kiến, ý tưởng hợp tác đa phương vì hòa bình, phát triển và thịnh vượng trên thế giới.

Liên hiệp quốc cần được tiếp tục cải tổ để trở thành một tổ chức mạnh mẽ và hiệu quả hơn, phát huy vai trò điều hòa lợi ích, ứng xử của các nước trước những biến chuyển to lớn của thời đại.

Cũng trong thông điệp của mình, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh đại dịch Covid-19 chính là lời cảnh tỉnh sâu sắc, thúc giục các nước cam kết và chung tay hành động mạnh mẽ hơn nữa để thúc đẩy phát triển bền vững, bao trùm và nhân văn.

Chương trình nghị sự 2030 cần tiếp tục là khuôn khổ để các nước vừa hợp tác vượt qua đại dịch, vừa phục hồi bền vững, lấy lợi ích của người dân làm trung tâm của mọi chính sách và hành động, để bảo đảm không một người dân, không một quốc gia nào bị bỏ lại phía sau. Các nước đang phát triển cần được tạo điều kiện và hỗ trợ về tài chính, công nghệ và thương mại để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện với Liên hiệp quốc, phát huy vai trò là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021, góp phần xây dựng xây dựng một thể chế đa phương toàn cầu công bằng, minh bạch và hiệu quả.

Trên cương vị là Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam cùng các nước thành viên cũng đang hết sức nỗ lực để xây dựng một khu vực hòa bình, hữu nghị và hợp tác; cam kết duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982; tuân thủ các nguyên tắc kiềm chế, tránh các hành động đơn phương làm phức tạp tình hình, giải quyết tranh chấp và khác biệt bằng các biện pháp hòa bình, bao gồm các tiến trình pháp lý và ngoại giao.

Hồng Hà (Theo TTXVN)

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.